ClockThứ Tư, 10/12/2014 08:59

Cần ngăn chặn nạn thông thầu

TTH - Chủ trương khai thác hoặc thanh lý rừng trồng hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước của các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ được tổ chức bán cây đứng tại rừng dưới hình thức đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu này thường không có hiệu quả, phần lớn các doanh nghiệp trúng thầu thường bỏ giá cao hơn không đáng kể so với giá khởi điểm.

Ô tô vào tận cửa rừng để vận chuyển gỗ keo

Thiết kế và thẩm định chưa chặt

Để bảo đảm thực hiện đồng bộ và thống nhất nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả tiêu thụ gỗ rừng trồng của nhà nước, trước mắt cần tiến hành thí điểm tổ chức ở một đơn vị lâm nghiệp, một địa phương để rút kinh nghiệm, làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định mới về định mức, thiết kế khai thác cũng như chính sách về tiêu thụ gỗ rừng trồng có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.
Dư luận trong ngành lâm nghiệp thường râm ran về các khoản chênh lệch giữa giá khởi điểm (cũng tương đương giá trúng thầu, vì chênh lệch không đáng kể) và giá thị trường. Nhiều ý kiến mổ xẻ về nguyên nhân cho rằng có hiện tượng các doanh nghiệp cùng tham gia đấu thầu đã thông thầu. Tìm hiểu kỹ về vấn đề này, hầu hết các giám đốc cơ quan lâm nghiệp đều biết rõ hiện tượng thông thầu, song “bất lực”, không thể ngăn chặn. Vì sao các doanh nghiệp mua gỗ rừng trồng tham gia đấu thầu lại dám thông thầu? Câu trả lời chỉ có một, do có khoảng chênh lệch giá lớn giữa giá khởi điểm và giá thực tế của thị trường, và khó tìm được bằng chứng thông thầu nên doanh nghiệp “trúng thầu” mới có thể thỏa thuận “chung chi” cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia đấu thầu. Có thể khẳng định đã có lỗ hổng trong việc định giá khởi điểm để đấu giá rừng. Vì vậy, về mặt chuyên môn cần rà soát lại hệ thống định mức, nội dung và trình tự thủ tục thiết kế khai thác rừng trồng hiện hành nhằm siết chặt quản lý khâu thiết kế và thẩm định khai thác gỗ. Cách làm này sẽ giúp chủ rừng tính đúng, tính đủ sản lượng khai thác và giá thành chi phí hợp lý cho một đơn vị sản phẩm, định được giá trị lô rừng sát với giá thị trường và loại trừ được hiện tượng thông thầu nói trên.
Để tăng cường quản lý, theo quy định hiện hành, có thể giao cho chủ rừng tự tổ chức thiết kế khai thác (khoản 2, điều 18, Thông tư 35/2011/TT- BNNPTNT); mời đơn vị tư vấn độc lập có chuyên môn để tiến hành thẩm định bảo đảm tính khách quan.
Bộc lộ hạn chế khi đấu thầu
Do rừng trồng là loại tài sản nhà nước đặc thù, sau khi mua bán phải tổ chức nhiều công đoạn để thu được sản phẩm tiêu thụ; mặt khác, việc tổ chức khai thác thực hiện trên diện tích rộng lớn, trong thời gian dài có khi cả vài ba tháng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoại cảnh và dân sinh nên không nhất thiết phải áp dụng duy nhất phương thức đấu giá tài sản cây đứng tại rừng (hiện áp dụng Quyết định số 40/2010/QĐ -UBND ngày 09/10/2010 của UBND tỉnh). Thực tiễn quản lý cho thấy việc tổ chức đấu thầu cây đứng tại rừng rất khó để chống thông thầu. Vì vậy, có thể xem xét giao cho chủ rừng tự tổ chức lực lượng khai thác và bán sản phẩm theo nhiều hình thức thích hợp. Đối với gỗ nguyên liệu giấy, giá được công khai hàng tháng nên có thể giao chủ rừng hợp đồng mua bán trực tiếp với các nhà máy dăm gỗ: Đối với gỗ gia dụng có thể áp dụng hình thức bán cho doanh nghiệp chế biến chào giá trên giá sàn hoặc tổ chức bán gỗ nằm (đã khai thác tập trung tại bãi gỗ) bằng hình thức đấu thầu. Việc khai thác và tiêu thụ gỗ rừng tự nhiên, nhựa thông,… nhà nước đã giao cho công ty lâm nghiệp tự tổ chức khai thác và kinh doanh, vậy gỗ rừng trồng tại sao không?
Chủ rừng là công ty lâm nghiệp (đơn vị kinh doanh) hay ban quản lý rừng phòng hộ (đơn vị sự nghiệp có thu) đều có chức năng kinh doanh. Họ hoàn toàn có thể tổ chức khai thác và tiêu thụ gỗ rừng trồng. Cách làm này sẽ giúp chủ rừng giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động trong đơn vị cũng như người dân địa phương nhận khoán bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng khi tham gia vào quá trình khai thác gỗ. Chủ rừng chịu trách nhiệm hoàn toàn việc khai thác và mua bán gỗ.
Việc kiểm soát và giám sát đầu vào , đầu ra của các bộ phận có chức năng trong nội bộ đơn vị chủ rừng cũng như cơ quan quản lý cấp trên dễ dàng hơn nhiều, thông qua hệ thống chứng từ sổ sách và địa chỉ đầu vào, đầu ra. Để chủ rừng tiết kiệm chi phí và tận dụng tốt sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả, cần có chính sách khuyến khích thích hợp để tạo động lực. Ví dụ: số tiền thu được từ khai thác và tiêu thụ sản phẩm vượt mức giá sàn quy định, chủ rừng được để lại để hình thành quỹ bảo vệ và phát triển rừng của đơn vị và có trích một phần (20% chẳng hạn) để nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân và người lao động trong đơn vị.
Đối với việc thanh lý rừng trồng để giải phóng đất sản xuất giao cho các hộ dân trên địa bàn, nhất là trong các trường hợp giải quyết đền bù đất cho dân, không nhất thiết phải chờ thanh lý rừng xong mới giao. Chủ rừng có thể cùng chính quyền địa phương và người dân tiến hành xác định giá trị cây đứng tại rừng để giao luôn tài sản rừng trên đất cho người dân. Cách làm này giúp giải quyết kịp thời bài toán thiếu quỹ đất sản xuất khi giải quyết đền bù đất cho dân. Đồng thời, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm giúp người dân sử dụng đất hiệu quả thông qua lựa chọn giống cây trồng, kỹ thuật canh tác hợp lý và thâm canh rừng để nâng cao chất lượng và giá trị rừng; bảo đảm định hướng cho người dân nâng cao năng suất rừng để tăng thu nhập thay vì mở rộng diện tích. Chủ rừng cũng có thể cùng người dân địa phương tổ chức khai thác tiêu thụ sản phẩm để sớm giải phóng đất giao cho người dân. Cách làm này cũng giúp người dân có công ăn việc làm, tăng thu nhập và sớm nhận được đất sản xuất.
Vinh Dung
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top