ClockChủ Nhật, 25/12/2016 10:08

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Còn nhiều nỗi lo

Còn ít ngày nữa là bước sang năm 2017, chuẩn bị Tết Nguyên đán Đinh Dậu, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nhất là nông sản, thực phẩm tươi sống của người dân rất lớn. Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều bất cập, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cả người dân.

Các lực lượng chức năng lấy mẫu thịt lợn để kiểm nghiệm chất lượng VSATTP tại chợ Phùng Khoang (Hà Nội). Ảnh: NGỌC THẮNG

Nỗ lực kết nối nông sản sạch đến người tiêu dùng

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn. Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết, hiện 47 địa phương có mô hình liên kết chuỗi cung ứng nông sản an toàn với 414 chuỗi; 69 địa chỉ được Bộ NN và PTNT công nhận bán sản phẩm an toàn theo chuỗi… Cùng với đó, Bộ ký kết với hàng trăm doanh nghiệp cung ứng thực phẩm an toàn, nhân rộng các mô hình và địa chỉ cung ứng nông sản sạch tại nhiều tỉnh, thành phố để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bà Nguyễn Kim Phượng ở quận Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: Mua thực phẩm tại các điểm bán nông sản sạch yên tâm bởi những mặt hàng này được kiểm tra về chất lượng bằng điện thoại thông minh (smartphone), biết rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Theo tôi, cần thêm nhiều điểm nữa gần các khu dân cư để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận nông sản sạch.

Đã có nhiều cách làm hay trong sản xuất cung ứng thực phẩm an toàn. Năm 2016, Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức phong trào nói không với chất cấm, trong đó người chăn nuôi, người sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) cam kết không sử dụng chất cấm. Đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện chương trình này với tổng số hơn 500 nghìn hộ chăn nuôi ký cam kết.

Còn nhiều nỗi lo

Theo Bộ NN và PTNT, kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan T.Ư và địa phương thực hiện trong 11 tháng qua cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm chất cấm Salbutamol là 1,27%, giảm so với năm 2015 (2,53%); tỷ lệ mẫu rau, quả vi phạm chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép là 3,15%, giảm so với cùng kỳ năm 2015 (8,6%). Chỉ có tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép là 2,8%, tăng so với cùng kỳ năm 2015 (0,89%). Hiện trên thị trường vẫn trôi nổi nhiều hàng hóa “quá đát”, thực phẩm bẩn. Mới đây, cơ quan chức năng ở các tỉnh Bình Dương, Đác Lắc, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Cao Bằng phát hiện và thu giữ hàng tấn thịt lợn, lòng lợn, bì lợn thối không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng chú ý, Thanh tra Bộ NN và PTNT đã phát hiện hai loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung là Maxsure và Synergrown có chất Cysteamine (chất kháng hoóc-môn có vai trò kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi một cách gián tiếp) do Công ty TNHH một thành viên Công nghệ đổi mới (địa chỉ 39 Trần Quốc Hoàn, phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) nhập khẩu từ Thái-lan. Các sản phẩm này đã được bán cho các đại lý, các cơ sở sản xuất thức TĂCN và các trang trại chăn nuôi lợn. Trước thực tế này, Cục Chăn nuôi đang soạn thảo Thông tư để đưa chất Cysteamine vào danh mục chất cấm sử dụng trong TĂCN.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo Sở Y tế thành phố, 11 tháng qua đã thí điểm lập 15 đoàn thanh tra chuyên ngành ở năm quận, huyện và 10 phường, xã kiểm tra 1.377 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 799 cơ sở vi phạm, chiếm 58%. Mặt khác, nhiều loại kháng sinh bị cấm hoặc hạn chế sử dụng được phát hiện lạm dụng tại công đoạn nuôi trồng thủy sản đối với cá nuôi (cá tra, cá rô phi, cá lóc), tôm nuôi… Đơn cử như chất Chloramphenicol bị phát hiện lạm dụng trong cả nuôi trồng lẫn bảo quản khi lưu thông trên thị trường đối với thủy sản nuôi (tôm, cá), hải sản (cua, mực, bạch tuộc, ghẹ) trên phạm vi cả nước; phá vỡ cân bằng sinh thái, tác động xấu đến môi trường.

Giải quyết triệt để bằng cách nào?

Thực trạng nêu trên cho thấy, chất lượng nông sản thực phẩm còn nhiều mối lo, nhất là việc quản lý, truy xuất nguồn gốc. Nguyên nhân chính là do việc kiểm soát VSATTP của cơ quan quản lý nhà nước còn kém hiệu quả, các chế tài, quy định còn thiếu, chưa đồng bộ, ý thức chấp hành của người dân chưa cao. Theo Chi cục phó Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, từ ngày 1-7-2016, Luật Thú y được áp dụng, bỏ kiểm dịch nội tỉnh, cho nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Lực lượng kiểm tra còn “mỏng”, nhất là tuyến phường, trong khi đó phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, khó kiểm soát. Số lượng chợ đầu mối chưa đáp ứng yêu cầu, cho nên việc buôn bán sản phẩm động vật tại các chợ “cóc”, chợ tạm vẫn diễn ra thường xuyên, vận chuyển bằng xe máy không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, VSATTP. Một số cơ sở sản xuất, hộ dân vì hám lợi cố ý “phù phép” biến thực phẩm bẩn thành sạch bán cho người tiêu dùng,…

Để giải quyết triệt để tình trạng này, Cục phó Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát chất kháng sinh và an toàn vệ sinh trong khâu giết mổ gia súc, gia cầm; đồng thời hướng dẫn người dân phát triển các mô hình chăn nuôi theo chuỗi bảo đảm VSATTP. Duy trì thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về lưu thông, phân phối, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, cần thay đổi cách tiếp cận trong quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm theo hướng Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp lớn vào cuộc mạnh mẽ trong việc sản xuất, chế biến nông sản sạch. Các doanh nghiệp cần khuyến khích nông dân tham gia vào mạng lưới sản xuất - chế biến theo công nghệ tiên tiến. Nhà nước chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn của sản phẩm bằng hệ thống quản lý và kiểm soát thống nhất, có hiệu lực.

Bộ NN và PTNT vừa ban hành Chỉ thị số 10400/CT-BNN-QLCL về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm VSATTP dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân năm 2017. Theo đó, các địa phương tổ chức kiểm tra, thanh tra về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều. Các đơn vị chức năng sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những sản phẩm không bảo đảm VSATTP để người dân biết và tránh sử dụng.

Theo Nhân dân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

LỪNG LẪY ĐIỆN BIÊN, CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU
Nghệ thuật bảo đảm công binh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tiêu diệt quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công binh có Trung đoàn Công binh 151; Tiểu đoàn Công binh thuộc Cục Vận tải; ba đại đội công binh thuộc ba đại đoàn (Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316).

Nghệ thuật bảo đảm công binh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
Sắp xếp vị trí việc làm: Bảo đảm chính xác, hợp lý

Xây dựng đề án vị trí việc làm (VTVL) là cơ sở nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang hoàn thiện xây dựng danh mục VTVL, bản mô tả công việc và khung năng lực của VTVL để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sắp xếp vị trí việc làm Bảo đảm chính xác, hợp lý

TIN MỚI

Return to top