ClockThứ Hai, 12/10/2015 16:20

Xem nghệ sĩ Mỹ dạy múa

TTH.VN - Trong khuôn khổ các hoạt động do Phái bộ Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, vũ đoàn ballet hiện đại nổi tiếng đến từ New York - Battery Dance Company tổ chức dạy múa miễn phí tại Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật. Sau khoá học ngắn hạn, các học viên đã tham gia biểu diễn cùng với nghệ sĩ của Battery Dance Company tại Duyệt Thị Đường và Trung tâm Văn hoá Thông tin tỉnh vào tối 9 và 10/10.

Say sưa luyện tập

Đầu giờ chiều, không gian 4 phòng tập múa của Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) rộn ràng khi các nghệ sĩ của đoàn múa Battery Dance Company, gồm: Robin Cantrell, Mira Cook, Clement Mensah, Bethany Mitchell và Sean Scantlebury đến tập múa. Mỗi phòng tập có trên 20 học viên là học sinh, sinh viên của Trường trung cấp VHNT, các trường đại học, cao đẳng và các bạn trẻ yêu thích bộ môn múa.

Mở màn cho buổi học là những động tác khởi động vô cùng thú vị. Mỗi cặp đôi cứ thay nhau người duỗi chân, người còn lại thì đẩy vào lưng người kia để cơ thể có thể gập sát xuống mặt đất. Những tiếng la oai oái vì đau và những tràng cười cứ thế vang lên rộn cả phòng tập. Sau khi xem cô giáo Robin Cantrell múa từng động tác và hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản của múa đương đại, tất cả lặng im chìm trong tiếng nhạc, say sưa theo từng điệu nhảy, từng động tác nhún chân, cong tay, ưỡn người…


Khởi động trước khi tập

Chỉ mấy ngày luyện tập, các học viên đã thành thạo, từng động tác được biểu diễn khi dứt khoát, lúc mềm mại, uyển chuyển. Cứ sau mỗi phần tập, cô giáo Robin Cantrell lại uốn nắn cặn kẽ từng động tác khó, cử chỉ nhỏ cho từng học viên. Mồ hôi ướt tóc nhưng cô trò vẫn say sưa tập từ 2 đến 6 giờ chiều. Âm nhạc và điệu múa quả là thứ ngôn ngữ xuyên lục địa, tất cả mọi người dù là Việt Nam hay từ nước Mỹ xa xôi đều hòa mình trong âm nhạc, cùng nhau nhảy múa hết mình.

Anh Phan Tuần, giảng viên bộ môn múa, Trường trung cấp VHNT cho biết, đây là lần đầu tiên ở Huế có nghệ sĩ múa nước ngoài đến dạy nên cả thầy và trò Trường trung cấp VHNT rất hào hứng. Trong số những người theo học, có người đã biết múa cơ bản, có người mới làm quen. Nhưng tất cả đều có lòng đam mê với loại hình nghệ thuật này. Các nghệ sĩ Mỹ dạy rất nhiệt tình. Và dù khác nhau về ngôn ngữ nhưng qua biểu hiện của ngôn ngữ cơ thể, học viên vẫn cảm nhận được và làm theo. Trong 5 ngày tập luyện, học viên được làm quen với múa hiện đại, ballet dance, khiêu vũ, hip hop… Tiếp cận với nhiều chất liệu ngôn ngữ khác nhau của các thể loại múa, học viên có thể phát huy được thế mạnh của mình.

Truyền niềm đam mê

Tập múa từ khi mới 2 tuổi, hầu như cả cuộc đời nghệ sĩ Robin Cantrell (35 tuổi) dành cho múa. Ngoài biểu diễn, cô đã đi nhiều nước trên thế giới để truyền niềm đam mê nghệ thuật múa cho các bạn trẻ. Đây là lần đầu tiên Robin Cantrell đến Việt Nam, đến Huế biểu diễn và giảng dạy. Chỉ làm việc trong một thời gian ngắn nhưng sự tập trung, chịu khó học hỏi của các bạn trẻ ở Huế khiến cô rất thích thú.

