ClockThứ Năm, 23/10/2014 00:17

Dựa hơi cơm vua

TTH - Không phủ nhận cơm vua (cơm cung đình) xuất hiện đã tạo nên nét mới cho du lịch Cố đô Huế. Tuy nhiên, từ ý tưởng độc đáo ban đầu, đến nay cơm vua đang dần trở thành sản phẩm du lịch tuỳ tiện và rẻ tiền, cả về giá trị vật chất lẫn hàm lượng văn hoá.

Thực đơn cung đình được nghệ nhân Hoàng Anh tái hiện

Dựa hơi cung đình

Chúng tôi chọn một nhà hàng ở xứ vườn Vĩ Dạ để tìm hơi cung đình qua dịch vụ cơm vua. Qua khỏi “cung môn” (cổng nhà hàng) vào nhà, anh bạn đi cùng đã tấm tắc về sân vườn, cách bài trí nội thất, cũng như quy mô đầu tư của gia chủ. Từ tầng 1 lên tầng 2, từ gian trong cho đến tiền sảnh, bàn ghế, ly chén đã được sắp đầy, gọn gàng. Nội thất đều được “sơn son thếp vàng”, mỗi khu vực không gian được bố trí bàn cho vua “ngự thiện” (vua ăn), có lọng che…

Nếu ở khách sạn lớn, trước khi thưởng thức các món ăn, thực khách được mặc trang phục hoàng gia, được tổ chức nghi lễ rước và có cả nhạc cung đình phục vụ suốt buổi “ngự thiện”, thì nơi chúng tôi đến, những phần trên có hay không là phụ thuộc vào túi tiền của khách. Chẳng hạn, thực đơn Cơm vua, gồm 12 món với những cái tên rất “kêu”: Long quân khai vị, tôm ngự thuyền rồng, gà nướng cung đình, kình ngư thưởng nguyệt, bách ngọc gói lá… có mức giá cao nhất là 2,6 triệu đồng 2 người, thấp nhất là 5 triệu đồng với đoàn 10 người. Tuy nhiên, nếu khách không có nhu cầu làm vương làm hậu (không mặc trang phục cung đình) và cũng chỉ qua bữa trong yên lặng (không có nhạc phục vụ) thì mức giá trên chỉ còn 50%. Tất nhiên, để vui lòng khách đến, ngoài thực đơn có giá cao đến chóng mặt này, nhà hàng vẫn còn nhiều lựa chọn khác cho khách với mức giá từ 250.000 đồng/khách đến 750.000 đồng/khách, và vẫn thoả mãn được nhu cầu làm vua, làm hậu khi khách chỉ cần bỏ thêm 50.000 đồng/người để khoác phục trang cung đình và chụp hình.

“Dạo” qua một lượt danh mục thực đơn, chúng tôi nhận ra “điều cơ bản”: giá tiền càng cao thì độ phủ sóng tên gọi dựa hơi cung đình càng dày, với các món như: khai vị hoàng gia, phượng hoàng khai vị, long quân khai vị, cua hoàng gia, mực (tôm) nướng ngự thuyền rồng, mỳ xào cung đình, cá hồi chiên hoàng gia… và rớt đến mức giá 250.000 đồng/khách thì tuyệt nhiên không còn gì của dấu vết hoàng gia trong tên gọi của các món nữa.

Khi chúng tôi chọn đến thực đơn bình dân này, anh phục vụ vui tính góp chuyện: “Dạ, vua thì... cũng lúc ni lúc khác nên thực đơn của tụi em có nhiều mức giá để quý khách chọn lựa. Nếu muốn thử cảm giác làm vua và hoàng hậu, mời anh chị mặc trang phục cung đình để chụp hình làm kỷ niệm, 50.000 đồng/lượt”. Chúng tôi vừa đồng ý, anh phục vụ đã nhanh nhảu đi lấy trang phục và giúp chúng tôi sửa soạn trong khi chờ món. Vừa giúp chúng tôi chuẩn bị trang phục mới, anh vừa động viên: “Ở đây anh chị cứ yên tâm. Chúng tôi giặt áo quần hằng ngày nên không sợ... bị ngứa”.

Sau phần chụp ảnh trong trang phục hoàng gia, chúng tôi trở lại bàn. Món vừa được dọn lên, anh phục vụ lịch sự: “Dạ, anh chị cho em xin tiền trang phục!”. Thoáng thấy chúng tôi chưng hửng ngạc nhiên, anh nhẹ nhàng: “Dạ, vì đây là dịch vụ riêng!”.

“Ở đây “vua” cũng uống bia nữa đó!”, anh bạn đi cùng kéo tôi trở lại thực tại với phát hiện mới hóm hỉnh khi các vị khách ở bàn bên cạnh cụng nhau bằng những ly bia. Rồi anh tinh tế: “Đây là cơm Tây chứ cơm vua gì. Ngày xưa, chén bát các cụ dùng cái gì cũng nho nhỏ, gọn gàng và làm thủ công, chứ có mô như bữa ni. Dao, nĩa, muỗng bằng inox sáng bóng, lại thêm chén dĩa vừa to vừa dày”.

Đánh mất lòng tin

Năm 1990, Hương Giang là khách sạn tiên phong đưa dịch vụ cơm vua vào khai thác, với sự cố vấn của “mệ” Bảo Hiền - một hậu duệ hoàng thất triều Nguyễn. Đến nay, dịch vụ này đã trở nên phổ biến ở hầu khắp các nhà hàng, khách sạn ở Huế.

Nghe chuyện tôi đi ăn cơm dựa hơi cung đình, bạn tôi - nhân viên một khách sạn, ra vẻ giễu cợt: “Trời ơi, chỉ là mô phỏng thôi chớ có mô như vua chúa ngày xưa mà so sánh. Cơm vua hả? Đó là món ăn được trang trí tỉ mỉ, đẹp mắt, thêm tên gọi hấp dẫn. Rồi bạn ngậm ngùi: “Bữa ni cơm vua đầy rẫy. Họ sẵn sàng giảm giá để hút khách nên chất lượng ảnh hưởng. Thực đơn đã đành, đến trang phục của vua quan nhà Nguyễn mà cũng mỗi nơi một kiểu, chẳng ai quản...”

Nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà, chủ nhân địa chỉ cơm cung đình Tịnh Gia Viên, tâm tư: Do cạnh tranh nên ai cũng hạ giá thành quá thấp, trong khi lại nâng hoa hồng lên cao cho đội ngũ môi giới nên sản phẩm không có giá trị, tự mình đánh mất lòng tin. Hơn nữa, cái gì người ta cũng gắn thêm 2 chữ cung đình: chè cung đình, cơm cung đình, bánh cung đình, trà cung đình…, dần dần bôi bác quá.

Dù là người ngoại đạo, cũng xin mạo muội hiểu rằng: Làm gì thì làm, nhưng phàm đã liên quan đến lịch sử, trước tiên sản phẩm ấy phải thể hiện được sự tôn trọng lịch sử.

Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top