ClockThứ Bảy, 13/02/2016 06:59

Liên kết có trách nhiệm

TTH - Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, liên kết trong sản xuất kinh doanh là một yêu cầu tất yếu. Nhận diện rõ cơ hội và thách thức, liên kết có trách nhiệm là “chìa khóa” để mở cánh cửa thành công.

Ông cha ta từng đúc kết “buôn có bạn, bán có phường”. Chả thế mà Hà Nội xưa có 36 phố phường, mỗi phố là một làng nghề, gắn với một mặt hàng đặc trưng như: Hàng Chiếu, Hàng Lược, Hàng Đào, Hàng Khoai… Huế cũng vậy. Các làng nghề thường co cụm, dựa vào nhau để sản xuất, kinh doanh. Phường Đúc là một ví dụ rõ nhất. Muốn mua đồ đồng hầu như ai cũng tìm về đây. Ngay cả bây giờ, những người kinh doanh cũng thường co cụm tạo thành các khu phố đặc trưng, như Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Phan Đăng Lưu khu “phố Tây”, … Nhìn ở góc độ kinh tế, đây cũng là một kiểu “liên kết” trong làm ăn. Tất nhiên sự liên kết chỉ mang tính quy ước và lỏng lẻo, có cả cạnh tranh không lành mạnh lẫn bổ trợ cho nhau.

Thời đất nước mở cửa, việc liên kết làm ăn càng phát triển mạnh mẽ. Đó là sự liên kết giữa các vùng miền, liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ. Sự liên kết cũng vô cùng đa dạng về hình thức, lĩnh vực, sản phẩm. Trong nền kinh tế hàng hóa, thực tế hiếm người có đủ tiềm lực về vốn, tri thức để có thể đầu tư sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối và đảm nhận luôn việc lưu thông phân phối. Mà nếu có đủ lực họ cũng chẳng dại gì đầu tư vào những khâu, công đoạn có hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, khi kinh tế càng phát triển, nhu cầu liên kết trong sản xuất càng trở nên bức thiết, phát huy được thế mạnh của từng đơn vị, địa phương. Thậm chí sự liên kết không còn bó hẹp trong từng ngành nghề, địa phương, quốc gia mà mang tính toàn cầu- các nhà kinh tế học gọi đó là xu thế toàn cầu hóa. Dông dài một chút để thấy, liên kết trong làm ăn là một nhu cầu tự nhiên, nhằm đem lại lợi ích cho những người tham gia trong một chuỗi sản xuất nhất định.

Khi nói đến liên kết, tất yếu phải có quy định ràng buộc, quyền lợi luôn đi đôi với trách nhiệm. Ở tỉnh ta, mấy năm gần đây, khi Công ty cổ phần chăn nuôi CP của Thái Lan đầu tư nuôi tôm thâm canh ở vùng cát Phong Điền, nhiều người kỳ vọng công ty sẽ là giá đỡ cho người nuôi tôm địa phương, từ việc chuyển giao công nghệ đến bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, người nuôi vẫn cứ nuôi tôm theo kinh nghiệm, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn thích gì dùng nấy. Khi tôm tiêu thụ gặp khó khăn, họ lại kiến nghị chính quyền can thiệp để công ty thu mua tôm. Về phía công ty, việc từ chối thu mua hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học, bởi con tôm của người dân nuôi không theo đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng tôm không đáp ứng các yêu cầu từ kích cỡ đến việc kiểm soát dư lượng chất bảo vệ thực vật. Ngược lại có trường hợp doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng khiến người nông dân điêu đứng, như trường hợp người trồng ớt ở Phong Điền cách đây mấy năm. Điều này cho thấy, không gắn trách nhiệm với quyền lợi thì sẽ không thể có sự liên kết trong làm ăn.

Hiện nay, khi nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương thì cơ hội làm ăn cũng rộng mở, nhưng cần phải vượt qua các rào cản kỹ thuật thương mại của các nước đối tác. Rõ nhất là Hiệp định TPP mới được 12 nước thành viên ký kết (trong đó có Việt Nam), tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng có nhiều lợi thế của nước ta xuất khẩu vào các nước.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới vừa công bố nhận định, với việc tham gia TPP, GDP của Việt Nam có thể tăng 10% từ nay đến năm 2030. Cơ hội lớn là vậy, nhưng nếu nước ta, nhất là các doanh nghiệp không tích cực chuẩn bị không những không chớp được thời cơ mà còn thua ngay trên sân nhà. Điển hình là ngành dệt may- ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của tỉnh ta, để được hưởng các ưu đãi về thuế phải đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Có nghĩa từ nguyên, phụ liệu đến sản phẩm phải có xuất xứ nguồn gốc từ trong nước hoặc từ các nước trong TPP. Trong khi đó, hiện nay các doanh nghiệp dệt may nước ta chủ yếu nhập nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc-một nước không nằm trong TPP. Trong lần trò chuyện mới đây, ông Nguyễn Bá Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế, thừa nhận liên kết là vấn đề yếu nhất của các doanh nghiệp dệt may trong nước. Để tháo gỡ khó khăn này, ngoài việc Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát huy vai trò của Tập đoàn Dệt may, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động liên kết, chia sẻ lợi ích để đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu. Nếu không sẽ chẳng doanh nghiệp nào được hưởng lợi từ những ưu đãi của TPP.

Liên kết, chia sẻ lợi ích không chỉ diễn ra trong nội ngành mà còn là vấn đề đặt ra cho tất cả các ngành. Đó là mối liên kết ngang trong nền kinh tế, như giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến, giữa du lịch với hàng không, cơ sở lưu trú, dịch vụ... Còn nhớ cách đây khoảng chục năm, khi mới bắt đầu khai thác tour du lịch nhà vườn Phú Mộng- Kim Long, nhiều chủ nhà hồ hởi. Nhưng chỉ thời gian ngắn, họ nhận ra đón khách du lịch chỉ tổ “tốn nác, rác nhà”, bởi các công ty du lịch đưa khách đến tham quan mà chẳng chia sẻ một đồng nào.

Trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh gì cũng có liên kết và cần liên kết để gia tăng chuỗi giá trị của sản phẩm, đem lại lợi nhuận cao nhất cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh. Điều quan trọng phải biết và chấp nhận chia sẻ lợi ích để tất cả các bên cùng có lợi.

Hoàng Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 vừa được công bố hôm nay (10/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Việt Nam được đưa ra trước đó, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Cụ thể, ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6% và 6,2% vào năm 2024 và 2025.

ADB Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài
Return to top