ClockThứ Năm, 22/03/2012 05:11

Cà phê tổng hội

TTH - Tuổi cũng đã xấp xỉ 60, anh bạn tôi là một giáo viên dạy học ở Huế, có thói quen thỉnh thoảng tạt vào nhà số 22 Trương Định uống cà phê. Nhà anh ở cách đó khá xa, dễ chừng đến vài cây số. Anh cũng thường rủ tôi và không quên bảo rằng, mình muốn đến đó uống cà phê để nhớ lại một thời và biết đâu may mắn gặp lại những người bạn của ngày xưa. Cũng có lúc anh toại nguyện. Ví như dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn vừa qua, cũng tại quán cà phê mà dân Huế mình vẫn gọi một cách gần gũi là cà phê tổng hội này, anh đã có dịp gặp lại một nhóm bạn học cùng thời từ Sài Gòn mới ra. Bạn bè lâu ngày gặp nhau, hàn huyên tâm sự và cà phê tổng hội là điểm hẹn mang nhiều ý nghĩa.

Ở Huế, ngôi nhà 22 Trương Định hôm nay không có gì đặc biệt về mặt kiến trúc nhưng nó là ký ức của một thời. Tôi được biết, trước năm 1957, ngôi nhà này thuộc sở hữu của ông chủ khách sạn Morin ở phía bên kia đường. Cũng có tư liệu cho rằng, đây là của một người Pháp làm việc tại nhà đèn Huế. Sau khi Viện Đại học Huế thành lập, ngôi nhà 22 Trương Định thuộc sự quản lý của viện, đến đầu những năm 60, trước áp lực của sinh viên Huế đòi có trụ sở hoạt động và ngôi nhà 22 Trương Định trở thành trụ sở của Tổng hội Sinh viên Huế.

Xu thế hiện nay là viết ngắn, một lượng chữ ít nhất mà chứa được một lượng thông tin nhiều nhất. Tuy nhiên, không phải lý do như vậy mà ở Huế, mọi người quen gọi Tổng hội Sinh viên Huế bằng hai tiếng Tổng hội. Có lẽ phần “giản tự” trong trường hợp này mới là điều đáng suy nghĩ. Tôi nghĩ, nó cũng na ná như lĩnh vực kinh tế, một sản phẩm thành danh vì chất lượng phải khái quát được cả chủng loại của sản phẩm. Tổng hội vốn là một danh từ riêng chỉ một cơ quan cụ thể đã đi vào tâm thức của nhiều người và được hiểu theo nghĩa một danh từ chung: phong trào sinh viên học sinh Huế thời chống Mỹ cứu nước.
 
Tôi đã có dịp gặp và làm quen với nhiều người một thời là người của Tổng hội. Họ mang trong mình niềm tự hào sâu sắc về Huế chính là nơi xuất phát đầu tiên của phong trào học sinh sinh viên đấu tranh đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Tên tuổi của những sinh viên đi đầu trong phong trào này gắn liền với di tích Tổng hội 22 Trương Định. Đây là nơi xuất phát của phong trào sinh viên học sinh Huế, là nơi ghi nhận sự mở đầu của phong trào đấu tranh yêu nước ở đô thị miền Nam. Sau này cũng chính từ nơi đây, những sinh viên, như Trần Quang Long, Tôn Thất Lập… đã mang ngọn lửa đấu tranh đó vào Sài Gòn để phát triển phong trào trên các đô thị miền Nam.
 

Cà phê Tổng hội, bây giờ là trụ sở của Thành đoàn Huế
đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Ảnh: Internet

 
Buổi sáng tháng ba, nhâm nhi ly cà phê ở Tổng hội, bây giờ là trụ sở của Thành đoàn Huế đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng, người bạn ngồi đối diện với tôi bâng khuâng nhớ lại về một thời khói lửa. Đã trở thành quá khứ, thế hệ chúng tôi lớn lên sau ngày quê hương giải phóng cảm nhận lịch sử qua sách vở còn lại, những câu chuyện kể cùng ký ức của người trong cuộc. Và điều mà tôi cảm nhận và thấm thía, di tích Tổng hội Sinh viên như một sự bổ sung đẹp, hàm chứa nhiều ý nghĩa cho một thành phố du lịch, văn hoá và lịch sử như Huế. Nó là nét son minh chứng cho lòng yêu nước thương nòi, tinh thần quả cảm của tuổi trẻ những năm tháng chiến tranh và cũng là niềm tự hào sâu sắc của lớp trẻ thành Huế hôm nay.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top