ClockThứ Bảy, 08/10/2016 14:23

Doanh nghiệp chậm niêm yết - Phải có chế tài xử lý nghiêm

Đã đến lúc cần có chế tài xử phạt, kỷ luật với tổ chức, cá nhân để xảy ra chậm trễ niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã cổ phần hóa (CPH) phải khẩn trương đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp mặc dù đã cổ phần hóa từ nhiều năm nay nhưng tiến độ thoái vốn và niêm yết trên sàn chứng khoán còn rất chậm trễ. 

Việc bộ chủ quản cũng như của doanh nghiệp chần chừ chưa quyết liệt trong việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đang khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi. Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần có chế tài xử phạt, kỷ luật với tổ chức, cá nhân để xảy ra chậm trễ này. 

Bộ Công Thương cho rằng khả năng lên sàn của Habeco và Sabeco có thể phải sang quý I/2017. (Ảnh minh họa: KT)

Thủ tướng chỉ đạo phải đưa Tổng công ty CP Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty CP Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) niêm yết trên sàn chứng khoán ngay trong năm nay. Thời gian không còn nhiều, trong khi đại diện Bộ Công Thương cho rằng, thủ tục triển khai mất rất nhiều thời gian từ 12-14 tuần và Habeco cũng còn nhiều vướng mắc cần giải quyết với nhà đầu tư chiến lược Carlsberg. Do đó, khả năng lên sàn của hai doanh nghiệp này trong năm nay là khó khăn, có thể phải sang quý I/2017.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng hiện Carlsberg đang nắm giữ 15,77% vốn điều lệ của Habeco không ảnh hưởng gì đến quyết định lên sàn chứng khoán của doanh nghiệp này, vì với tỷ lệ này không thể phủ quyết được quyết định của đại hội đồng cổ đông. Ông Hải cũng cho rằng, nếu làm quyết liệt việc niêm yết trên sàn chứng khoán của 2 doanh nghiệp này thì chỉ mất từ 2-3 tháng là hoàn thành.

“Doanh nghiệp thì bảo đầu tháng 12 này là niêm yết được rồi, nhưng Bộ Công Thương lại bảo chưa. Họ cứ nói đủ thứ lý do để chưa lên sàn được do vậy cần công khai hợp đồng. Nhà nước đã có chủ trương niêm yết từ lâu rồi các doanh nghiệp này vẫn chây ỳ. Đến khi Thủ tướng chỉ đạo thì mới làm nhưng vẫn chậm. Thực tế không quá 3 tháng là có thể làm xong rồi, hoàn toàn kịp trong năm nay”, ông Hải nêu rõ.

Thực tế, Tổng công ty Cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội và Tổng công ty Cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn đã CPH được gần 10 năm nay nhưng vẫn chậm trễ, thậm chí là không chịu thoái vốn và niêm yết trên sàn chứng khoán. Phải đến thời gian gần đây, khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thì việc này mới được tái khởi động nhưng tiến độ thì vẫn chậm chạp.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã giao 2 doanh nghiệp này phải niêm yết lên sàn chứng khoán trong năm nay, nếu chậm thì Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm điểm trước Thủ tướng và hai doanh nghiệp phải kiểm điểm trước Bộ Công Thương về sự chậm trễ, không minh bạch.

Ngoài Habeco và Sabeco, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhà nước mặc dù đã cổ phần hóa từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa chịu niêm yết trên sàn chứng khoán, như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)…Theo các chuyên gia, việc chậm trễ này đã làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của giới đầu tư vào tiến trình CPH DNNN và Nhà nước đang thất thu hàng tỷ USD từ việc bán cổ phần Nhà nước. Thậm chí Nhà nước có thể mất vốn ở những doanh nghiệp trốn tránh niêm yết, cố tình bưng bít thông tin, bổ nhiệm người không có năng lực và tham nhũng.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, khi doanh nghiệp niêm yết trở thành công ty đại chúng tức là có bước tiến về quản trị và phải cung cấp đầy đủ thông tin. Doanh nghiệp phải công khai thông tin, chế độ quản trị nhất định.

“Doanh nghiệp chậm niêm yết rõ ràng là có vấn đề về tài chính, quản trị, hoặc lợi ích nhóm, họ ngại và tránh không muốn bị giám sát. Hoặc có ai đó không muốn mất vị trí cổ đông chiến lược. Cho nên, cần thiết phải có những chế tài hoặc giải pháp mạnh đối với doanh nghiệp chậm hoặc không muốn niêm yết”, chuyên gia Lê Đăng Doanh phân tích.

Trước tình trạng chậm trễ này, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán phải khẩn trương hoàn tất theo quy định.

Theo đó, các đơn vị chủ quản lập danh sách doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Người đại diện phần vốn nhà nước phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định, báo cáo Chính phủ trước ngày 1/11/2016.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính, Nhà nước đã có chủ trương thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn, trong đó có những doanh nghiệp như Sabeco, Habeco. Để bán vốn một cách thuận lợi và đạt giá trị cao thì những doanh nghiệp này phải lên sàn chứng khoán, đồng thời phải thuê tư vấn đấu thầu để xác định giá trị trước khi bán nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước.

Tới đây những doanh nghiệp đã cổ phần hóa rồi mà chưa niêm yết thì phải nhanh chóng niêm yết trên sàn chứng khoán để minh bạch thông tin và gọi dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước. Cơ quan quản lý cũng sẽ bổ sung chế tài xử lý việc chậm niêm yết cổ phiếu.

“Doanh nghiệp đấu giá, bán cổ phần xong phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để có tính thanh khoản giao dịch được. Trên thị trường chứng khoán tới đây, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bổ sung chế tài để xử lý đối với doanh nghiệp chậm niêm yết và đăng ký giao dịch. Những doanh nghiệp, các bộ ngành phải thực hiện nghiêm túc, góp phần minh bạch thông tin”, ông Đặng Quyết Tiến nói:

Các chuyên gia cho rằng khi doanh nghiệp niêm yết thì minh bạch thông tin và có thêm kênh huy động được vốn đầu tư. Việc chậm trễ niêm yết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quản trị cũng như đánh mất cơ hội “vàng” để huy động vốn mà không phải qua vay mượn ngân hàng.

Thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chần chừ, chậm trễ trong việc niêm yết trên sàn chứng khoán. Những động thái quyết liệt từ Chính phủ được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ này, ngăn chặn những nhóm lợi ích cản đường cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top