ClockThứ Hai, 21/12/2015 15:12

Chuyện con dấu củ khoai

TTH - Con “dấu củ khoai” chỉ là câu chuyện cửa miệng, nói chơi, nên không ai tìm hiểu về hình thù cũng như tính chứng thực của nó. Nhưng chuyện về con “dấu củ khoai” từng được sử dụng rất hiệu quả trong chiến tranh vệ quốc và hoàn toàn có thật. Người cho sử dụng con “dấu củ khoai” là vị Tổng chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa..

Câu chuyện này do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong cuốn hồi ký Từ Nhân dân mà ra, của ông, được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành lần đầu 1964, tái bản lần hai 1969. Đại tướng kể: Sau ngày Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân thành lập. Để thi hành đúng chỉ thị của Bác Hồ: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi” để tạo niềm tin cho các chiến sĩ và xây dựng truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội, chúng tôi họp bàn kế hoạch tác chiến, và quyết định sẽ chiến đấu ngay sau khi thành lập đội.

Vấn đề đặt ra là đánh đâu? Một điều rất quan trọng khác phải bàn bạc là đánh cách nào? Trong trận đầu chúng ta phải giành được thắng lợi mà không để bị tổn thất nặng nề về người cũng như về vũ khí. Lực lượng của ta trong thời kỳ trứng nước này còn rất mỏng manh. Vũ khí đã thiếu, đạn dược càng thiếu hơn... Cuối cùng chúng tôi đi đến quyết định, trong mấy trận đầu phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược, mặc dầu đánh tập kích khó khăn hơn.

Một số đồn trại địch đóng trên dưới một trung đội trong vùng Kim Mã và Cẩm Lý được chọn để tiến hành công tác điều tra: đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần.

Các trinh sát của ta được phái đi. Địch ở đồn Phai Khắt đóng chính ngay tại nhà đồng chí Lạc. Anh em có thể vẽ lấy sơ đồ đồn địch, rồi phái một số đồng chí đến nơi đối chiếu lại, là biết rõ địa hình. Việc khó khăn hơn là làm sao đột nhập đồn địch, điều tra cách bố trí, sắp đặt bên trong, và mọi quy luật hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của chúng. Người trinh sát đầu tiên của đội lọt vào đồn là em Hồng.

Hồng mới mười hai tuổi. Ngày ngày, em phải mang bánh và rượu vào cho tên quan Tây trong đồn. Em đã lân la trò chuyện với lích địch, xem kỹ kho lương, kho đạn, nơi ăn ngủ, nơi canh gác, giờ giấc sinh hoạt, tập họp của địch. Đêm đêm, em luồn ra khỏi lũy tre làng đến báo cáo với đội.

Căn cứ vào những quy luật hoạt động của địch tại vùng này, chúng tôi bàn nhau thấy có thể tìm cách cải trang làm lính dõng để đột nhập đồn địch.

Các đồng chí trung kiên dưới làng đi tìm gặp những hội viên là lính dõng hoặc trước kia đã đi lính dõng, mượn thêm mấy bộ quần áo ka-ki để cải trang thành lính tập, vì những đoàn lính dõng đi tuần bao giờ cũng có lính tập đi kèm. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị một số nón lính. Các chị ở dưới làng lên, mang theo vải chàm và kim chỉ để khâu áo nón. Nón của lính dõng bọc vải chàm, có viền vành trắng và điểm một miếng tròn trắng trên chóp.

Đại tướng kể tiếp: “Khi qua cơ quan in báo Việt Nam độc lập, tôi đã mượn máy chữ ngồi đánh mấy tờ “giấy đi tuần” giả. Các đồng chí tại cơ quan đã cắt củ khoai, trổ một con dấu rất khéo, đóng đỏ chót bên cạnh chữ ký. Hồi đó, những giấy giới thiệu đánh bằng máy chữ là loại giấy có giá trị.

Mọi việc chuẩn bị đã xong.

Nguyện vọng của 34 con người đều thống nhất: mong sao giết được nhiều giặc, lấy được nhiều súng Tây thay súng kíp, mong sao Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân trở nên một đội quân mạnh mẽ, mong sao ngọn cờ sao vàng trong tương lai gần đây sẽ phấp phới bay giữa thủ đô...

Chiều ngày 24 tháng chạp, hai ngày sau khi thành lập, bộ đội được lệnh lên đường đi chiến đấu.

Mấy ngày qua, sau khi hiểu rõ ý nghĩa quan trọng “Trận đầu nhất định phải thắng” và nghiên cứu kỹ lưỡng kế hoạch tác chiến, tất cả các tiểu đội đều xin nhận nhiệm vụ xung phong đầu tiên vào đồn địch.

Nắng chiều vàng rực trên các ngọn núi... Trước khi xuống cánh đồng, chúng tôi tạt vào một khu rừng thay đổi quần áo, cải trang thành một đội lính dõng. Trời tối, bộ đội tiến xuống cánh đồng Kim Mã. Cơm nước xong, mọi người ngả lưng ngủ một giấc ngay trên bờ ruộng mới gặt còn thơm mùi lúa. Nửa đêm, chúng tôi trở dậy, lặng lẽ kéo lên ẩn náu trên một quả đồi ở phía sau đồn địch, cách đồn khoảng một cây số.

