ClockThứ Sáu, 15/12/2017 12:41
Gắn kết giữa doanh nghiệp CNTT và đơn vị đào tạo:

Cần kéo gần khoảng cách

TTH - Trong khi các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) muốn tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao thì phía đơn vị đào tạo lại gặp khó trong việc đưa sinh viên tiếp xúc với doanh nghiệp. Bắt tay là giải pháp mang lại lợi ích cho cả hai.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chật vật với thủ tục hành chínhĐồng hành cùng doanh nghiệp: Không chỉ bằng lời nói6 doanh nghiệp khởi nghiệp được tặng phần mềm kế toán MISAGần 15.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động219 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gấp 3 lần

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Huế

Thiếu gắn kết

Nhiều doanh nghiệp CNTT tại các ngày hội định hướng việc làm đánh giá kiến thức nền tảng của sinh viên được đào tạo tại Khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học là khá tốt, song để tiếp cận được công việc phải trải qua 3 – 6 tháng thực hành, đào tạo thêm tại doanh nghiệp. PGS. TS. Trương Công Tuấn, Phó Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế giải thích: “Chúng tôi gặp khó trong vấn đề gắn kết doanh nghiệp”.

Ông Tuấn cho biết, trung bình mỗi năm, khoa đào tạo khoảng 200 sinh viên. Từ năm 2014 trở về trước, chuyện đưa sinh viên đến các doanh nghiệp thực tập rất khó, có khi 100% sinh viên phải thực tập tại trường và giảng viên của khoa trực tiếp ra đề tài, hướng dẫn sinh viên thực tập tốt nghiệp. Năm 2015, con số sinh viên đến doanh nghiệp đạt khoảng 20 – 30%. Sau khi có mối liên kết tốt với Công ty FPT Soft Ware Đà Nẵng, năm 2016, sinh viên của khoa có chỗ thực tập tốt hơn, với 69 sinh viên đến thực tập tại đây, nhưng tỷ lệ sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp ở Huế vẫn chưa cao và có trường hợp vẫn phải thực tập ở trường. “Các doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập chỉ từ 3 - 5 em; những đơn vị lớn hơn cũng không quá 10 em; thậm chí, có công ty từ chối nhận sinh viên thực tập. Năm 2016 được cải thiện so với các năm trước, song năm 2017 cũng chưa chắc chắn khả quan bởi vì ngoài FPT Soft Ware, giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp không có các văn bản ký kết, ràng buộc”, ông Tuấn chia sẻ.

PGS. TS. Lê Mạnh Thạnh, giảng viên cao cấp Khoa CNTT, nguyên Phó Giám đốc ĐH Huế phân tích, cái khó trong việc tạo môi trường để sinh viên thực tập là địa bàn tỉnh ít doanh nghiệp về CNTT, những doanh nghiệp hiện có còn nhỏ, nhu cầu nhân lực không lớn, trong khi hàng năm, mỗi khóa đào tạo của khoa lên tới 200 sinh viên. “Đặc thù công việc của ngành CNTT cần sự chi tiết, tỉ mẩn. Như khâu lập trình, ở doanh nghiệp mỗi người mỗi việc, nên khi sinh viên chưa biết gì đến học cũng gây khó cho họ, bởi mất thời gian hướng dẫn và nhiều lý do khác”, ông Thạnh nói.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, phụ trách tiếp nhận sinh viên thực tập tại Công ty TNHH MTV Brycen Việt Nam tại Huế thừa nhận, tạo môi trường cho sinh viên thực tập là cơ hội để tuyển chọn và thu hút nhân tài, song cái khó của công ty là chưa có các chương trình, chính sách và đội ngũ đào tạo cho sinh viên đến công ty thực tập. Hơn nữa, việc tiếp nhận sinh viên thực tập cũng tùy thuộc vào công việc nhiều ít, đội ngũ có hạn nhưng lúc dự án đang nhiều, rất khó để hướng dẫn giúp sinh viên nên không thể tiếp nhận đại trà.

