|
Lễ hội Điện Huệ Nam sẽ được tổ chức vào ngày 10 – 11/4 (tức là ngày 2 – 3/3 âm lịch) |
Lễ hội Điện Huệ Nam
Ngay trong tháng 4/2024, một lễ hội lớn sắp diễn ra thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người dân và du khách, đó là lễ hội Điện Huệ Nam, được tổ chức vào ngày 10 – 11/4 (tức là ngày 2 – 3/3 âm lịch).
Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ. Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Đồng thời, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam. Lễ hội dự kiến có khoảng 30 bằng, án và 3.000 – 5.000 người tham dự. Ngày 10/4, đoàn rước bộ và đoàn thuyền sau khi tập trung tại Nghinh Lương Đình sẽ thực hiện lễ Cáo Yết, cầu an. Sau lễ, các đoàn Đạo ngự lên thuyền và di chuyển lên điện Huệ Nam. Chiều cùng ngày sẽ diễn ra các lễ chính như cung nghinh Thánh mẫu và Hội đồng vào Chánh điện Huệ Nam, sau đó ban tổ chức đánh trống khai hội và tiến hành lễ Cáo Yết.
Lễ hội điện Huệ Nam được biết đến là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được cử hành vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm. Mỗi lần tổ chức, lễ hội luôn thu hút đông đảo tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu với hàng vạn lượt người đến tham dự. Đây cũng được xem là một Festival văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô. Ban tổ chức lễ hội cho biết, thông qua lễ hội nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản gắn với di tích; đồng thời, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận, thu hút khách du lịch đến với Huế.
Công tác tổ chức lễ hội năm nay được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương. Lễ hội hướng đến tổ chức với quy mô, nội dung phù hợp, đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả; các hoạt động nghi thức được tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa. Theo đại diện ban tổ chức, việc tổ chức lễ hội gắn liền với việc thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Đa dạng hoạt động du lịch tâm linh
Cùng với lễ hội Điện Huệ Nam sắp diễn ra, Huế còn có nhiều hoạt động du lịch tâm linh thu hút khách hành hương, chiêm bái, trải nghiệm. Từ lâu, Cố đô Huế được mệnh danh là vùng đất thiền môn với hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, trong đó nhiều ngôi chùa mang trong mình câu chuyện lịch sử đầy giá trị của đất kinh kỳ xưa. Huế có hơn 100 ngôi chùa cổ cùng hàng chục tổ đình với các nghi lễ Phật giáo và hoạt động Phật sự tôn nghiêm. Nhiều công trình kiến trúc có quy mô phục vụ cho loại hình du lịch tôn giáo, tín ngưỡng đã được xây mới như: Khu văn hóa Ðền Huyền Trân, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Khu văn hóa du lịch tâm linh Quán Thế Âm… Không chỉ có hệ thống chùa chiền dày đặc, văn hóa Phật giáo tại Huế còn được biết đến bởi các lễ nghi được bảo lưu khá nguyên vẹn, với không ít lễ hội mang màu sắc tâm linh riêng có tại Huế.
|
Đoàn thuyền rước Thánh Mẫu trong lễ hội Điện Huệ Nam |
Nhắc đến Phật giáo và tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế cũng cần nhắc đến Thiên Chúa giáo. Ngược dòng lịch sử, Thiên Chúa giáo có lịch sử du nhập và phát triển ở Ðàng Trong khá sớm. Hiện tại, ở trung tâm thành phố Huế có hai ngôi giáo đường lớn với lịch sử lâu đời là nhà thờ Phủ Cam và nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp cùng hàng chục giáo đường, tu viện, đan viện và chủng viện khác.
Theo các nhà nghiên cứu, trên nền tảng của những lễ hội truyền thống mang đặc trưng đời sống tính ngưỡng của Huế, nếu có sự đầu tư kết hợp logic, những lễ hội này, có thể trở thành điểm nhấn để hình thành một tuyến du lịch tâm linh khác lạ với nội dung truyền tải toàn bộ đời sống tinh thần của người Huế.
