ClockThứ Hai, 27/05/2019 13:15

Tạo cơ hội cho các dự án khởi nghiệp

TTH - Nhờ tạo môi trường thuận lợi và đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, đào tạo, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên (SV) Đại học (ĐH) Huế đã gặp được nhà đầu tư.

Nhóm sinh viên Đại học Huế đạt quán quân cuộc thi Business Ideas 2019TS. Trần Hữu Đức chia sẻ với sinh viên “mật mã thành công cho cá nhân”

Sinh viên trao đổi, nghiên cứu các ý tưởng khởi nghiệp

Tín hiệu vui

Giữa tháng 5/2019, cuộc thi về khởi nghiệp với tên gọi “Business Innovation Hackathon” kết thúc. Đáng mừng là nhiều ý tưởng, dự án được đại diện các doanh nghiệp đầu tư; trong đó, ngoài giải thưởng, dự án đạt giải nhất còn được nhận gói huấn luyện trị giá 6.000 USD do Tập đoàn FINO hỗ trợ và được Giám đốc Công ty TNHH Đá Granit Đức Cường cam kết đầu tư 200 triệu đồng (tương ứng 20% cổ phần dự án). Riêng dự án cơm niêu Phước Tích được đại diện Tập đoàn Bảo Khánh cam kết đầu tư 500 triệu đồng. Tập đoàn Bảo Khánh còn đồng ý đầu tư 300 triệu đồng cho dự án Home Art (đạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2018” do ĐH Huế tổ chức).

Ông Hoàng Ngọc Gia, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Khánh chia sẻ, điều dễ thấy là các dự án khởi nghiệp năm nay rất sáng tạo, độc đáo và có tính ứng dụng thực tiễn cao. “Các nhóm SV chuẩn bị dự án tốt, kiến thức và kỹ năng khi các em trả lời câu hỏi của ban giám khảo rất thuyết phục và tôi nghĩ, các dự án có thể thành công nên quyết định đầu tư. Với dự án cơm niêu Phước Tích, ngoài hỗ trợ vốn, chúng tôi có thể cùng tham gia, hỗ trợ kinh nghiệm cho các em”, ông Gia khẳng định.

Sinh viên ĐH Huế trao đổi mô hình dự án khởi nghiệp tại cuộc thi “Business Innovation Hackathon”

TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế đánh giá, bước sang mùa thứ hai, không chỉ số lượng nhóm SV và ý tưởng tham gia cuộc thi tăng (19 ý tưởng, hơn 4 ý tưởng so với năm 2018) mà chất lượng các nhóm dự án cũng rất tốt, trải đều trên nhiều lĩnh vực từ nông lâm, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin... Thành viên mỗi nhóm không còn đơn độc từ một đơn vị mà mỗi nhóm có tối thiểu từ 3 cơ sở đào tạo trở lên cùng thực hiện. Điều này chứng minh khả năng gắn kết, làm việc nhóm và rèn luyện cho SV thích nghi trong môi trường mà nhân sự có thể là những người chưa từng quen biết. “Trước cuộc thi, trung tâm đã có những đợt huấn luyện cách xây dựng mô hình kinh doanh, kỹ năng thuyết trình, các khóa đào tạo liên quan, đó là một trong những lý do góp phần tạo thành công trong phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của SV và các trường ĐH”, TS. Hoàng Kim Toản nhấn mạnh.

“Nhận được sự cam kết đầu tư giúp chúng em có thêm nhiều động lực để đưa dự án đi vào thực tiễn. Kinh phí đầu tư dự kiến sẽ được sử dụng một phần để marketing cho dự án, đồng thời mua nguyên liệu, niêu và thông qua dự án chúng em muốn hướng đến cộng đồng, giúp người dân tại Phước Tích giữ và phát triển nghề truyền thống”, Nguyễn Lương Quỳnh Châu, đại diện nhóm dự án cơm niêu Phước Tích chia sẻ.

Tiếp tục ươm tạo và phát triển

TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế thông tin, ngoài những ý tưởng đã kêu gọi được nhà đầu tư, ĐH Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ để các ý tưởng khác hoàn thiện, tìm kiếm các cơ hội tương tự. Từ cuộc thi “Business Innovation Hackathon”, Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ĐH Huế chọn ra 7 dự án để ươm tạo, đồng thời thúc đẩy để các dự án tiếp tục tham gia những cuộc thi tiếp theo nhằm tìm kiếm cơ hội gặp được nhà đầu tư.

ĐH Huế đang huy động quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, dự kiến sẽ thành lập quỹ trong năm 2019. ĐH Huế sẽ liên kết với 20 doanh nghiệp, cá nhân, quỹ đầu tư để sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp khả thi. Mục tiêu là có 100% SV các trường, khoa, phân hiệu trực thuộc có đề xuất các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, trong đó có ít nhất 2 ý tưởng, dự án được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư. Bên cạnh đó, 100% các đơn vị huy động được các nguồn lực từ cựu SV và ngoài xã hội để thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các đơn vị và ĐH Huế.

Theo đại diện ĐH Huế, lợi thế hiện nay tại các cơ sở đào tạo là có đội ngũ cán bộ, SV tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Thông qua các đề tài khoa học công nghệ, có thể hình thành các dự án khởi nghiệp. Giải pháp này không chỉ giải quyết đầu ra cho các đề tài mà còn có ý nghĩa định hướng sáng tạo phải gắn với thực tiễn. “Khi phê duyệt đề tài, ĐH Huế sẽ chú ý đến vấn đề này để mang lại lợi ích nhiều bên, đồng thời thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển”, TS. Trương Quý Tùng khẳng định.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

Dự báo đến năm 2025, nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn tỉnh phát triển thêm khoảng 1.016.205m2 sàn với nhu cầu vốn khoảng 12.861 tỷ đồng và đến năm 2030 phát triển thêm khoảng 951.562m2 sàn với nhu cầu vốn khoảng 12.224 tỷ đồng.

Dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội
Ươm mầm khởi nghiệp

Cùng với chương trình đào tạo kiến thức chuyên ngành, sinh viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế (ĐHH) còn được hỗ trợ thực hành, thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp.

Ươm mầm khởi nghiệp

TIN MỚI

Return to top