ClockChủ Nhật, 01/05/2016 15:06

Nơi đầu nguồn sông Truồi

TTH - Xưa xứ Truồi nổi tiếng với bờ bắc là Lộc An (tổng An Nông) và bờ nam là Lộc Điền (tổng Lương Điền). Sau 1975, đã bổ sung thêm một Lộc Hòa ở phía nguồn sông Truồi.

Trong khi tên gọi các xã Lộc Điền hay Lộc An đã trở nên quen thuộc thì cho đến đầu triều Nguyễn ở thượng nguồn sông Truồi vẫn là núi đồi hoang vu. Đây được xem là vùng sơn phòng, là nơi thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên và săn bắn của các bậc vua chúa, quan lại một thời.

Thăm vườn tiêu ở Lộc Hòa

Chuyện kể đầy thi vị, rằng vị hoàng tử thứ 56 của vua Minh Mạng là quý ngài Trấn Định quận quân Miên Miêu có nhiều công lao, được vua cha thưởng một khoảnh đất rộng lớn ở vùng thượng nguồn sông Truồi, có phong cảnh hữu tình, đất đai trù phú để lập nên làng Phú Sơn. Cũng một thời vào những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, vùng đất đồi núi có nhiều khe suối này đã hấp dẫn vị quan tổng đốc Ngô Đình Khôi, anh trai của tổng thống ngụy quyền Ngô Đình Diệm. Kết quả là bằng quyền lực, họ Ngô đã xây dựng ở đây một dinh điền lớn mà dân gian vẫn hay gọi một cách dân dã bằng cái tên “rẫy mụ Khôi”... Thế nhưng, câu chuyện về thành lập các làng quê nơi đầu nguồn sông Truồi hay về dinh điền của Ngô Đình Khôi còn lại như một hoài niệm xưa khi mà những năm chiến tranh ác liệt đã xóa tan tất cả, biến nơi đây thành hoang hóa.

Mọi thứ do thế xem như được bắt đầu sau chiến thắng 1975. Vùng thượng nguồn sông Truồi với đất đai bạt ngàn và màu mỡ như được hồi sinh, đã trở thành điểm đến của bao gia đình ở Lộc Điền, Lộc An... và cả những người dân khu III Phú Lộc ở bên kia vùng đầm phá Cầu Hai theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước. Bom đạn dưới lòng đất được tháo dỡ, những vùng đất hoang hóa chua phèn đã được cày xới, thau chua rửa mặn để nhường chỗ cho nương rẫy và ruộng nước ra đời. Ông Nguyễn Văn Minh, một trong những người có mặt đầu tiên sau giải phóng ở vùng đất mới này, không quên hình ảnh những ngôi nhà được dựng lên nơi đây có kích cỡ và hình dáng của “chiếc xe Jeep Mỹ”. Nó chật chội, khó khăn và tạm bợ, là hình ảnh tiêu biểu về cuộc sống của những di dân đầu tiên lên vùng đất mới nằm ở thượng nguồn sông Truồi. Sản xuất, đi lại, học hành đều “cách đò trở giang”, nhọc nhằn và vất vả.  Không trụ nổi, bao người đã bỏ đất mới mà đi.

Thế nhưng vẫn còn đó những tấm lòng. Hạt thóc, củ sắn, củ khoai quý hơn vàng được làm ra từ những nương rẫy hay ruộng khe nơi đây đã là niềm vui, sự cứu cánh cho bao gia đình và hơn thế, từng bước khai sinh ra ở nơi đây một tên đất mới. Ban đầu vào năm 1982 đó là sự ra đời của khu kinh tế mới Khe Dài từ chủ trương giãn dân, phát triển kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, với dự chỉ đạo đầy quyết tâm của Huyện ủy Phú Lộc và sự phối hợp tích cực của 2 xã Lộc An và Lộc Điền. Đây là khởi điểm cho các đợt di dân lớn với hàng trăm lao động và hàng ngàn nhân khẩu chủ yếu từ Lộc Điền và Lộc An lên. Để rồi, bốn năm sau đó chi bộ Đảng và xã mới Lộc Hòa được thành lập.