Trong khi đưa sinh viên tới doanh nghiệp khó, thì việc mời doanh nghiệp về trường đào tạo cũng không dễ dàng. Ông Thạnh chia sẻ, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), người dạy lý thuyết phải là thạc sĩ và có chứng chỉ về phương pháp giảng dạy, trong khi đó, với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, điều kiện này khó đáp ứng được.

Tại buổi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu về phát triển CNTT và công nghiệp phần mềm diễn ra sáng 22/11, nhiều ý kiến thừa nhận, sự gắn kết giữa hai bên (doanh nghiệp và nhà trường) chưa tốt cũng là một điều đáng tiếc.

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Huế

Ba bên cùng phối hợp

Khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học đang xây dựng đề án Đào tạo chất lượng cao ngành CNTT và đề án Chương trình đào tạo đặc thù ngành CNTT theo Công văn số 5444/BGDĐT-GDĐH của Bộ GD&ĐT về áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ ĐH. Đây được xem là hai đề án để đổi mới chương trình và phương thức đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo chuẩn đầu ra và tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên. Tuy nhiên, vấn đề này rất khó thành công nếu chỉ có sự cố gắng từ phía nhà trường.

Chẳng hạn, với đề án đào tạo chất lượng cao ngành CNTT, theo tính toán ban đầu, đầu vào và đầu ra sinh viên sẽ rất tốt. Tuy nhiên, sinh viên muốn theo học chương trình này phải tốn kinh phí cao hơn chương trình học bình thường. Trong bối cảnh kinh tế của nhiều gia đình miền Trung còn khó khăn, nếu không có chính sách hỗ trợ vay vốn cùng các giải pháp khác thì không dễ thực hiện. Còn với đề án đào tạo đặc thù, tuy điều kiện với chuyên gia doanh nghiệp được “xé rào” nhưng nếu doanh nghiệp không sẵn sàng phối hợp đơn vị đào tạo trong tất cả các khâu thiết kế chương trình, tham gia giảng dạy, tạo môi trường thực hành, thực tập… thì cơ chế đặc thù cũng khó đạt hiệu quả như mong muốn.

Để tạo ra sự gắn kết tốt hơn giữa nhà trường và doanh nghiệp, hai bên cần tiến đến những ký kết hợp tác, ghi nhớ bằng văn bản. Ông Tuấn cho rằng, những ký kết hợp tác mang tính ràng buộc sẽ thúc đẩy vai trò của các bên tốt hơn. Khi có những ký kết, việc thực hiện hai đề án trên cũng sẽ thuận lợi hơn. “Tất nhiên để đi tới ký kết, doanh nghiệp và khoa sẽ trao đổi hợp tác trên mối quan hệ cùng có lợi”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường và doanh nghiệp, cũng cần vai trò tác động từ phía chính quyền địa phương về mặt cơ chế, chính sách. Rõ ràng, việc Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu có buổi làm việc với nhà trường và doanh nghiệp về phát triển CNTT và công nghiệp phần mềm cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với chiến lược phát triển ngành CNTT. Và, sự gắn kết tốt giữa ba bên: tỉnh - doanh nghiệp - nhà trường sẽ tạo ra những hiệu quả trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân tài ngành CNTT, góp phần phát triển lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp

Mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp tỉnh ra đời mới đây được kỳ vọng là “lời giải” cho bài toán tuyển sinh - tuyển dụng, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (LĐ).

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Chi tiêu CNTT toàn cầu dự báo tăng 8% lên 5.060 tỷ USD trong năm 2024

Theo dự báo mới nhất của Công ty Tư vấn và nghiên cứu công nghệ thông tin Gartner, chi tiêu cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) trên toàn thế giới trong năm nay dự kiến sẽ đạt tổng cộng 5.060 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2023. Con số này cao hơn so với dự báo tăng trưởng 6,8% được đưa ra hồi tháng 1 và đưa chi tiêu CNTT toàn cầu đi đúng hướng để vượt ngưỡng 8.000 tỷ USD trước năm 2030.

Chi tiêu CNTT toàn cầu dự báo tăng 8 lên 5 060 tỷ USD trong năm 2024
Return to top