ClockThứ Hai, 19/09/2016 19:36

Cần có giải pháp thu ngân sách bền vững

TTH - Ngày 19/9, Đoàn giám sát Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội do ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn có cuộc giám sát tại Thừa Thiên Huế về xây dựng kế hoạch đầu tư công 5 năm (2016- 2020), tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016 và xây dựng dự toán NSNN năm 2017.

Tiếp đoàn có các ông: Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Cái Vĩnh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu NSNN trên địa bàn được HĐND tỉnh giao năm 2016 là 5.629 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm đạt 3.370 tỷ đồng, gần bằng 60% dự toán và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Ước cả năm 2016 đạt 5.672 tỷ đồng, bằng 101% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ (Chính phủ giao 10%). Tổng chi ngân sách 7 tháng ước đạt 3.623 tỷ đồng, bằng 46% dự toán. Ước cả năm đạt 8.016 tỷ đồng, bằng 101% dự toán.

Về xây dựng dự toán NSNN năm 2017, do hiện nay Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển và nguồn thu một số mặt hàng chủ lực bị giảm sút nên xây dựng dự toán tăng 10% so với ước thực hiện (dự kiến Bộ Tài chính giao tăng gần 19%). Dự kiến chi năm 2017 gồm: chi xây dựng cơ bản tập trung 475 tỷ đồng (tăng 10% so với dự toán Trung ương và địa phương), chi thường xuyên 5.746 tỷ đồng. Về dự kiến kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016- 2020, tổng cộng khoảng 110.000 tỷ đồng, bằng 161,5% so với giai đoạn 2011- 2015.

Thừa Thiên Huế kiến nghị Trung ương xem xét cơ chế giải quyết, phân cấp cho địa phương thực hiện trong thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và thẩm định dự án đầu tư, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công- dự toán các dự án thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế và các di tích quốc gia; đề xuất Chính phủ bãi bỏ thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; xem xét, điều chỉnh lại tiêu chí vốn cho lĩnh vực giáo dục phù hợp với thực tế địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Nhã đánh giá cao những kết quả mà Thừa Thiên Huế đạt được; ghi nhận những kiến nghị của tỉnh và cho biết sẽ trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn công tác chỉ đạo thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; có giải pháp thu ngân sách bền vững; nâng cao chất lượng lập dự báo nguồn thu để có kế hoạch đầu tư công giai đoạn 5 năm khả thi; tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, công tác chống thất thu thuế trên địa bàn...

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Return to top