Nơi đầu nguồn sông Truồi, Lộc Hòa là vùng đất đã và đang góp phần bảo lưu và phát huy những giá trị và bản sắc văn hóa của một xứ Truồi xưa. Chè Truồi nổi tiếng với những gốc chè cho những lá chè ngon nhất chủ yếu được trồng ở vùng cao Lộc Hòa. Rồi dâu Truồi, mít Truồi… đều có sự góp mặt từ những nương rẫy hay vườn tược ở Lộc Hòa. Lộc Hòa nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng hướng phát triển đi lên đã nhiều rộng mở. Đặc biệt chủ trương trồng rừng kinh tế đã tạo điều kiện cho phép các hộ gia đình ở Lộc Hòa vượt qua khó khăn và vươn lên làm giàu. Năm 1996, công trình thủy lợi Hồ Truồi được xem là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng hoàn thành trên địa bàn xã Lộc Hòa. Gắn liền với công trình thủy lợi Hồ Truồi, Thiền viện Trúc Lâm - Bạch Mã được xây dựng sau đó đã hình thành nên trên địa bàn xã Lộc Hòa một trung tâm du lịch tâm linh có khả năng thu hút và hấp dẫn du khách và qua đó hình thành nên ở xã vùng kinh tế mới này loại hình kinh tế mới là kinh doanh dịch vụ du lịch.

Lên Lộc Hòa hôm nay gặp những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã như Bí thư Đảng ủy Đào Công Nông, Chủ tịch HĐND xã Lê Bê hay Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hiểu… Ở vào độ tuổi ngũ tuần, khi miền Nam được giải phóng họ mới chỉ là cậu bé ở Lộc Điền, Lộc An theo gia đình lên xây dựng cuộc sống mới ở vùng thượng nguồn sông Truồi. Lộc Hòa đã trở thành quê hương mới, gắn bó chặt chẽ với cuộc đời họ. Và rồi, ngồi nghe họ kể lại những câu chuyện về hành trình khai phá, hồi sinh và phát triển của vùng đất này, chợt hiểu và thấm thía hơn giá trị lớn lao về chiến thắng 1975, thời điểm mở đầu cho những vùng đất mới như Lộc Hòa (Phú Lộc), Phú Sơn (Hương Thủy) hay Nam Đông, A Lưới trên đất Thừa Thiên Huế.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay nơi thượng nguồn sông Truồi

Vùng Truồi không chỉ có Lộc An và bên kia là Lộc Điền, mà nơi thượng nguồn của dòng sông còn có một vùng đất có tên gọi Lộc Hòa đang ngày càng đổi thịt, thay da.

Đổi thay nơi thượng nguồn sông Truồi
Nông dân Lộc An hướng về TP. Hồ Chí Minh

Từ sự kết nối của cô Hoàng Mai Hương, những ngày gần đây, nông dân xã Lộc An, huyện Phú Lộc, cùng chung tay đóng góp nhu yếu phẩm gửi vào hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh.

Nông dân Lộc An hướng về TP Hồ Chí Minh
Men sông Truồi thăm Thiền viện Trúc Lâm

Cách thành phố Huế chừng 40km, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Lộc Hòa, Phú Lộc) như viên ngọc giữa bạt ngàn rừng núi, thu hút nhiều phật tử và người dân đến tu thiền, thưởng lãm.

Men sông Truồi thăm Thiền viện Trúc Lâm
Đức Phú, Đức Phúc cần giúp đỡ

Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong thôn Tây, xã Lộc An, huyện Phú Lộc im lìm. Năm 2000, ngôi nhà này là nơi chứng kiến niềm hạnh phúc lứa đôi của anh Trương Đức Phong và chị Trần Thị Bé. Thế nhưng chỉ sau 4 năm, nỗi đau bất ngờ ập đến. Người chồng sinh năm 1968, trụ cột của gia đình bị bệnh hiểm nghèo. Từ đó đến nay, vợ anh và hai con trai Trương Đức Phú, Trương Đức Phúc sống lay lắt như ngọn đèn trước gió.

Đức Phú, Đức Phúc cần giúp đỡ

TIN MỚI

Return to top