ClockThứ Năm, 14/03/2019 14:22

Gìn giữ, tạo đặc trưng cho không gian đi bộ

TTH - Cùng với đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đường đi bộ lát gỗ lim dọc sông Hương đã trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch Huế. Nhưng chừng đó là chưa đủ.

Đi trên cầu gỗSức hút từ cầu gỗ lim trên sông Hương

Dòng người dạo bộ trên cầu gỗ lim dọc sông Hương

Làm sao để không gian đi bộ mới nói trên của Huế có dấu ấn, đặc trưng riêng, không thể lẫn lộn với những đường đi bộ ở nhiều nơi khác là cả một vấn đề.

Tạo không gian sang trọng

Ngay sau khi không gian đi bộ cạnh sông Hương hoàn thành đã thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân và du khách. Họ đến đây để ngắm cảnh, hít thở không khí trong lành, lưu lại những góc ảnh đẹp…

Trong cảm nhận của nhiều người, Huế đang có một không gian đi bộ rất đặc biệt: cạnh dòng sông thơ mộng chảy qua lòng thành phố, cạnh đó là những tòa nhà Pháp với kiến trúc cổ, có công năng là các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật, chuyển tiếp với không gian mở của các công viên.

“Chúng ta đang có một không gian rất trong lành, khác với sự ồn ảo vốn có ở đô thị. Đây là một điểm nhấn của đô thị Huế, góp phần tăng chất lượng sống cho người dân"- anh Nguyễn Thành Ngân (TP. Huế) nói về không gian đi bộ giữa lòng thành phố, nơi mà mỗi ngày anh thường đến dạo bộ.

Các bạn trẻ chụp hình tại không gian đi bộ cạnh sông Hương

Khi cầu đi bộ gỗ lim vừa hoàn thiện cùng với đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu được nâng cấp, sửa chữa, chính thức đi vào hoạt động đã lập lại một vài hình ảnh không đẹp. Đâu đó vẫn còn cảnh xả rác, cảnh bán hàng rong, hay một vài người ngắt cành, trộm hoa ở các bồn cây dọc tuyến đường đi bộ…Nếu không sớm có giải pháp ngăn ngừa, những hình ảnh trên sẽ làm giảm đi giá trị của không gian đi bộ sang trọng, độc đáo vừa hình thành.

Ngay khi hai tuyến đi bộ chính thức hoạt động, UBND TP. Huế đã có quy định tạm thời về việc hoạt động. Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế cho hay, quy định để vận hành và phát huy hiệu quả hai tuyến phố đi bộ cũng như hệ thống công viên quanh đó gồm Công viên 3 tháng 2, Công viên Phan Bội Châu, Công viên Tứ Tượng, Công viên Lý Tự Trọng. Việc này tạm thời giao Trung tâm Công viên cây xanh TP. Huế quản lý nhằm đảm bảo các tiêu chí về an ninh trật tự, văn hóa – văn nghệ, vệ sinh môi trường, cảnh quan kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, hoạt động kinh doanh, dịch vụ…

Phố đi bộ đâu chỉ đi bộ và chụp hình

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định:

Tạo không gian sôi động, có sức hút

Quan điểm của tỉnh phải phát triển các dịch vụ ở tuyến đường đi bộ cầu gỗ lim, Nguyễn Đình Chiểu và các khu vực lân cận; đồng thời tiếp tục chỉnh trang lại một số vị trí bởi hiện nay hạ tầng vẫn chưa ổn, chưa đồng bộ; ngoài ra, sẽ tháo dỡ các hàng rào ngăn cách các trung tâm nghệ thuật, bảo tàng với đường đi bộ để tạo sự kết nối liên hoàn.

Cùng với đó, xác định những điểm nhấn, vị trí chủ chốt nên làm cái gì, khi đó sẽ tiếp tục bổ trợ những hoạt động phù hợp. Theo tôi, cần phải tiến hành từng bước một, làm sao hướng tới khu vực này sôi động hơn, có sức hút và không dừng lại con đường đi bộ.

