ClockThứ Hai, 25/09/2017 14:20

Lạm thu đầu năm: Hiệu trưởng đừng núp bóng ban phụ huynh học sinh!

Không nên giải thể Ban đại diện cha mẹ học sinh, địa chỉ cuối cùng cần quy trách nhiệm là hiệu trưởng các trường xảy ra lạm thu.

Lạm thu đầu năm tại các trường học đã trở thành câu chuyện "đến hẹn lại lên", nhưng đến nay, vấn đề này lại một lần nữa khiến nhiều phụ huynh và toàn xã hội phải bức xúc khi số tiền thu đầu năm lên đến con số "khủng".

Ngoài những khoản thu theo quy định của nhà nước, nhiều phụ huynh phải oằn mình “cõng” thêm nhiều khoản thu vô lý. Dù bức xúc, nhưng họ vẫn phải đóng trên danh nghĩa tự nguyện. Trước thực trạng này, có ý kiến cho rằng, nên giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh khi trở thành ban “bù nhìn”, “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng trong chuyện lạm thu.

Vấn đề lạm thu núp dưới danh nghĩa tự nguyện khiến nhiều phụ huynh bức xúc. (Ảnh minh họa. Nguồn: KT)

Trả lời về vấn đề trên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng để xảy ra tình trạng lạm thu gây bức xúc dư luận những ngày qua, lỗi là do hiệu trưởng chứ không phải Ban đại diện cha mẹ học sinh.

“Bản chất nhà trường hiện nay vẫn có những thiếu thốn mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng hết cho giáo dục. Khi ấy cũng cần đến sự chung tay của phụ huynh để tạo ra cho con em mình môi trường giáo dục tốt nhất. Nhưng việc thu gì, chi gì phải được đưa ra bàn bạc, thống nhất với phụ huynh, minh bạch và được giám sát một cách chặt chẽ chứ không được để xảy ra tình trạng hiệu trưởng có cơ hội lạm quyền”, TS Lâm nói.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, thực tế hiện nay nhiều trường đang xảy ra tình trạng “xé rào” thu  sai, núp dưới danh nghĩa tự nguyện của Ban đại diện cha mẹ học sinh, một phần cũng do ban này hoạt  động chưa đúng vai trò. Thực chất họ không có chức năng quản lý thu chi những khoản đầu năm. “Tuy nhiên tôi hoàn toàn bảo vệ Ban cha mẹ học sinh, tôi cho rằng không nên bỏ ban đại diện đi. Những trường xảy ra tình trạng lạm thu thì cần quy trách nhiệm cho hiệu trưởng. Hiệu trưởng là địa chỉ duy nhất để xử lý. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với Nhà nước về các vấn đề điều hành trong nhà trường. Hiệu trưởng đừng núp bóng phụ huynh hay giáo viên. Tôi nghĩ chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát, xử lý hiệu trưởng nếu để xảy ra tình trạng lạm thu”, TS Lâm nói.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, dù là cơ chế quản lý công hay quản lý tư đều sẽ bộc lộ những hạn chế nhất định, do đó, nên có một bên thứ 3 cùng tham gia giám sát. Trong vấn đề giám sát giáo dục, chuyên gia nhận thấy sự tham gia của các tổ chức chính quyền địa phương để cùng theo dõi các hoạt động giáo dục là cần thiết.

TS Lâm cũng cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh phải nêu rõ hơn nữa vai trò của mình, thực sự vì quyền lợi của học sinh chứ không phải vì quyền lợi của hiệu trưởng.

Là người có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục,  PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, về nguyên tắc, khi Nhà nước cùng người dân hợp sức để thúc đẩy quá trình phát triển giáo dục là điều rất tốt, tuy nhiên phải luôn có vai trò quản lý của Nhà nước. Những khoản nào ngân sách không thể đáp ứng đủ cho hoạt động giáo dục thì cho phép các trường thu dưới dạng xã hội hóa, nhưng hơn hết phải đảm bảo yếu tố minh bạch trong thu chi.

“Mọi khoản đều phải rõ ràng, phụ huynh phải đóng thêm những khoản nào, đóng bao nhiêu, tùy theo từng vùng miền, nông thôn đóng bao nhiêu, miền núi đóng bao nhiêu, thành phố bao nhiêu phải nêu rõ. Cần có những quy định chung, cụ thể để tránh việc các trường thu chi tùy tiện. Nếu ta quản lý chặt, điều luật rõ ràng thì không có chuyện xảy ra lạm thu. Vì không có quy định chặt chẽ, nên mới có chuyện các trường thu quá nhiều như hiện nay.

Trong câu chuyện lạm thu đầu năm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ có cùng quan điểm cho rằng không nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh. “Trong chuyện lạm thu, lỗi không phải ở cha mẹ học sinh mà do quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo, chưa có các quy định rõ ràng. Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết, họ có vai trò phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Nếu làm chưa đúng chức năng thì cần sửa lại, chứ không nên bỏ. Các thành viên trong Ban cũng cần hiểu rõ chức năng chính của mình là gì, không phải là cánh tay nối dài cho hiệu trưởng, cũng không phụ trách việc thu chi của nhà trường”.

Bên canh đó, nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, khi nhà trường đưa ra các khoản đóng góp, Ban cha mẹ học sinh cần phải xem xét, việc gì đáng thu tiền, việc gì không đáng thu, nếu thấy thu không hợp lý thì cần đại diện cho các phụ huynh đưa ra ý kiến phải đối kịp thời.  Đối với các hiệu trưởng để xảy ra tình trạng lạm thu, cần phải có đề nghị hoàn trả lại cho phụ huynh những khoản thu không đúng, chịu phê bình, cảnh cáo, thậm chí cách chức nếu để xảy ra những sai phạm tài chính nghiêm trọng.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trách nhiệm vì cộng đồng

Tuổi trẻ công an toàn tỉnh đã có những hành động, việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Trách nhiệm vì cộng đồng
Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
Return to top