Đêm ấy, tôi nằm thao thức khó ngủ. Kế hoạch đã chuẩn bị chu đáo, nhưng vẫn phải tính đến những chuyện bất ngờ có thể xảy ra.

Chúng tôi đã nắm được kỹ lưỡng cách bố trí trong đồn, kho súng, buồng tên chỉ huy, nhà ngủ, nhà ăn và các hoạt động hàng ngày của địch. Em Hồng cho đội biết, trong khi ăn, bọn địch gác súng vào giá.

Đội đã đặt kế hoạch, cải trang thành một toán lính dõng ở châu đi tuần về để đột nhập đồn địch; khi lọt vào đồn sẽ chiếm luôn kho súng, bắt tất cả bọn địch đầu hàng, nếu chúng chống cự sẽ dùng vũ khí tiêu diệt. Chúng tôi nhận thấy thời cơ hoạt động tốt nhất là vào khoảng 5 giờ chiều, khi địch đang ăn cơm. Lúc đó trời còn sáng, ta cải trang đi ban ngày, bọn địch ít nghi hoặc. Và khi giải quyết xong đồn, trời đã tối.

Năm giờ chiều hôm ấy, nhân dân làng Phai Khắt bỗng nhiên thấy toán lính dõng, đầu đội nón bọc vải xanh, vàng, trắng mình mặc quần áo chàm, chân cuốn xà cạp, đi đầu là một viên đội “xếp” và hai lính khố xanh, từ phía châu Bình Nguyên tiến vào làng. Đến cổng làng, một người chìa giấy (có đóng con dấu củ khoai đỏ chót) cho tên gác xem, rồi chia thành ba toán đi thẳng vào đồn của quan Tây.

Tiểu đội trưởng Thu Sơn, mặc bộ ka-ki lính tập, xách tiểu liên đi đầu, đến trước mặt tên lính gác cổng đồn địch, hỏi bằng một giọng hách dịch:

- Quân Tây có nhà không? Chúng tao đi tuần.

Nói rồi anh rút mảnh giấy, chìa trước mặt tên gác cho hắn xem cái dấu (củ khoai) đỏ chót, rồi gạt luôn hắn sang bên, đi thẳng vào đồn. Cả tiểu đội 1 đi đầu bám sát sau anh. Đồng chí Thu Sơn dẫn tiểu đội tiến thẳng vào kho để súng. Tiểu đội 2 cũng đi liền sau đó, vừa lọt vào đồn lập tức bao vây lấy chung quanh nhà binh lính ở.

Binh lính địch, đứa ăn cơm trong nhà, đứa thu dọn quần áo phơi ngoài sân.

Tiểu đội trưởng Thu Sơn hô dõng dạc bằng tiếng Pháp:

- Rát săm măng (Tập họp).

Anh ra lệnh cho binh lính trong đồn tập họp để đón quan ở châu về.

Mười bảy tên lính và một tên cai tập họp lại giữa sân. Đồng chí Thu Sơn lập tức chĩa ngang khẩu tiểu liên, hô lớn:

- Chúng tôi là quân cách mạng, anh em giơ tay đầu hàng, sẽ không giết ai hết, giơ tay lên!

Tất cả các nòng súng đều chĩa vào quân địch.

Bị hoàn toàn bất ngờ, không kịp đối phó, tất cả binh lính địch trong đồn giơ tay đầu hàng.

Trận tập kích diễn ra hết sức mau lẹ, kết thúc trong vòng mươi phút. Nửa giờ sau đội đã giải quyết xong mọi công việc, kéo ra ngoài đồn địch...

Và cũng cách ngụy trang như đánh đồn Phai Khắt, nhưng hợp đồng tác chiến có thay đổi, hôm sau đội đánh đồn Nà Ngần. Tiểu đội trưởng Thu Sơn dẫn đầu tổ xung phong, tiến đến sát đồn, anh chìa tờ giấy (đi tuần có con dấu củ khoai đỏ chót) cho tên lính gác xem...Và trận đánh kết thúc trong vòng dăm phút. Toàn bộ binh lính địch ở đồn Nà Ngần đầu hàng, ta nhanh chóng thu súng đạn, tài liệu, phát truyền đơn và dán biểu ngữ. Sau đó rút quân về căn cứ...

Hai trận đánh đầu tiên thắng lợi vang dội của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ Cao – Bắc – Lạng. Các chiến sĩ đã thực hiện đúng như chỉ thị của Bác Hồ: “Trận đầu đánh phải thắng”...

Dương Phước Thu

Tư liệu tham khảo ở cuốn hồi ký Từ nhân dân mà ra của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp

Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã tạo hành lang pháp lý cho HĐND các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp
Sẵn sàng trong mọi tình huống

Cùng với phường Phú Nhuận, hiện nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế đã thành lập các tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và "Điểm chữa cháy công cộng", phát huy tác dụng trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) như Đông Ba, Phú Hội, Phú Thượng, Vĩnh Ninh...

Sẵn sàng trong mọi tình huống
Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn

Công tác phòng, chống ma túy (PCMT) và nhân rộng mô hình chuyển hóa tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn TP. Huế đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn

TIN MỚI

Return to top