ClockThứ Năm, 12/12/2013 11:15

Cần mô hình để lựa chọn

TTH - Thay thế cho nuôi tôm chuyên canh, gần đây xuất hiện mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cá kình, rong câu. Mô hình mới phát triển, được nhân rộng đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân sống ven biển và đầm phá. Từ chỗ thua lỗ do dịch bệnh tôm sú kéo dài, đến nay, người dân có lãi từ 30 - 60 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có nhiều hộ lãi đến 150 triệu đồng/ha/năm.

Cũng là câu chuyện về các mô hình nuôi trồng thủy sản. Hình thức nuôi xen ghép phát triển mạnh làm cho nguồn cá giống (cá kình, cá dìa, cá nâu... chủ yếu thu gom từ tự nhiên) không đáp ứng đủ nhu cầu. Thế là, bắt đầu từ năm 2013, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư thực hiện mô hình nuôi cá đối, cua, tôm... từ nguồn ngân sách tỉnh. Mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm tăng thu nhập thêm từ 15 - 30 triệu đồng/ha so với hình thức nuôi xen ghép trước đây. Người dân có thêm sự lựa chọn về đối tượng nuôi mới một cách chủ động có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi và có khả năng làm sạch môi trường để đưa vào nuôi xen ghép.

Nuôi trồng thủy sản đang là một hình thức phát triển kinh tế mang lại nguồn thu nhập lớn, đặc biệt là đối với những địa phương như Thừa Thiên Huế có diện tích mặt nước rất lớn, bao gồm cả vùng sông nước, đầm phá và ven biển. Tuy nhiên, dù không phải là vấn đề mới lạ nhưng để mang lại thành công, thu được hiệu quả kinh tế cao từ nuôi trồng thủy sản lại là chuyện không đơn giản. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã có những tác động sâu sắc đến môi trường như hiện nay, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với việc lựa chọn vật nuôi phù hợp là hướng đi mang lại những hiệu quả thiết thực.

Lựa chọn và làm theo những mô hình có sự đầu tư áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật và các mô hình đã thành công trong thực tế được xem là cách làm kinh tế hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản hiện nay. Việc ngư dân chủ động chuyển từ mô hình chuyên canh tôm sú sang mô hình xen canh và tiếp tục là mở rộng đối tượng vật nuôi mới là một bằng chứng sinh động. Đó là sự thể hiện tư duy vượt khó trong làm ăn theo kiểu “thua keo này, ta bày keo khác”, không chấp nhận đầu hàng hoàn cảnh.

Thực tế cho thấy, thông qua các đơn vị như Trung tâm Khuyến nông lâm ngư, gần đây nhiều mô hình thử nghiệm vật nuôi thủy sản được xây dựng, nhanh chóng áp dụng có hiệu quả vào thực tế. Có thể kể thêm, như mô hình nuôi cá đối trong ao ở những vùng nuôi bị bỏ hoang, qua đó góp phần đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi, tận dụng các ao nuôi bị bỏ hoang để đưa vào sản xuất, giúp người dân tăng thêm thu nhập. Hay các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như nuôi cá chình trong bể xi măng, nuôi cá rô phi đơn tính và tôm sú theo hướng VietGap. Tuy chưa đem lại tính đột phá về hiệu quả kinh tế (do sản phẩm làm ra vẫn chưa bán được giá cao như mong muốn), nhưng các mô hình này góp phần thay đổi tập quán sản xuất và hướng người nông dân tiếp cận, áp dụng để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và xuất khẩu.

Làm theo các mô hình trong nuôi trồng thủy sản, suy cho cùng là việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được kiểm nghiệm qua thực tế. Vấn đề đặt ra là phải biết cách vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế gắn với tìm hiểu những nhu cầu của thị trường để việc đầu tư sinh lợi thực sự. Không chỉ là ngư dân đang cần các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả để làm theo mà đó còn là nhu cầu bức thiết trong phát triển kinh tế nói chung hiện nay.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top