Giới thiệu mật ong rừng cho khách hàng
Mô hình hay
Đinh Long Bình, đại diện nhóm chiến binh nông sản Trường ĐH Nông lâm cho biết, ý tưởng “Xây dựng mạng lưới cung ứng và bán hàng nông sản đặc trưng vùng, miền dựa vào sinh viên” bắt nguồn từ nhận thức về thực trạng nông sản mang tính vùng miền đang dần mai một trên thị trường và bị đồng bộ hóa với các sản phẩm khác. Vấn đề được mùa mất giá, thương lái ép giá, thực phẩm bẩn trở nên phổ biến, trong khi niềm tin của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn đang dần suy giảm. Theo Long Bình, khoảng cách giữa các sản phẩm đặc trưng vùng, miền và khả năng tiếp cận của người tiêu dùng ngày một gia tăng, động lực sản xuất của người dân đang giảm, vì thế có thể hình thành mô hình khởi nghiệp mới, giải quyết được những vấn đề trên.
Sau khi trao đổi kinh nghiệm với giảng viên, nhóm bắt tay nghiên cứu, đem ý tưởng dự thi các cuộc thi khởi nghiệp cấp khoa và trường. Những hạn chế được khắc phục dần và ngay sau vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khoa học và khởi nghiệp nông nghiệp sinh viên Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế năm 2018, nhóm tự tin mở ra cửa hàng khởi nghiệp (cuối năm 2018).
So với các dự án khởi nghiệp khác, mô hình của nhóm sinh viên này có nhiều điểm mới. Với thông điệp “Mỗi lần về quê là 1 sản phẩm, mỗi sinh viên là 1 đại sứ”, nhóm xây dựng được mạng lưới cựu sinh viên và sinh viên Trường ĐH Nông lâm trở thành những người cung ứng sản phẩm đặc trưng vùng miền. Nhờ đến từ nhiều địa phương và dân tộc khác nhau, họ nắm rõ được thông tin, nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm quê nhà và có thể giới thiệu những sản phẩm tốt. Thông qua mỗi chuyến về quê hoặc mối quen biết với các nhà vận chuyển, chi phí vận chuyển hàng giảm xuống.
Điểm hay của mô hình khởi nghiệp này là tạo việc làm cho tất cả người tham gia. Ngoài thành viên chính của nhóm, sinh viên với vai trò là cộng tác viên thông qua việc mua bán, giới thiệu sản phẩm sẽ được chiết khấu hoa hồng. Họ không bị ràng buộc thời gian mà chủ động, tranh thủ lúc rảnh hoặc khi về quê. Để tạo uy tín nguồn hàng thì người bán và kể cả sinh viên bán hàng trung gian cũng phải lập bản cam kết.
Ngoài cửa hàng ở gần trường, nhóm còn bán online. Thời gian mở chưa lâu, song lượng khách hàng đã dần ổn định và biết đến cửa hàng. Một thành viên nhóm cho biết, đặc trưng là sinh viên nông lâm nên người tiêu dùng khá yên tâm khi lựa chọn. Vừa qua, rất nhiều người đến đây để mua các đặc sản lạ làm quà tết biếu người thân. Có những món quà dân dã, không quá đắt nhưng người tiêu dùng rất thích.
PGS.TS. Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế chia sẻ, điểm đáng khen của nhóm sinh viên là mạnh dạn, dám dấn thân trải nghiệm khởi nghiệp và bước đầu cho kết quả tốt. Ý tưởng khởi nghiệp hay ở chỗ, đã kết nối được mạng lưới cựu sinh viên mọi miền, mỗi vùng 1 đặc sản. Sự khác biệt là họ không thu mua ở nguồn cung cấp sản xuất đại trà mà chọn nguồn cung đặc trưng mang tính chân chất nhưng an toàn.
Đón đầu xu thế
Hiện tại, cửa hàng khởi nghiệp của nhóm sinh viên có khoảng 30 mặt hàng đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, kể các các vùng xa, trong đó, có những sản phẩm ít bắt gặp tại thị trường Huế như: miến dong (Cao Bằng), hồng đảng sâm hay măng khô rừng (Kon Tum)…
Đinh Long Bình cho biết, chiến lược của nhóm là đón đầu xu thế mỗi địa phương một sản phẩm. Cả nước đang có phong trào xây dựng sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, như mỗi làng, xã một sản phẩm, việc tạo ra một đầu mối cung ứng sản phẩm vừa thỏa mãn nhu cầu lựa chọn những sản phẩm độc lạ của người tiêu dùng nhưng cũng hỗ trợ người nông dân trong việc tiêu thụ, đồng thời quảng bá sản phẩm của các địa phương.
Sau khi mô hình khởi nghiệp tại Huế thành công, nhóm dự định mở rộng chuỗi cửa hàng trên nhiều tỉnh thành, đồng thời kết nối khâu bán hàng, tăng lượng sản phẩm khoảng 50 – 70 loại, qua đó giới thiệu sự phong phú, đặc biệt của các loại nông sản, hàng hóa Việt Nam, nhất là các sản phẩm đặc sản của các dân tộc, vùng miền.
Bài, ảnh: Hữu Phúc