ClockThứ Tư, 14/02/2024 13:55

Ký ức mặn nồng & rực đỏ

TTH - Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Làng mai vàng truyền thống Điền HòaGiữ nghề, giữ đầm phá

Một góc làng Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền). Ảnh: Phụng Đặng

Hai chuyện anh hay nhắc là cỗ làng và nội trú 27 Nguyễn Huệ.

Cỗ làng thời khổ ấy, chỉ là “thịt côi xôi dưới”, thế mà giờ đọc, cứ xuýt xoa, bao giờ trở lại... ngày xưa?

Hồi ấy đói tới mức, tôi nhớ có năm nhà tôi giỗ bằng... cháo bánh canh. Bột mì Canada mua theo tiêu chuẩn sổ lương thực. Cá lóc, phần thì ba tôi đi nơm, ông là cán bộ về hưu, hồi ngoài Bắc rất lơ ngơ, mọi thứ toàn mẹ tôi quyết, nhưng khi về quê, ông như lột xác, hoàn toàn khác, trong đó có việc bắt cá rất tài. Xách nơm đi về là có cá. Mẹ tôi nhốt lại đấy, chờ giỗ.

Tôi đang sinh viên, ở ký túc xá 27 Nguyễn Huệ, canh ngày giỗ về, thấy la liệt các tô bánh canh bày khắp các bàn thờ, am thờ... bà con mấy chục người đến, cúng xong thì ăn cháo bánh canh. Và té ra, mẹ tôi, gái khu ba, làm dâu Ngũ Điền mà cũng nấu bánh canh hợp miệng các bà cô em chồng và con cháu phết.

Thế nên chuyện giỗ mà “thịt côi xôi dưới” hồi ấy là ngon lành rồi.

Thì có gì đâu. Thịt con heo, tất nhiên là heo đen, heo cỏ ấy, rồi tất cả luộc, rồi xắt mỏng, gọi là phay. Gạo nếp tự trồng, tất nhiên loại rất ngon mới để dành kỵ. Tối hôm trước đã ngâm rồi đồ suốt đêm. Trong làng có vài nhà có những cái đõ rất to, có thể đồ cả thúng gạo. Mượn về rồi đồ.

Rồi có hai cách, một là chia đôi cái mâm, một bên thịt lợn phay, một bên xôi. Cách thông thường đúng tên gọi “thịt côi xôi dưới” là cái mâm ấy, xôi ở dưới, xếp thịt lên trên. Tất nhiên nó còn có mấy chén nước mắm nhĩ, phía trên chén nước mắm là một đĩa ớt bột đặc sản. Khi ăn trút đĩa ớt ấy vào chén nước mắm, thành một thứ nước đỏ ngầu và đặc sệt. Nhà nào “có điều kiện” có thêm đĩa giá với đu đủ muối xổi, không thì chỉ thế, à có thêm tô nước luộc.

Hay nhất là hồi ấy, tôi ít thấy người ta uống rượu khi ăn kỵ. Khác với miền Bắc tôi từng sống, ngày giỗ là uống rượu la đà.

Mà mời ăn kỵ cũng vào những giờ không giống ai, tôi nhớ thường không đúng trưa hay chiều, mà lơ lửng. Có người từ ruộng về thẳng nhà mời kỵ, hoặc có người ăn kỵ xong ra thẳng ruộng làm. Nhưng ai cũng áo dài khăn đóng. Tới nơi mặc vào, cúng xong cởi ra.

Thế mà giờ, đọc bài của ông nhà báo xong cứ nôn nao. Vừa rồi về kỵ mệ, tôi bàn vợ chồng chú em, làm xôi heo đi. Cả hai trợn mắt nhìn tôi như nhìn... quái vật. Điên à, chừ ai mần rứa?

Giờ đa phần đã dịch vụ, bàn to, nhiều món và cũng bày vào đĩa to, mười người chứ không như xưa bàn sáu. Và có bia, toàn Huda. Tất nhiên rất ít thấy người say, đa phần là vài ly là xong. Nhà tôi, vợ chồng chú em toàn làm lấy, hỏi sao không đặt dịch vụ cho tiện, bảo: làm thế khỏe nhưng mỗi nhà anh em cháu chắt chỉ một người đến. Mình tự làm thì mỗi nhà sẽ cử một người tới làm, sau đấy cả nhà sẽ đến, vui và đầm ấm hơn. Ai bệnh hoặc già không tới được thì bưng. Gọi là bưng nhưng giờ xếp vào làn ngoắc vào xe máy mang tới. Ngày xưa, bưng là cho vào mâm, rồi bưng hoặc đội tùy quãng đường...

