ClockThứ Năm, 27/04/2023 07:00

Đổi thay nơi thượng nguồn sông Truồi

TTH - Vùng Truồi không chỉ có Lộc An và bên kia là Lộc Điền, mà nơi thượng nguồn của dòng sông còn có một vùng đất có tên gọi Lộc Hòa đang ngày càng đổi thịt, thay da.

Men sông Truồi thăm Thiền viện Trúc Lâm

leftcenterrightdel
Nông nghiệp ở Lộc Hòa được quan tâm phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với mô hình trang trại, gia trại 

Một thời gian khó

Khoảng 150 năm trước, thượng nguồn sông Truồi còn là núi đồi hoang vu, là nơi rừng thiêng nước độc nhưng có một địa thế vô cùng quan trọng và đầy tiềm năng phát triển nên đã có một sự hấp dẫn đặc biệt với các vị hoàng tử như Miên Miêu, đại quan như Trần Đình Túc, Trần Đình Phát hay danh y tiếng tăm như Lê Văn Vinh. Để rồi, theo bước chân và khát vọng chinh phục của họ, những cư dân đầu tiên đã tiến lên khai phá vùng đất này.

Bằng lao động cần cù và bền bỉ của các bậc tiền nhân, những làng quê đã được thành lập nơi đầu nguồn sông Truồi. Bên này An Hà, còn phía bên kia là Phú Sơn và La Khê. Buổi đầu gian khó, không bằng lòng với nghề đi rừng, đốn củi vất vả mà không có sự bền vững, người dân các làng An Hà, Phú Sơn và La Khê miệt mài lao động tạo dựng những nương rẫy, vườn đồi, hợp cùng các làng quê còn lại ở phía dưới sông Truồi thuộc 2 tổng An Nông và Lương Điền, góp phần hình thành nên một xứ Truồi huyền thoại “ngọt mít thơm dâu…”.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Lộc Hòa, hàng chục năm chiến tranh, thượng nguồn sông Truồi là trọng điểm của sự ác liệt. Ngày đầu kháng chiến chống Pháp, phòng tuyến quân sự sông Truồi được dựng lên trong sự tranh chấp giằng co và đẫm máu. Động Truồi trong nhiều năm tháng là căn cứ cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, một ấp chiến lược khét tiếng cũng được chính quyền Mỹ - Diệm lập nên ngay trên mảnh đất này. Bom đạn của kẻ thù đã liên tục trút xuống, làm xác xơ và hoang tàn các làng quê. Người dân các làng đã phải ngậm ngùi rời bỏ xóm làng yêu thương để lánh nạn muôn nơi.

Cũng chính những người dân Phú Sơn, La Khê và An Hà ngay sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng 1975 đã nhanh chóng trở lại quê cũ, để rồi hợp cùng những dân quê chủ yếu ở các xã Lộc Điền và Lộc An, theo tiếng gọi của Đảng lên xây dựng kinh tế mới ở Khe Dài, góp phần hình thành nên xã mới Lộc Hòa. Với sự ra đời của xã Lộc Hòa cách đây 37 năm, cái thế bên này Lộc An bên kia Lộc Điền bị phá vỡ. Xứ Truồi nay còn có ở phía trên kia Lộc Hòa.

Đất dữ đã hóa lành

Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa, ông Nguyễn Hữu Thuận, xã mới ra đời nơi thượng nguồn được đặt tên “Lộc Hòa” thể hiện ước mong về một vùng đất mới giàu có và yên lành. Thực tế cũng cho thấy, xã Lộc Hòa là điểm đến thuận lợi, giàu tiềm năng và là cơ hội cho mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhiều hộ gia đình ở các thôn làng thuộc hai xã Lộc Điền, Lộc An và một vài địa phương lân cận. Đáng tự hào sau 37 năm phát triển với một đơn vị xã độc lập, Lộc Hòa đã từng bước tạo thế và lực mới cho vùng đất vốn từng là xã 135 phát triển đi lên như ngày nay.

Từ một xã nghèo khó, Lộc Hòa đang ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế có bước tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 16,75%, giá trị sản xuất năm 2022 đạt khoảng gần 140 tỷ đồng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến năm 2022 ước đạt trên 4 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 245 tỷ đồng. Nông, lâm nghiệp được quan tâm phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với mô hình trang trại, gia trại, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng bưởi da xanh, cam V6, ổi lê Đài Loan, lan Mokara, sầu riêng, bơ, cây dược liệu và rừng gỗ lớn FSC...

Đời sống Nhân dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 48 triệu đồng/năm. Thiết chế văn hóa xã hội đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. An ninh - quốc phòng được giữ vững. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Bộ mặt nông thôn khởi sắc không ngừng. Đại hội Đảng bộ xã Lộc Hòa lần thứ 8, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có tổng đầu tư toàn xã hội đạt 275 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân hàng năm 10 - 12%, thu nhập bình quân đầu người 53 triệu đồng, tổng sản lượng khai thác rừng trồng hàng năm 32 ngàn tấn, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,6%...

Chỉ có thể hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc của những con số này khi được biết cách đây hàng chục năm, những người dân nghèo và có khát vọng vươn lên ban đầu ở Lộc Hòa đã phải đối mặt với bao gian lao và nguy hiểm để từng bước xây dựng nên một cuộc sống mới, một quê hương mới. Họ phải sống trong những mái nhà tạm bợ và rách nát, phải băng sông vượt dốc, ăn khoai sắn trừ cơm, đối mặt với thú dữ và bệnh tật để tồn tại và đứng vững nơi vùng đất “rừng thiêng nước độc” này. Chị Nguyễn Thị Sương, một người dân Lộc Hòa cho rằng, ở lại bắt tay với kinh tế mới Khe Dài và xã mới Lộc Hòa là chấp nhận gian khổ. Với rất nhiều người vốn không quen với cuộc sống lao động chân tay cực khổ, thì tồn tại và vươn lên trên mảnh đất này cũng chính là hành trình vượt lên chính mình.

Bài, ảnh: Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Đổi thay từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia

Thông qua việc thực hiện các dự án (DA) với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), bộ mặt nông thôn vùng miền núi đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi “giảm sâu”, nhiều mô hình kinh tế mở ra hướng đến sản xuất bền vững.

Đổi thay từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia
Khai thác cát “chui” ở thượng nguồn sông Bồ

Cát bồi ven sông Bồ qua địa bàn xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) bị khai thác “chui” nhiều điểm, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, nguy cơ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đất sản xuất của người dân. Trong khi chính quyền địa phương bảo rằng khó xử lý vì các đối tượng khai thác nhỏ lẻ, vào ban đêm.

Khai thác cát “chui” ở thượng nguồn sông Bồ
Đổi thay từ du lịch cộng đồng

Đi kèm những định hướng, quy hoạch cụ thể của chính quyền, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, yếu tố quan trọng nhất vẫn là phát huy được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư. Sự bổ trợ lẫn nhau của 2 yếu tố này đã tạo dựng niềm tin và là động lực để người dân mạnh dạn đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng.

Đổi thay từ du lịch cộng đồng
Đổi thay bên ni bờ phá Tam Giang

Bên tê phá có nhiều ngôi chợ lớn từ Vĩnh Tu, chợ Đò, chợ Mới, chợ Biện, chợ Đại Lược... thì cả vùng Quảng Thái, Quảng Lợi, Phong Chương rộng lớn chỉ có chợ Nịu (Quảng Thái) là đáng kể.

Đổi thay bên ni bờ phá Tam Giang

TIN MỚI

Return to top