“Tôi đến đây với mong muốn truyền niềm đam mê của mình cho các bạn trẻ thông qua việc giới thiệu, hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản của vũ đạo hiện đại. Chỉ tập với nhau một khoảng thời gian không dài nhưng nhiều học viên, nhất là sinh viên của Trường trung cấp VHNT rất sáng tạo và có khả năng di chuyển tốt. Chúng tôi muốn để cho các bạn tự thể hiện, phát triển khả năng sáng tạo của mình. Thông qua bài tập, tự các bạn sẽ tạo ra những điệu nhảy của riêng mình. Và khi biểu diễn, họ không múa những điệu múa của Hoa Kỳ mà chính là những điệu múa do họ tạo ra”, Robin Cantrell chia sẻ.


Nghệ sĩ Mira Cook giới thiệu về ballet dance cho học viên

Với Mira Cook (33 tuổi), một nghệ sĩ chuyên về ballet dance, thông qua nghệ thuật, những người khác nhau về màu da, ngôn ngữ đã xích lại gần nhau, kết nối với nhau trong tinh thần hoà đồng, vui vẻ: “Ban đầu, các bạn trẻ còn nhút nhát, e dè nhưng sau khi xoá tan được sự ngần ngại ban đầu, họ trở nên mạnh dạn thể hiện ý tưởng của mình một cách phóng khoáng”. Đã đi hơn 25 nước tham gia những khoá tập huấn như thế này, Mira luôn động viên các bạn trẻ thể hiện khả năng sáng tạo của mình.

Nguyễn Văn Lâm, sinh viên năm 2 khoa Múa, Trường trung cấp VHNT bày tỏ: “Lần đầu tiên được theo học với giáo viên người nước ngoài, em học được nhiều điều mới lạ. Cách dạy của họ khác hẳn với cách dạy của giáo viên Việt Nam. Giáo viên của mình múa như thế nào, học sinh phải làm theo như vậy, đúng tiết tấu, giai điệu và kỹ thuật nhưng giáo viên nước ngoài chỉ cho mình phương pháp và yêu cầu mình tự do sáng tạo, động tác, điệu múa do mình tự nghĩ ra. Em thích cách dạy của họ, vì mình có thể tự làm chủ bản thân”.

Không chỉ hữu ích với học viên, ngay cả các giáo viên múa của Trường trung cấp VHNT cũng rất thích thú khi tham gia lớp học. Anh Phan Tuần vui vẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được đón các nghệ sĩ múa bên Mỹ đến dạy. Thời gian không nhiều nhưng chúng tôi học hỏi được nhiều điều về phong cách giảng dạy, cách truyền đạt, cách tạo cho học sinh niềm cảm hứng, khơi gợi sự sáng tạo ở người học... Múa hiện đại còn rất mới mẻ và lớp học này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giảng dạy của chúng tôi sau này”.

Cũng theo anh Phan Tuần, nghệ thuật múa của các nghệ sĩ người Mỹ giúp anh khám phá được nhiều điều: “So với múa cổ điển và múa dân gian, múa đương đại phóng khoáng hơn, giúp tôi làm chủ được bản thân. Nó không quy cũ và giúp người học cảm thấy thoải mái hơn, giải phóng được hình thể nhiều hơn. Diễn viên không bị gò bó trong một khuôn mẫu nào cả, mà tự do khám phá cơ thể, tự do sáng tạo”.

Vũ đoàn Battery Dance được Jonathan Hollander và vợ ông thành lập năm 1976. Battery Dance Company đã dựng gần 100 tác phẩm múa với phần biên đạo của Jonathan Hollander, người sáng lập ra nhóm đồng thời là Giám đốc nghệ thuật. Battery Dance Company nằm trong số các đại sứ văn hóa hàng đầu của New York thông qua việc tham gia vào các lễ hội biểu diễn nghệ thuật quốc tế, các hội thảo và hội nghị tại 60 quốc gia trải khắp 5 châu lục.

 

Bài, ảnh: Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Return to top