Còn với các du khách, việc xâu chuỗi, phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh và giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến du khách sẽ tạo ra những trải nghiệm mới cho khách đến Huế. Anh Ngô Thái Bảo Châu, du khách từ Vũng Tàu chia sẻ: “Du khách không phải người địa phương, nên không thể biết hết thông tin về Huế. Du lịch tâm linh của Huế rất hay, càng tìm hiểu càng thấy hay, và tôi tin nếu có những sản phẩm hấp dẫn thì sẽ rất hút khách. Nhưng quan trọng phải có cách quảng bá bài bản chuyên nghiệp, sâu rộng thì khách mới tìm đến trải nghiệm”.
Khai thác tiềm năng
Theo nhiều chuyên gia về du lịch, du lịch tâm linh là thế mạnh của Cố đô Huế, song nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế vẫn loay hoay trong việc khai thác để làm sao “lấy tiền” du khách một cách nhân văn và sang trọng.
|
Hệ thống chùa chiền ở Huế và nét nổi bật trong văn hóa Phật giáo giúp Huế có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch tâm linh |
Thực tế, thời gian qua, tỉnh nhà đã chú ý đến du lịch tâm linh. Trong đó phải kể đến Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (huyện Phú Lộc), Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (TP. Huế), Khu du lịch tâm linh Tượng đài Quán Thế Âm (TX. Hương Thủy)... đang dần thu hút du khách. Thế nhưng, với vị trí là một trong những trung tâm tôn giáo của cả nước, du lịch tôn giáo ở Huế vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Khai thác tài nguyên, lợi thế du lịch tâm linh là việc cần làm. Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, hiện nay, cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp đã nghiên cứu, xây dựng, hình thành một số sản phẩm liên quan tâm linh, lồng ghép với một số tour truyền thống trước đây đã có để làm mới, nâng cấp, tổ chức một số tour chuyên về du lịch tâm linh, thăm chùa chiền, tìm hiểu về đạo Phật và trải nghiệm một số hoạt động trong các chùa (tu tập, thiền,..), tham gia các hoạt động trong Tuần lễ Phật đản hàng năm, gia tăng sản phẩm du lịch giúp cho du khách khi đến với Huế không chỉ trải nghiệm di sản văn hóa trải nghiệm với cộng đồng, mà còn tìm hiểu trải nghiệm thêm về du lịch tâm linh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phát huy hết tiềm năng, lợi thế từ loại hình du lịch này. Ban Tổ chức Festival Huế cùng các ban, ngành liên quan đang nỗ lực khai thác các hoạt động du lịch tâm linh để phát triển du lịch, đưa lễ Phật đản trở thành một lễ hội văn hóa tôn giáo lớn trong chuỗi lễ hội Festival bốn mùa của tỉnh.
Theo các nhà nghiên cứu, trên nền tảng của những lễ hội truyền thống mang đặc trưng đời sống tín ngưỡng của Huế, nếu có sự đầu tư kết hợp phù hợp, những lễ hội này có thể trở thành điểm nhấn để hình thành một tuyến du lịch tâm linh hấp dẫn với nội dung truyền tải toàn bộ đời sống tinh thần của người Huế. Hơn nữa, dấu ấn Phật giáo với tầm ảnh hưởng lớn, sức lan tỏa sâu rộng, đậm nét và phổ biến với việc duy trì thường xuyên các nghi lễ cúng trong ngày sóc, ngày vọng; trong đó, đáng đề cập đến là lễ cúng rằm tháng 7 - ngày lễ Vu lan cũng liên quan đến đời sống tâm linh của cư dân vùng Huế. Từ những lễ hội và hoạt động tín ngưỡng đa dạng trong loại hình, nếu xâu chuỗi chúng theo trục xuyên suốt "Vu lan - Mẫu - Thu tế" sẽ trở thành mô hình du lịch tâm linh ấn tượng với những tour tuyến cụ thể.
Sắp tới, Sở Du lịch, cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, các ban, ngành, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và đa dạng các sản phẩm du lịch tâm linh, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá để phát triển bền vững hơn mảng du lịch tâm linh ở Huế.