ClockChủ Nhật, 10/12/2017 07:22

Không bao giờ muộn

TTH - Anh ngồi thừ người, dòng suy nghĩ đổ về phía cái ví đựng tiền đang nằm sau túi quần. Anh đang kìm chế để không lôi nó ra, rút những tấm thẻ được ép plastic ra ngắm thêm lần nữa. Từ khi có chúng đến giờ, anh không nhớ mình đã nhìn đi nhìn lại bao nhiêu lần, chỉ biết rằng nhìn mãi vẫn không chán, vẫn không tin mình đã có những tấm thẻ này.

Một giấy chứng minh nhân dân, một thẻ bảo hiểm và giấy phép lái xe. Đó là thành quả sau một năm phấn đấu. Nó không quá khó với mọi người, nhưng là kỳ tích với anh. Năm nay anh 35 tuổi, được sinh ra trong một đại gia đình gia giáo. Anh từng là niềm tự hào của cả nhà, là cháu đích tôn, đẹp trai và có nhiều tài bẩm sinh. Cuộc sống không suôn sẻ, sau ngày ba mẹ ly hôn, anh hết di chuyển từ Bắc vào Nam sống với ba, rồi lại từ Nam ra Bắc sống với mẹ, có lúc trở về quê sống với ông bà, có lúc mọi người giành giật để nuôi anh… Rồi sau đó, có lúc mẹ đẩy anh cho ba và ngược lại.

Cứ thế, anh có nhiều lý do để trách cứ cuộc đời. Bỏ học, lang thang, tập làm anh chị… và cuối cùng là kết bạn với “nàng tiên nâu”. Cả nhà nhiều lần ra sức giúp anh cai nghiện nhưng đều thất bại. Ông bà nội đã phải mang theo nỗi buồn đau về đứa cháu họ yêu thương hết mực xuống suối vàng. Ba mẹ và đa số người thân, chẳng ai muốn anh đến nhà họ vì sợ ảnh hưởng đến những đứa con khác…

Họ không sai, anh biết! Bởi đã là con nghiện thì không còn là con người. Những lúc bình thường, anh cũng không tin đó là mình. Trộm cắp, lừa đảo, trấn lột… anh đã vục xuống đáy bùn để có tiền mua thuốc. Anh trở thành nỗi kinh hoàng với mọi người. Năm lần mười lượt, sau những ngày vật vã cai nghiện, trong trại giáo dưỡng dù có quyết tâm đến đâu thì ra trại chỉ vài ngày “mối” lại tìm mọi cách để những tép thuốc đến tay anh.

Lần này anh trở về sau 2 năm ở trại. Hai năm qua không một ai ghé thăm anh ngoài người cô ruột góa chồng với dáng vẻ kiệt sức. Và rồi, cũng chỉ mình người cô đơn độc ấy đón anh trong căn nhà nhỏ bên mép đường. Cô chỉ nói: “Chỉ còn cái quán nhỏ, phải cùng cô buôn bán để sống. Không còn thêm bất cứ cơ hội nào nữa!”. Thế nhưng, những ngày đầu trong giấc ngủ chập chờn, anh nghe tiếng chân cô rón rén. Anh biết cô vẫn âm thầm theo dõi từng cử chỉ, hành động của anh. Cô bắt đầu to to nhỏ nhỏ trong điện thoại anh nghe câu được câu mất “Thằng bé ngoan lắm, nó đụng tay đụng chân vào việc gì là ra việc đó. Mong ông bà phù hộ!”.

Chưa bao giờ anh thấy thèm làm việc đến thế. Nhổ cỏ, tỉa cây, sơn tường cho bất cứ căn nhà của bác, cô, chú nào mà anh đến. Và rồi, từ bao giờ đôi mắt anh vô cảm khi cái lũ “mối” kia đến đưa ra trước mặt anh những tép thuốc quen thuộc từng là “nàng tiên quyến rũ” với những “thằng người” như anh. Cô hỏi anh: “Giờ con tính sao, buôn bán hoặc lái xe? Có nghề cái đã rồi sẽ có cơ hội tìm lại ước mơ”. “Cho con học lái? Thời gian còn lại con phụ cô buôn bán”. “Ừ, vậy hỏi thủ tục làm lại chứng minh nghe con” – “Dạ”…

Thời gian trôi qua cũng nhanh thật. Mới đó mà đã một năm. Ngoài những tấm thẻ anh đã có, còn nhiều cuộc điện thoại gọi anh “Hoàng ơi, lên nhà giúp chú chỉnh lại vườn cây. Hoàng ơi, về nhà chuẩn bị giỗ ông bà giúp bác. Hoàng ơi, gắng học chăm chỉ sau này cô xin lái phụ chỗ người quen…”. Một năm anh như từ thái cực này đến với thái cực khác. Tất cả chỉ ở ý chí mà bắt đầu từ tình thương, sự bao dung của một người cô yếu đuối. Chân lý anh sẽ mãi khắc ghi đó là “Làm lại cuộc đời không bao giờ là muộn”!

ĐĂNG VIỆT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoa đỗ quyên nở muộn

Những bông hoa đỗ quyên cuối cùng trên đỉnh Bạch Mã nở muộn giữa tiết trời xuân chuyển sang hạ như chiều lòng người lữ khách, đợi chờ họ đến để tận hưởng hương sắc của loài hoa rừng đặc trưng giữa đất trời non thiêng.

Hoa đỗ quyên nở muộn
Thích nghi với hoàn cảnh

Sau nhiều năm gặp được bạn là điều không dễ, thì hơn năm nay, Tùng Anh ghé chơi nhà tôi thường xuyên hơn.

Thích nghi với hoàn cảnh
Động lực từ mẹ chồng

Bà có một người con trai, năm nay chưa đến 40 tuổi, con dâu bà kém chồng 2 tuổi; kết hôn đến nay tròn 8 năm và sinh hai cháu trai kháu khỉnh.

Động lực từ mẹ chồng
Niềm vui mới

Tôi gọi điện hỏi thăm “Mấy bữa nay không đi uống cà phê có buồn không chị?”. Ai dè chị trả lời cùng niềm vui thấy rõ qua giọng nói: “Buồn chi được, làm không hết việc. Hết dịch “ta” đem rau qua cho mà ăn!”.

Niềm vui mới
Cô giáo “mẹ”

Ngày cô giúp việc xin thôi việc, tôi hoang mang. Nào đi chợ, nấu nướng; nào rửa bát, chùi nhà... Chừng đó công việc với một người còn phải đi làm việc Nhà nước khiến tôi có cảm giác hàng ngày phải chịu trách nhiệm với hàng núi công việc vậy. Thế rồi, chỉ vài ngày sau khi bắt tay vào công việc, tôi lại nhận ra nhiều điều thú vị hơn là mệt mỏi.

Cô giáo “mẹ”
Return to top