Còn cái ký túc xá 27 Nguyễn Huệ mà giờ hầu như những ai từng ở đấy, có làm vương làm tướng gì, cũng đều tìm cách vào chụp một bức ảnh, rồi đăng lên so sánh với ảnh ngày xưa, thời ở đấy, nếu thời ấy có chụp ảnh.

Và một trời những câu chuyện vui buồn.

Lần ấy ra Huế, tôi rủ ông bạn cùng lớp Phạm Phú Phong và thầy Nguyễn Xớn xuống vỉa hè uống bia. Thấy bà chủ béo lùn trông quen quen, đang nheo nheo mắt nhìn thì Phong bảo chị Viên đấy, ông không nhớ à. Tôi òa lên: chị Viên cơm cháy.

Hồi ấy bếp ăn tập thể sinh viên là thiên đường của chúng tôi vì bao giờ và lúc nào cũng đói, nên đến giờ xuống bếp là còn có cái mà bỏ vào bụng, cơm thì sắn gạc nai cõng gạo, còn bo bo thì không được kèm gạo, chỉ mỗi bo bo hầm, mà cũng chỉ được một bát, nhai trệu trạo nuốt hết mà vẫn như chưa ăn. Thế nên quen được với mấy chị cấp dưỡng là hạnh phúc. Cơm thì không được cho thêm vì nó đã một mâm mấy người rồi, nhưng thi thoảng chị cho... miếng cháy. Tôi hay được chị Viên cho cháy vì phòng tôi ở gần chỗ các chị đổ cháy vào thùng. Ngay sau khi chia cơm thì cháy được đổ vào một cái thùng nước gạo để các chị nuôi heo. Cứ liếc thấy chị Viên vác tảng cháy ra là tôi nhảy qua rào, đầu tiên thì... lịch sự: chị cho em miếng cháy về... pha trà. Nước uống của sinh viên hồi ấy là nước gạo rang mà, nên xin cháy làm trà là hợp lý, nhưng sau thì... lộ vì bà ấy thấy tôi chưa ra khỏi rào đã mấy đứa trong phòng chìa tay rồi, nên bèn nói “thật” là em ăn cho... thơm mồm, tối nay đi chơi với bồ, lỡ nó cho hôn thì không ngửi thấy mùi sắn thum thủm...

Vừa rồi tôi về quê, bạn bè ở Huế trách, sao không ghé Huế. Tôi bảo tại... con đường. Hồi sinh viên về nhà toàn đi đò từ chợ Đông Ba về chợ Biện. Sau có xe máy thì đi vòng ra Mỹ Chánh rồi về. Giờ phon phon xe qua cầu Tam Giang (đang có ý kiến đề xuất trả lại tên Ca Cút và tôi hết sức đồng ý với đề xuất này) về quê, dẫu vẫn qua thành phố Huế. Nhưng mới nhất, một con đường mở thẳng tưng từ cầu Ca Cút tới đầu kia thành phố, nên chạy một lèo mà không ghé Huế là thế.

Và đời sống sinh viên giờ cũng khác hoàn toàn.

Nên thi thoảng đọc những cái "tus" của bạn nhà báo cùng quê, cùng trường, cùng nghề kia, một mặt thì bồi hồi, thậm chí là hỏi, tại sao ta lại qua được những ngày như thế, mặt khác nhớ da diết. Chứ không ư, lấy đâu ra những ngày sinh viên thần tiên ấy nữa. Còn xôi heo, giờ là đặc sản. Hành trang mỗi lần từ quê lên bao giờ em dâu tôi cũng chuẩn bị hai thứ thường trực: nước mắm nhĩ và ớt bột.

Nó cứ mặn nồng và rực đỏ trong ký ức.

Văn Công Hùng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
Ký ức một thời

Cứ đến tháng Ba, tháng Tư hằng năm là những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi lại có dịp ùa về trong mỗi người đã một thời “vào sinh ra tử”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những kỷ niệm một thời đạn bom, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Sự tự hào ấy của họ đã làm nên sức mạnh để góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Ký ức một thời
Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Return to top