ClockThứ Hai, 01/05/2017 12:39

Ký ức những ngày vui

TTH - “Cháu nội cháu ngoại chi mạ cũng thương như nhau, nhưng mạ có thương cháu ngoại nhiều hơn chút vì mạ lớn lên cũng nhờ mệ ngoại nuôi”.

Đó là câu mạ tôi hay nói khi thơm vào má đứa cháu ngoại mà bây giờ đã học đại học. Trẻ con lúc nhỏ bà muốn thơm cháu bao nhiêu cũng được nhưng khi lớn thì chúng thường lảng đi, vì xấu hổ… Hai đứa con tôi không dám tránh bà ngoại nhưng chúng thường vùng vằng khi bà luôn cưng nựng chúng như trẻ lên ba trước mặt mọi người.

Trong cách yêu chiều mà mạ tôi dành cho hai đứa cháu ngoại có một phần tuổi thơ của bà trong đó. Năm 3 tuổi, mạ tôi mồ côi mẹ, lúc đó ông ngoại tôi thoát ly đi kháng chiến nên mạ tôi được bà ngoại nuôi dưỡng.

Sau ngày đất nước thống nhất một tháng, qua tin tức của bà con, từ Hà Nội, ông ngoại tôi đi tàu ba ngày hai đêm về Huế thăm con gái và bầy cháu ngoại. Đó là lần đầu tiên mạ tôi gặp lại cha mình sau hơn 40 năm xa cách. Cuộc trùng phùng mừng mừng tủi tủi, mạ tôi lúc ấy đã 45 tuổi, mẹ của đàn con 7 đứa, ôm cha khóc mếu máo. Bảy anh em tôi vây quanh ôm ông ngoại trong lần đầu tiên gặp mặt. Ông đem nhiều bánh kẹo của Hà Nội vào cho đàn cháu, ký ức những ngày đầu đất nước thống nhất trong lòng anh em tôi đầy vị thơm ngọt của ông ngoại đi làm cách mạng là như thế.

Tháng 9 năm 1976, ông ngoại tôi mất. Trong câu chuyện kể với mạ tôi, bà ngoại kế cứ nhắc đi nhắc lại “Ông ấy bệnh lâu rồi nhưng ông bảo cố chờ ngày đất nước thống nhất để vào Huế thăm con gái rồi ông mới “đi”. Tưởng ông nói chơi ai ngờ thiệt”. Ngày đất nước thống nhất đã trở thành một mốc thời gian đặc biệt trong ký ức của hàng triệu gia đình Nam - Bắc, trong đó có gia đình tôi.

Ký ức về những ngày đầu thống nhất đất nước trong tôi không nhiều lắm vì lúc đó tôi mới 7 tuổi, thế nhưng mạ tôi luôn kể là tôi cũng đi bộ “ra trò” từ Đà Nẵng về Huế cùng gia đình. Dọc đường được các chú bộ đội giúp cho gạo nấu ăn trên đỉnh đèo Hải Vân. Về đến nhà mạ tôi mừng chảy nước mắt vì nhà cửa không bị hư hại gì cả. Mạ tôi lo đi thắp nhang cảm tạ trời đất cho gia đình bình an.

Hai anh kế tôi vào Đội thiếu niên, sân nhà tôi trở thành nơi tập hát của cả đội. Anh cả tôi ôm đàn tập cho cả bọn bài “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó là lần đầu tiên tôi nghe bài hát này, lúc ấy chưa hiểu hết ý nghĩa, chỉ hát theo mấy anh nhưng giai điệu vừa mạnh mẽ vừa tha thiết yêu thương của bài hát đã gieo vào lòng tôi một xúc cảm đẹp về âm nhạc.

Thế cho nên khi bài hát “Nối vòng tay lớn” trong chương trình nhạc Trịnh diễn ra tại Trường ĐH Y dược Huế tối 21/4 mới đây vừa cất lên cùng tiếng vỗ tay hòa nhịp của khán giả, như gặp lại một nguồn cảm xúc xa xưa, tôi lắng nghe, nâng niu từng ca từ, từng nét nhạc và để ký ức trôi về quãng thời gian chúng tôi được gặp ông ngoại “Mặt đất bao la anh em ta về, gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng, bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”.

Cuộc sống bây giờ có nhiều đổi thay nhưng điều tốt đẹp sẽ luôn được nhớ mãi. Sau chuyến vào Huế thăm con gái, trở về Hà Nội, ông ngoại tôi đau nặng. Thời ấy tàu xe vô cùng khó khăn “Mạ kể chuyện và may mắn được cô công an tên Trang ở gần nhà mình xin cho mạ đi nhờ xe của đơn vị ra thăm ông ngoại. Cô ấy thiệt là người tốt”- cho đến giờ khi kể chuyện ông ngoại, mạ tôi luôn nhắc về cô công an tên Trang với một câu gần như không thay đổi từ nào như thế.

Ông ngoại tôi một đời tham gia cách mạng, đến lúc mất ông cũng chỉ là một cán bộ nghiên cứu ở Bộ Tài chính. Mạ tôi không bao giờ thắc mắc sao người hai lần ở tù Côn Đảo như ông, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930 ở vùng Phong Điền như ông lại không giữ một chức vụ gì, bà chỉ luôn nói “Ông còn sống để cha con gặp nhau với mạ là quý hơn tất cả”. Thế nên, tôi hiểu, ký ức về ngày đất nước thống nhất trong lòng mạ tôi là buổi gặp mặt đẹp đẽ của hai cha con.

Hạ An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa

Nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ Văn Cao được biết đến là một trong những nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ca khúc “Tiến quân ca” của ông được chọn là Quốc ca Việt Nam. Năm 2023 là tròn 100 năm ngày sinh của bậc tài danh ấy (15/11/1923 - 15/11/2023).

Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa
Return to top