ClockThứ Sáu, 26/04/2024 10:49

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp

TTH - Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã tạo hành lang pháp lý cho HĐND các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc SơnCần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

 Việc kiện toàn nhân sự luôn được HĐND các cấp quan tâm

Cơ sở pháp lý quan trọng

Sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 ra đời, Quốc hội ban hành nhiều luật, pháp lệnh; Chính phủ ban hành các nghị định; các bộ, ngành ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Công tác phổ biến, triển khai Luật được các cơ quan, đơn vị và UBND xã, phường thực hiện tốt; hầu hết cán bộ chủ chốt đều nắm vững và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Đánh giá về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND các cấp và Tổ đại biểu HĐND cấp huyện, Thường trực HĐND TX. Hương Thủy cho biết, việc ban hành nghị quyết luôn sát với tình hình của địa phương; triển khai thực hiện tốt các cuộc giám sát theo luật định và những vấn đề cử tri quan tâm. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thị xã trong tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền; trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường… cũng được đảm bảo. Điển hình, như việc thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hằng năm của thị xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thị xã trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt; quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách thị xã; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương…

Theo Thường trực HĐND huyện A Lưới, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), chính quyền cấp huyện và các xã, thị trấn được kiện toàn, bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp được bố trí theo quy định. Bộ máy chính quyền địa phương được tổ chức hoạt động đúng theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn.

Thường trực HĐND các địa phương đều thống nhất rằng, các quy định của Luật về chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Các quy định về nguyên tắc và tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương đảm bảo tính pháp lý, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với thực tiễn. Các quy định về HĐND và tiêu chuẩn đại biểu HĐND, về UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đã được thực hiện nghiêm túc ở địa phương. HĐND, UBND cấp huyện đến cấp xã đã ban hành các văn bản để cụ thể hóa quy định của Luật, đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền.

Thực tiễn cho thấy, tổ chức và hoạt động của HĐND cấp huyện đã được quan tâm triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định của Luật, thể hiện được vai trò cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Đa số đại biểu HĐND đều thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, luôn giữ mối liên hệ với cử tri, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri; các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

“HĐND huyện Quảng Điền đã phối hợp với UBND huyện trong công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ các văn bản không còn phù hợp nhằm bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, HĐND huyện phối hợp xây dựng Đề án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền các cấp theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn thi hành. UBND các cấp đã xây dựng được quy chế làm việc mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên một cách nghiêm túc, có hiệu quả”, đại diện Thường trực HĐND huyện Quảng Điền cho biết.

Cần giải pháp gỡ khó

Mới đây, Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân làm trưởng đoàn đã có những buổi làm việc với các Thường trực HĐND cấp huyện về tình hình, kết quả triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Theo đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai luật đã được chỉ rõ. Đó là những vấn đề về chất lượng đại biểu HĐND huyện, xã chưa đồng đều, chưa nắm sát và phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với cơ quan có thẩm quyền, từ đó việc giải quyết những kiến nghị của cử tri có lúc còn chậm so với yêu cầu; chất lượng giám sát của HĐND cấp xã còn hạn chế.

Một số bộ luật chuyên ngành, các nghị định của Chính phủ, thông tư, văn bản hướng dẫn của các bộ, ban, ngành Trung ương, cụ thể Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau khi ban hành còn bất cập, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp trên các lĩnh vực tương đối giống nhau, trùng lắp nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội. Luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể mối quan hệ giữa Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND, lãnh đạo các ban của HĐND và lãnh đạo các sở, ngành thuộc UBND; chưa quy định rành mạch, đầy đủ về trách nhiệm của UBND trước HĐND với tư cách là cơ quan chấp hành của HĐND.

Theo Thường trực HĐND huyện Nam Đông, những năm qua, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND - UBND các cấp chưa tạo ra chuyển biến mạnh mẽ như, hiệu quả giám sát chưa cao, một số ý kiến thông qua hoạt động giám sát chưa được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm, giải quyết kịp thời. Một số đơn vị phương thức hoạt động, chức năng giám sát còn chậm đổi mới, thực hiện nhiệm vụ chưa thể hiện rõ nét, nhất là đại biểu ở các thôn; một số đại biểu HĐND cấp xã thiếu sâu sát với địa bàn ứng cử, chưa thể hiện rõ vai trò, chức năng giám sát của người đại biểu HĐND và chưa thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm để góp ý xây dựng phát triển của địa phương.

Thường trực HĐND các huyện, thị kiến nghị Quốc hội cần xem xét, bổ sung quy định thành lập tổ đại biểu HĐND ở cấp xã; quan tâm hơn nữa về công tác cán bộ trong việc cơ cấu nhân sự của HĐND tham gia cấp ủy các cấp, ngoài các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban của HĐND cần cơ cấu thêm phó trưởng ban của các ban HĐND tham gia cấp ủy các cấp. Cần xây dựng HĐND là cơ quan đại diện chuyên trách, đại biểu dân cử chuyên nghiệp nhằm tham mưu cho HĐND thực hiện tốt chức năng quyết định và chức năng giám sát; xem xét tăng số lượng đại biểu chuyên trách HĐND các cấp, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã, hạn chế đại biểu HĐND kiêm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong bộ máy quản lý nhà nước…

Bà Nguyễn Thị Ái Vân chia sẻ các khó khăn trong quá trình thực hiện và ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Thường trực HĐND huyện, cấp xã để tổng hợp, đề xuất với Trung ương.

Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top