Riêng với những hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng diễn ra trong khu vực phố đi bộ cũng như các khuôn viên lân cận phải được sự cho phép của cơ quan chức năng, đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục, thể hiện sự văn minh, lịch sự… Trong đó, ưu tiên những loại hình hoạt động mang bản sắc văn hóa dân tộc, chú trọng việc quảng bá, giới thiệu các loại hình như: nhạc cụ dân tộc, giao hưởng đường phố, biểu diễn nghệ thuật đường phố, ảo thuật dân gian, giao lưu văn nghệ, biểu diễn võ thuật cổ truyền, thể dục thể thao…

Theo ý kiến của nhiều người, các dịch vụ bổ trợ cho không gian đi bộ cạnh sông Hương cần có sự chọn lọc, phải có những “món ngon”, xứng tầm với không gian sang trọng, thanh lịch này. Ở đó, ngoài không gian yên tĩnh, trong lành phù hợp cho đi bộ, cần có những sản phẩm văn hóa - dịch vụ để níu chân du khách.

Không gian ấy phải là không gian của lễ hội, thường xuyên có các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, có những gian hàng đồng bộ được bài trí đặc trưng để bày bán hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, đặc sản Huế như cách vừa tạo điều kiện kinh doanh vừa quảng bá đến với du khách.

Ngoài ra, đã đến lúc tuyến phố bảo tàng Lê Lợi khởi động việc mở cửa về đêm cũng như tháo dỡ hàng rào ngăn cách ở phía sau – nơi tiếp giáp với không gian đi bộ. Như thế sẽ làm cho cả hai không gian bảo tàng – đường đi bộ có sự kết nối, tạo ra điểm nhấn về đêm ấn tượng.

“Phố đi không chỉ để người ta đến đi bộ, chụp một vài bức ảnh rồi về. Cũng đừng để phố đi bộ trở thành nơi buôn bán xô bồ. Phố đi bộ phải là một không gian công cộng đặc biệt, là nơi dành cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần bảo tồn di sản văn hóa, cùng với đó là phát triển du lịch, thương mại” – đại diện một đơn vị du lịch trên địa bàn TP. Huế chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế cho rằng, để tạo nên không gian đặc trưng của tuyến đường đi bộ và không gian lân cận cần có phương pháp quản lý, khai thác tuyến đường một cách hiệu quả. Cùng với yếu tố con người, việc giám sát tuyến đường sẽ thông qua hệ thống camera để có thể ngăn chặn những hình ảnh không hay giữa không gian đi bộ.

Theo ông Thành, hiện tại thành phố đang lên kế hoạch cụ thể và sẽ tận dụng tối đa để khai thác không gian đi bộ ngoài trời. Ở đó, bên cạnh là sân khấu của những lễ hội lớn còn là không gian để tổ chức các hoạt động ẩm thực, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang… vào các ngày thứ bảy, chủ nhật.

“Giai đoạn này chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn chỉnh một số vấn đề và song song với đó sẽ triển khai các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, vui chơi giải trí ở không gian đường đi bộ”, ông Thành nói.

Ngoài ra, sẽ có 6 ki ốt đồng bộ được dựng lên ở tuyến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Không gian này sẽ là nơi để một số doanh nghiệp kinh doanh, khai thác các mặt hàng truyền thống như đặc sản Huế, hàng thủ công mỹ nghệ…

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi động mùa du lịch “Huế - Chào hè 2024”

Tối 19/4, tại phố đi bộ đường Hai Bà Trưng (TP. Huế), Sở Du lịch tổ chức sự kiện “Huế - Chào hè 2024”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Huế 2024, nhằm tạo không khí tươi vui, phấn khởi, chào đón một mùa du lịch hè hấp dẫn, đồng thời tạo hiệu ứng truyền thông thu hút khách du lịch đến tham quan tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến dự chương trình có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Khởi động mùa du lịch “Huế - Chào hè 2024”
Xúc tiến, quảng bá du lịch Huế tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

Tại ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20 năm 2024 với chủ đề “20 năm hành trình sống động” gắn với thông điệp chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” (từ ngày 4-7/4), Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã tham gia với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Xúc tiến, quảng bá du lịch Huế tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh
Phát triển du lịch tâm linh ở Huế

Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh, thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Ngành du lịch địa phương đang nỗ lực gắn kết với các ngành để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tâm linh, khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Phát triển du lịch tâm linh ở Huế
Return to top