|
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến |
Chủ động triển khai sớm
Sở Tư pháp là đơn vị sớm triển khai xây dựng Đề án VTVL và được đánh giá khá bài bản. Theo đó, Đề án VTVL được Sở Tư pháp xây dựng với 32 VTVL, trong đó, 8 vị trí chức năng lãnh đạo quản lý, có 16 vị trí chức năng nghề nghiệp chuyên ngành, 5 VTVL công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung: 3 VTVL thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính.
Bà Nguyễn Thị Xuân Nhi, Chánh văn phòng Sở Tư pháp cho biết: Xác định xây dựng VTLV là nhiệm vụ quan trọng, chiếm nhiều thời gian, đòi hỏi quá trình xây dựng phải chi tết, cụ thể cho từng VTVL, nên Sở Tư pháp tập trung triển khai sớm. Quá trình xây dựng đề án, sở bám sát các thông tư của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và hướng dẫn của Sở Nội vụ để thực hiện. Theo bà Nhi, "Sở đã xây dựng dự thảo Đề án VTVL và cơ cấu ngạch công chức giai đoạn 2024 - 2026. Quá trình xây dựng bám sát chức năng, nhiệm vụ của sở để xác định VTVL, số lượng người làm; gắn với kế hoạch tinh giản biên chế của tỉnh. Sau khi hoàn thành dự thảo, tổ chức xin ý kiến các trưởng phòng và toàn thể cán bộ, công chức cơ quan; trên cơ sở đó tổng hợp, điều chỉnh dự thảo, báo cáo ban giám đốc xem xét, cho ý kiến và chuyển Sở Nội vụ theo quy định”.
Theo đánh giá, đề án của Sở Tư pháp, mỗi VTVL đều rõ số lượng người làm; mô tả cụ thể nhiệm vụ, công việc; trình độ đào tạo; trình độ lý luận chính trị; tin học, ngoại ngữ; cấp độ năng lực và ngạch công chức.
|
Công dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh |
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đơn vị đa ngành, đa lĩnh vực với 45 vị trí, trong đó 8 vị trí lãnh đạo, quản lý, 16 vị trí nghiệp vụ chuyên ngành và 18 vị trí nghiệp vụ chuyên môn dùng chung. Thực hiện đề án VTVL, ngay từ khi có các văn bản hướng dẫn, sở đã tập trung triển khai thực hiện. Đầu tiên, sở xây dựng hoàn thiện đề án VTVL cho khối văn phòng sở. Trên cơ sở đó, hướng dẫn phê duyệt vị trí việc làm cho 19 đơn vị trực thuộc sở, gồm các chi cục và các trung tâm và ban quản lý với tổng số là 665 người công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Trong quá trình xây dựng đề án VTVL, sở ban hành một đề cương mẫu cho các đơn vị trực thuộc giao cho cán bộ phòng chuyên môn hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị. “Chúng tôi gắn trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, đơn vị làm chậm phải chịu trách nhiệm trước giám đốc sở và xem là tiêu chí để đánh giá xếp loại thi đua cuối năm”, ông Đức cho biết.
Đến thời điểm này, huyện Phú Lộc cũng đã hoàn thành Đề án VTVL chuyển Sở Nội vụ. Theo ông Nguyễn Xuân Minh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Lộc, các nội dung liên quan đến đề án được thực hiện chặt chẽ, công khai và gắn với kế hoạch tinh giản biên chế. Quá trình triển khai bảo đảm tuân thủ quy định về cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế làm căn cứ xây dựng khung đề án.
Xác định xây dựng, quản lý VTVL tại các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải thực hiện và hoàn thành đúng kế hoạch nên Sở Nội vụ sớm triển khai các nội dung liên quan tới các cơ quan, địa phương trong tỉnh. Căn cứ hướng dẫn của Trung ương, Sở Nội vụ đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về xây dựng đề án; tổ chức các đoàn đến trực tiếp cơ quan, đơn vị, địa phương để xem xét, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Công khai minh bạch
Xây dựng đề án VTVL minh bạch, sát thực tế là điều kiện tiên quyết để xây dựng thang bảng lương phù hợp, xứng đáng với từng VTVL. Từ đó, khích lệ, phát huy sự năng động sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ CBCCVC, nâng cao chất lượng công vụ.
Theo ông Phan Lương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, xây dựng Đề án VTVL để xác định số người làm việc, cơ cấu chức danh, cơ cấu ngạch công chức và hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Đề án VTVL sẽ phân loại rõ khối lượng công việc, VTVL do một hoặc nhiều người đảm nhận làm căn cứ để tính lương mới từ 1/7 tới. Khi xác định được rõ VTVL, các cơ quan đơn vị sẽ xác định được nhu cầu CBCCVC cho từng VTVL cụ thể, chủ động trong đào tạo cán bộ để phục vụ có hiệu quả các VTVL đó. Quá trình xây dựng đề án cần bám sát danh mục, hướng dẫn của Bộ, ngành và Sở Nội vụ.
Đề án phải bảo đảm lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2026. Đối với Đề án VTVL cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cấp tỉnh, tỷ lệ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương tối đa không quá 40%. Ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống tối đa không quá 60%. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng Đề án VTVL; trong quá trình thực hiện phải bảo đảm công khai, minh bạch.
“Xây dựng Đề án VTVL góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ. Đây cũng là cơ sở để thực hiện chính sách cải cách tiền lương sắp tới. Việc xây dựng Đề án VTVL là vấn đề khó, nhạy cảm và phức tạp, liên quan trực tiếp đến con người, việc làm của CBCCVC nên các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nâng cao trách nhiệm thực hiện”, ông Phan Lương cho biết.