ClockChủ Nhật, 10/12/2023 06:29

“Châu bản triều Nguyễn - ký ức một triều đại”

TTH - Châu bản triều Nguyễn - nơi còn lưu bút tích của các vị hoàng đế, trải bao thăng trầm cùng lịch sử và những cuộc thiên di, để trở thành di sản của thế giới và mang giá trị vượt thời gian.

"Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại”

Châu bản triều Nguyễn còn lưu bút tích các vị hoàng đế 

Không gian trưng bày Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại đang diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia (LTQG) I. Trưng bày do Trung tâm LTQG I và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp thực hiện, giới thiệu đến công chúng hàng trăm tài liệu đặc sắc. Đây cũng là lần đầu tiên nhiều hiện vật của Trung tâm BTDTCĐ Huế kết hợp trưng bày tại Trung tâm LTQG I, nhằm tôn lên giá trị của Châu bản.

Những câu chuyện lịch sử sống động

Triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam đã để lại cho hậu thế nhiều di sản quý giá, trong đó có Châu bản. Đây là tài liệu hành chính gốc duy nhất ở Việt Nam và thuộc số ít trên thế giới còn lưu được bút tích phê duyệt trực tiếp của các hoàng đế trên văn bản. Trải qua 143 năm tồn tại (1802 - 1945), triều Nguyễn đã lưu dấu ấn trong lịch sử về thống nhất giang sơn, xác lập chủ quyền, quan hệ bang giao, kiến thiết kinh đô, văn hóa, giáo dục, đời sống xã hội, thiết chế hành chính, chế định luật pháp, khoa cử thư tịch...  tất cả đều được phản ánh rõ nét qua Châu bản.

Là hệ thống văn bản hành chính được sản sinh trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền triều Nguyễn, Châu bản bao gồm văn bản do các hoàng đế ban hành và văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực màu son đỏ. Hệ thống văn bản này được giao cho Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình.

Dưới triều Nguyễn, Châu bản được lưu giữ cẩn thận trong tòa Đông Các, là nguồn sử liệu để góp phần viết những bộ chính sử đương thời. Tuy nhiên, cùng những thăng trầm của lịch sử, Châu bản cũng phải trải qua nhiều cuộc thiên di. Năm 1942, khối Châu bản triều Nguyễn được đưa tới Viện Văn hóa Huế. Năm 1959, Viện đại học Huế đã tiếp nhận khối tài liệu này để biên dịch và làm mục lục; sau đưa lên Văn khố Đà Lạt, chuyển về Sở Lưu trữ - Nha Văn khố. Khi miền Nam giải phóng, khối Châu bản triều Nguyễn được đưa tới bảo quản tại Trung tâm LTQG II. Từ năm 1991, Châu bản được đưa về bảo quản tại Trung tâm LTQG I thuộc Cục Lưu trữ nhà nước đã mở ra cánh cửa để các học giả và công chúng có thể tiếp cận tài liệu này.

Cố Giáo sư Phan Huy Lê từng nhìn nhận: “Châu bản triều Nguyễn là một di sản văn hóa mang giá trị kép, vừa là vật thể vừa phi vật thể vô giá, không những quý hiếm mà còn duy nhất, độc bản được bảo tồn đến ngày nay”.

Nguồn tài liệu không thể thay thế

Sau những năm tháng lặng yên, nay Châu bản được các nhà nghiên cứu, nhà sử học rũ lớp bụi thời gian trên từng dòng chữ cổ để tái hiện lại lịch sử của cha ông, đưa những giá trị của quá khứ vào cuộc sống hiện tại.

Những cuộc hội thảo khoa học được tổ chức, Châu bản trở thành nguồn sử liệu để nghiên cứu, phục dựng lại các nghi thức tế lễ và văn hóa truyền thống, trùng tu nhiều công trình di tích quan trọng.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải cho hay: Phần lớn các công trình kiến trúc trong hệ thống kiến trúc cung đình của Huế đã bị phá hủy rất nhiều do chiến tranh, do thiên tai, thời tiết… “Nó rất cụ thể, chính xác, gần như qua đó chúng ta hiểu được các đánh giá, quan điểm của các vị hoàng đế triều Nguyễn đối với các công trình kiến trúc, các di sản văn hóa. Trên thực tế, rất nhiều công trình trong hệ thống kiến trúc Cố đô Huế đã được trùng tu, phục hồi dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, trong đó Châu bản đóng vai trò rất quan trọng”, ông Hải nói.

Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Nguyễn Phước Hải Trung thông tin, tư liệu về di sản Châu bản vừa có giá trị tiềm lực vừa có giá trị vật chất, giá trị hiện hữu. “Đối với chúng tôi, những người làm công tác khoa học, đây là những cứ liệu vững chắc, rất quý giá để hỗ trợ công tác trùng tu, phục hồi di tích”, ông Trung nói.

Không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại” tại Trung tâm LTQG I - nơi đang bảo quản khối tài liệu này sẽ là cơ hội để công chúng có thể tận mắt chiêm ngưỡng màu son nét chữ của các vị vua triều Nguyễn. “Cung chiêm” ngự bút của các hoàng đế, đối với hậu nhân không chỉ là việc “xem di văn tưởng đến cổ nhân”, mà qua đó còn cung cấp thêm nhiều thông tin giá trị để đánh giá tài năng, vị thế, vai trò trị quốc bình thiên hạ của các bậc quân vương triều Nguyễn.

“Xem những di văn này, chúng ta có thể hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của nước ta, cũng như biết thêm những câu chuyện về tiền nhân hết sức chân thực và gần nhất với sự thật lịch sử. Với không gian trưng bày cố định, lâu dài, chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là điểm đến về văn hóa để công chúng trong và ngoài nước có thể tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Việt Nam”, Giám đốc Trung tâm LTQG I bà Trần Thị Mai Hương cho hay.

Châu bản triều Nguyễn còn lại hiện nay gồm hơn 86.000 văn bản gốc của 11 triều vua nhà Nguyễn; trong đó, có 10 vị vua để lại bút tích phê duyệt bằng mực son trên văn bản. Hai triều vua không có Châu bản là Dục Đức và Hiệp Hòa. Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh trên bản đồ Di sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đến 2017 được vinh danh Di sản thế giới.

Bài: Liên Minh - Ảnh: Trung tâm BTDTCĐ Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Điểm đến

Sáng Chủ nhật 30/6, ở khu cồn mồ Ngũ Tây (phường An Tây, TP. Huế) ở mé trái chùa Thuyền Tôn đã diễn ra một nghi lễ cúng tạ lăng mộ.

Điểm đến
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam
Ký ức một thời

Cứ đến tháng Ba, tháng Tư hằng năm là những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi lại có dịp ùa về trong mỗi người đã một thời “vào sinh ra tử”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những kỷ niệm một thời đạn bom, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Sự tự hào ấy của họ đã làm nên sức mạnh để góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Ký ức một thời
Return to top