ClockThứ Hai, 20/05/2019 14:31

Đưa nguồn vốn chính sách xã hội đến các đối tượng thụ hưởng

TTH - Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) huyện Phú Vang phối hợp chặt chẽ với UBND các xã và cơ quan chuyên môn giám sát, chuyển tải nguồn vốn chính sách ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng và giới thiệu những mô hình kinh tế hiệu quả giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Trang trại của gia đình anh Lê Văn Phước cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm

Năm 2017, gia đình anh Lê Văn Phước (thôn Nam Châu, thị trấn Phú Đa) được VBSP huyện cho vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Vợ chồng anh chọn ba vật nuôi chính là dê, lợn, gà để phát triển mô hình kinh tế tổng hợp.

Hiện tại, trang trại của anh Phước có 30 con dê, 13 lợn nái, 200 lợn thịt, 300 con gà, 50 cặp chim bồ câu. Bình quân thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, anh chị không chỉ thoát nghèo mà còn sửa sang được nhà cửa khang trang.

Với 50 triệu đồng vay được từ nguồn vốn chính sách hồi tháng 6/2017, từ gia đình khó khăn, đến nay trang trại gia đình anh Nguyễn Công Tiến, ở thôn Hòa Tây (Phú Đa) có 36 lợn nái, 60 lợn thịt, 300 con vịt xiêm, 5.000 con gà.

Năm đầu tiên mở rộng chăn nuôi, gia đình anh Tiến thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Hiện, anh Tiến tiếp tục đầu tư thêm lò ấp trứng, hy vọng năm sau lợi nhuận sẽ cao hơn năm trước. Vợ chồng anh giờ đã tự tin sẽ nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi, trên địa bàn huyện Phú Vang đã có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; trong đó, thu nhập cao tập trung vào các mô hình phát triển kinh tế là thế mạnh của địa phương, như: nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngành nghề kinh doanh dịch vụ...

Để giúp bà con yên tâm và chí thú làm ăn, cán bộ NHCSXH huyện không ngại đường sá xa xôi, tìm đúng đối tượng vay, bảo đảm công tác giải ngân, thu nợ...

Anh Phan Đình Hùng, cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn thị trấn Phú Đa, dẫn chứng: “Quy định ngày giao dịch ở Phú Đa cố định vào mùng 10 hàng tháng, nếu ngày đó rơi đúng vào thứ bảy, chủ nhật hay ngày nghỉ lễ… chúng tôi cũng  đi giao dịch, không để bà con chờ đợi”.

Đối với những hộ còn e ngại, cán bộ tín dụng phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở thôn, xã vận động, tư vấn các hộ mạnh dạn vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hướng dẫn bà con áp dụng KHKT vào sản xuất; đồng thời, giải thích để người dân hiểu việc vay vốn tín dụng ưu đãi được trả lãi suất thấp, hạn chế mức thấp nhất tình trạng nông dân vay "nóng".

Theo ông Đào Bá Thuận, Giám đốc VBSP huyện Phú Vang, thời gian tới, ngân hàng tiếp tục bám sát chỉ đạo của ngân hàng cấp trên về việc chuyển tải nguồn vốn chính sách ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời; đồng thời, bám sát chủ trương định hướng phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của lãnh đạo địa phương để định hướng giúp bà con phát triển kinh tế.

Ông La Phúc Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang thông tin: Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy, Mặt trận các thôn tiếp tục tổ chức vận động bà con chia sẻ, nhân rộng các mô hình kinh tế điểm. Các cấp hội tích cực tín chấp cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn phân bổ của Trung ương và nguồn ngân sách của địa phương để đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Đến cuối tháng 3/2019, VBSP huyện Phú Vang đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng ở tất cả các thôn, tổ dân phố thuộc 63 tổ chức hội, đoàn thể cấp xã trên địa bàn. Tổng dư nợ 323.174 triệu đồng; bình quân dư nợ 16,2 tỷ đồng/xã; 881 triệu đồng/tổ; 23,2 triệu đồng/hộ.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Nam Đông đã mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình, không ngừng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
Đọc sách là xây dựng xã hội tri thức

Đọc sách là một hành vi văn hóa của loài người đã mấy nghìn năm nay. Một trong những tiêu chí đã xác định một nền văn minh là phải có chữ viết và chữ viết tồn tại, phát huy, bảo tồn được các giá trị văn hóa của một quốc gia, dân tộc và rộng hơn nữa là nhân loại không nằm ngoài sách.

Đọc sách là xây dựng xã hội tri thức
Return to top