ClockThứ Bảy, 03/08/2019 06:15

Khởi nghiệp từ trường học: Chuyện từ sản phẩm 3D mô phỏng cơ thể người

TTH - Từ một nhóm nhỏ nghiên cứu thuần túy về công nghệ 3D mô phỏng cơ thể người, Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã hỗ trợ nhóm thành lập được Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hoá, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và trở thành mô hình khởi nghiệp độc đáo.

Dạy học sinh khởi nghiệp trong trường họcTạo cơ hội cho các dự án khởi nghiệpKhởi nghiệp từ những “đại sứ”… sinh viênTạo cơ hội cho các ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng

Tìm hiểu sản phẩm mô phỏng 3D qua điện thoại thông minh

Tham gia “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” tại Đà Nẵng, các thành viên được Trung tâm Khởi nghiệp đại học Duy Tân giới thiệu và kết nối tham quan Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hóa, trải nghiệm thực tế ảo các mô hình 3D. Tuy chỉ là một trong rất nhiều trung tâm nghiên cứu của Trường đại học Duy Tân, nhưng Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hóa lại là điển hình từ một mô hình khởi nghiệp được nuôi dưỡng từ môi trường đại học.

Trong các công nghệ tiên tiến được trung tâm dùng để mô phỏng mô hình 3D, sản phẩm AnatomyNow của Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hóa là ứng dụng công nghệ điển hình mô phỏng thực tế ảo 3D, xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe và đã được thương mại hóa. Sản phẩm đạt giải xuất sắc cuộc thi Tri thức Trẻ vì Giáo dục (2016), giải nhất nhân tài đất Việt (2017), danh hiệu Sao Khuê dành cho sản phẩm xuất sắc tiêu biểu ngành công nghệ thông tin (2018) và được chọn in trong sách Vàng sáng tạo Việt Nam 2018, lọt vào vòng chung kết ASEAN ICT Awards 2018, và đạt giải nhì tại cuộc thi PITCH 2018 thuộc RISE 2018 – Hội nghị công nghệ thượng đỉnh lớn nhất châu Á.

Sản phẩm thương mại này có nguồn gốc xuất phát từ nhu cầu tự thân rất thực tế của sinh viên nhà trường là thiếu mẫu tử thi để học môn giải phẫu. Những mẫu có được lại được ngâm formol khô đét và co quắp, các chi tiết bị biến dạng do mổ thực hành quá nhiều, khó quan sát… Do đó, một nhóm tác giả gồm 7 thành viên của Trường đại học Duy Tân đã thực hiện công trình nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tế ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe”. Với ứng dụng này, sinh viên có thể học trên máy tính, smart phone hay tương tác trực tiếp dưới hình thức 3D tại phòng studio có trang bị hệ thống chiếu 3D. Phần mềm hoàn toàn có thể hỗ trợ người sử dụng quan sát hình ảnh các hệ cơ quan một cách riêng lẻ hay tích hợp ở các góc độ khác nhau.

Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tế ảo 3D của Trường đại học Duy Tân giá trị ở chỗ đã mô phỏng được một cơ thể người hoàn chỉnh bằng công nghệ 3D, với gần 4.000 chi tiết. Các chi tiết giải phẫu mô phỏng hoàn toàn theo đặc điểm nhận dạng và đặc điểm giải phẫu của người Việt với đầy đủ các hệ, gồm: xương, cơ, mạch máu, tim, thần kinh... Nhóm không tham vọng hướng đến tạo ra một mô hình giống hoàn toàn con người, mà chỉ là tạo ra một công cụ nhằm hỗ trợ giảng viên, người nghiên cứu, sinh viên trong ngành tìm hiểu về giải phẫu không phải học “chay” và tiết kiệm được chi phí. Từ một nghiên cứu ban đầu về mô hình mô phỏng cơ thể người, dần dần nhóm nhận được nhiều sự đầu tư của nhà trường, hình thành nên Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hóa.

Theo ông Trương Tiến Vũ, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đại học Duy Tân, sở dĩ Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hóa “sống được” trong môi trường đại học là vì đã luôn được nhà trường hỗ trợ phát triển bằng các nguồn lực, từ nhân lực, vật lực đến môi trường hoạt động. Trên nền tảng đó, nhóm tác giả đã không ngừng vượt khó, không dừng lại bằng lòng với kết quả nghiên cứu đạt được, mà tạo nên những ứng dụng hữu ích, có tính thực tế cao trên nền tảng 4.0.

“Bản thân quá trình trưởng thành và phát triển của Trường đại học Duy Tân cũng là một câu chuyện khởi nghiệp thành công của Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ và những người cộng sự. Ý thức được tầm quan trọng của các hoạt động khởi nghiệp trong trường đại học, từ lâu chúng tôi đã đưa các nội dung hướng nghiệp và khởi nghiệp vào trong chương trình đào tạo chính thức của tất cả các chuyên ngành đào tạo của nhà trường. Chúng tôi hy vọng sẽ đẩy mạnh được sâu rộng tinh thần khởi nghiệp trong toàn trường, ngày càng có nhiều sân chơi khởi nghiệp được mở ra để các bạn sinh viên có thể hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp”, ông Trương Tiến Vũ nói thêm.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top