ClockThứ Sáu, 09/02/2018 09:58

Sức sống mới từ Par Ay

TTH.VN - Sau gần 7 năm định cư ở làng mới, người dân thôn Par Ay, xã Hồng Thủy (A Lưới) đã có cuộc sống mới sung túc, đủ đầy. “Nếu bảo dân Par Ay đã giàu thì hơi quá, song đời sống bà con có được như hôm nay chắc chắn không ai ngờ tới” – Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Khinh nhận xét.

Chị Hồ Thị Thương thu mua lá chuối của bà con để bán cho thương lái dịp Tết    

Gia đình chị Hồ Thị Thương đến định cư ở thôn Par Ay từ năm 2011, đến nay chị đã có một cơ ngơi rộng rãi, khang trang, các vật dụng, tiện nghi trong gia đình toàn những thứ đáng giá. Chiếc tủ gỗ to chạm khắc nhiều họa tiết đặt kế cái ti vi lớn ở phòng khách, trong nhà có cả tủ lạnh Toshiba đời mới, xe tay ga, điện thoại di động smartphone... Chị Thương chia sẻ: “Khi mới đến định cư, thôn chỉ có vài hộ. Lúc đó khó khăn đủ bề. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, vợ chồng em vay vốn chăn nuôi từng bước xây dựng kinh tế gia đình tại nơi ở mới”.

Chí thú làm ăn, vợ chồng chị phát triển dần đàn bò, dê. Tích lũy nguồn thu từ chăn nuôi, chị mạnh dạn mở thêm cửa hàng kinh doanh. Hôm đến thăm, quầy tạp hóa của gia đình chị rất đông người ra vào, anh chị bán đủ thứ nhu yếu phẩm cho bà con trong thôn, rồi thu mua lá chuối để bán cho thương lái dưới xuôi... “Mỗi năm, tổng nguồn thu của gia đình em trên 200 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi ròng gần 100 triệu đồng”, chị Thương phấn khởi.

Con đường bê tông uốn lượn dưới chân núi Par Ay san sát những ngôi nhà khang trang, các quầy hàng tạp hóa, quán cà phê, máy xay xát... đã minh chứng về sự đổi thay rõ rệt trong đời sống đồng bào. Gia đình anh Hồ Văn Rao, một trong những gia đình làm ăn có hiệu quả sau gần 7 năm đến định cư ở thôn Par Ay này. Gia đình anh đầu tư gần 250 triệu đồng xây dựng nhà cửa, mở dịch vụ xay xát phục vụ cho bà con trong thôn và các thôn lân cận… Anh Rao bày tỏ: "Ngoài được định cư với cơ sở hạ tầng khang trang, người dân còn được bố trí định canh, tạo điều kiện làm ăn thuận lợi…".

Một góc Khu định cư Par Ay bây giờ  

Khó có ai tưởng tượng được muôn vàn khó khăn từ những ngày đầu vỡ đất lập làng mới cho bà con nơi đây. Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Kinh kể: “Hồng Thủy là địa phương chịu sự tàn phá nặng nề nhất của A Lưới trong cơn bão năm 2009. Hơn 10km đường nối liền 7 thôn, 2 cây cầu bị lũ cuốn trôi, hệ thống thủy lợi, điện lưới bị hư hỏng nặng. Riêng khu vực thôn 1 bị sạt lở nghiêm trọng phải di dời toàn bộ người dân trong thôn... Sau khi địa phương bắt tay khắc phục hậu quả cơn bão, nhờ sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự tài trợ của các cơ quan, đơn vị, Hồng Thủy đầu tư xây dựng mới thôn Par Ay cho người dân vùng sạt lở đến định cư. Ngoài dành riêng cho 69 hộ dân của thôn 1, Par Ay còn ưu tiên cho các hộ dân sống dọc sông Đakrông của xã có nguy cơ bị sạt lở, với tổng cộng 105 hộ".  

Năm 2010, Khu định cư Par Ay hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 46,5 tỷ đồng. Riêng kinh phí xây dựng 105 căn nhà hơn 5 tỷ đồng (bình quân, mỗi căn hộ 48,5 triệu đồng), trong đó Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (NHCTVN) tài trợ 3 tỷ đồng, số còn lại được trích từ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh. Ngoài ra, NHCTVN hỗ trợ xây nhà sinh hoạt cộng đồng và nhà mẫu giáo gần 2 tỷ đồng. Trường học, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khoảng 39,76 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như đường giao thông, cầu qua suối, hệ thống thủy lợi, điện, nước sinh hoạt… Đến nay, thôn Par Ay đã có hơn 120 hộ dân. Trưởng thôn Par Ay Hồ Văn Đức vui mừng: “Nhà nước đã cho nhà ở, bắt điện, làm đường bê tông, xây trường học, rồi cấp đất vườn để canh tác đầy đủ, chừ bà con phấn đấu làm giàu thôi”. 

Những ngày này ở Pa Ay không khó bắt gặp hình ảnh người nông dân hớn hở mua sắm, trang hoàng nhà cửa vui tết, đón xuân. Tiếng máy xay ngô, xay nếp vang động cả vùng biên giới. Khung cảnh tấp nập người qua kẻ lại, từ thương lái đến những chị, những mẹ trong trang phục truyền thống đang mua sắm các nhu yếu phẩm trên tuyến đường bê tông dẫn vào thôn, tạo nên nhịp sống phơi phới. Hòa chung niềm vui với người dân, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Khinh bảo: “Par Ay được như hôm nay mới thấy sự đúng đắn của chính sách di dân, lập làng. Sự nỗ lực của các cấp, các ngành và tinh thần của người dân Par Ay đã đem đến một sức sống mới, giúp bà con vượt qua nghèo đói, vươn lên khá giả trong suốt hành trình làm chủ cuộc sống...”.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” trên địa bàn huyện miền núi A Lưới đã nhanh chóng lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, làng bản vùng biên giới; nâng cao ý thức của người dân, đồng bào thiểu số trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.

A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Return to top