ClockThứ Tư, 13/10/2010 18:19

Những giọt sương đầu mùa

TTH - Thực hiện kế hoạch hoạt động hè năm 2010, khuyến khích phong trào sáng tác văn thơ của thiếu nhi, đồng thời tạo điều kiện cho các em giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tìm nguồn cảm hứng, Nhà Văn hóa Thiếu nhi Huế phối hợp với Hội LHVHNT, Phòng VHTT và Phòng GD ĐT Thành phố Huế đã tổ chức trại sang tác văn thơ thiếu nhi năm 2010 dành cho các em đạt giải cao trong cuộc thi sáng tác thơ văn “Cây bút tuổi hồng” và các em đang sinh hoạt tại CLB Sao Khuê Nhà Văn hóa Thiếu nhi Huế.

Qua một thời gian không dài, nhưng với sự trải nghiệm của những ngày tham gia hội trại đã đưa lại một nguồn cảm xúc tươi mới, là một sự khơi gợi nguồn cảm hứng và lòng yêu thích văn chương của các thành viên. Các em đã được sống trong một không gian huyền ảo của Huyền Không Sơn Thượng, được lắng nghe từng hơi thở của một chốn thiền môn, được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ, được học hỏi thêm những hiểu biết về cuộc đời, về Phật giáo, về cõi thiền, về những vẻ đẹp tâm linh… Tất cả đã tạo cho các em một cái nhìn phong phú đa dạng hơn trong hành trang kiến văn của một người bắt đầu cầm bút.


Các thành viên chụp ảnh lưu niệm

Không những thế, trong Hội trại lần này, các em được tiếp xúc với những nhà văn, nhà thơ đi trước để cùng trao đổi những kinh nghiệm của công việc viết lách. Từ đó có thể giải bày, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để tích lũy thêm kinh nghiệm sáng tác cho mỗi cá nhân để trang viết ngày một chững chạc hơn, thành công hơn, để có thể định hình một tác giả văn chương trong tương lai.
 
Chúng tôi vui mừng nhận thấy thấp thoáng đằng sau những tác phẩm là những cây viết tuổi hồng đang dần định hình. Để khẳng định tài năng của một cây bút, cần có chiều dài thời gian và độ dày của tác phẩm. Tuy nhiên, qua những sáng tác gặt được trong đợt thực tế này, chúng tôi đã bắt gặp những cái tên với những dòng văn, câu thơ lấp lánh. Đó là Nguyễn Thanh Hằng với ý thơ lơ đãng mơ màng khói sương: Nay xa rồi lòng ta có nhớ/ lá treo sương vương vấn thở dài. Đó là một Lê Sỹ Dự: Nhịp thời gian gõ đều từng phách/ bậc thang già phủ kín màu rêu/ rêu xanh ngắt giữa màu trời tím lặng/ tiếng chuông chiều văng vẳng, gõ vào tim. Những cảm xúc rất thật trong một không gian thật đã được Trương Đình Hiếu đưa vào thơ bằng một chiều sâu tâm cảm: Ta ôm mưa nghe chút gì không thể/ mưa kiêu sa rơi giữa lưng chừng trời. Hay những câu thơ đẫm chất Thiền của Hoàng Hữu Phước: Huyền Không sương, gió, mây, trăng/ lòng ai ai cảm, lòng ta, ta thiền. Đặc biệt, Hội trại lần này đã đưa lại một cây bút nữ nhuần nhị hứa hẹn một gương mặt thơ mới cho văn học tỉnh nhà, đó là Nguyễn Thị Hồng Liên.
 

Nhà thơ Đông Hà nói chuyện văn học với các em. Ảnh: www.voque.org

Về mảng văn xuôi, dù chưa thật rõ ràng nhưng những cây bút nhỏ như Nguyễn Phúc Minh Tâm, Nguyễn Đình Anh Thảo, Lê Phương Thảo… đã bắt đầu định hình được cảm xúc để thể hiện trong các trang viết của mình. Phan Dương Thế Tôn cũng khá nét trong truyện ngắn. Nguyễn Thị Thu Mai đã vững hơn về tùy bút… Tuy chưa đạt được một tác phẩm hoàn mỹ trong lĩnh vực văn xuôi nhưng với thời gian cũng như sự tích lũy, hy vọng các cây bút văn xuôi sẽ ngày một chín hơn.
 
Con đường văn chương là một hành trình dài không ngơi nghỉ. Mỗi người cầm bút đều phải tự mình vạch ra một lối đi riêng. Với các thành viên tham gia Hội trại lần này, dẫu chỉ mới đặt bước chân đầu tiên lên con đường đó, cũng đã là một bước đi quan trọng đáng được trân trọng và quan tâm khích lệ động viên. Chúng ta hãy cùng cổ vũ và theo dõi các em nhiều hơn trên bước đường mà các em đã chọn.
 
Chúc mừng các em với thành quả các em đã đạt được trong hội trại lần này. Hy vọng với những gì đã có, các em sẽ ngày càng gặt hái nhiều thành công hơn trong quá trình sáng tác tiếp theo. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc ba sáng tác của Trương Đình Hiển, Nguyễn Thị Hồng Liên và Hoàng Hữu Phước.
 
Đông Hà
 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Return to top