ClockThứ Tư, 21/02/2024 11:45

Ký ức rồng xanh

TTH - Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ấm lòng từ điểm tựa “Rồng Xanh”

Hiển Lâm các, biểu tượng quyền lực vương triều Nguyễn. Ảnh: Bảo Minh 

Ngôi đình được phục dựng đối diện với chợ chếch qua bên trái dăm mét. Tôi lần ấy vô tình đứng phía ngoài lề cuộc họp của các cụ, trong đó có ông K. (cha của bạn tôi), là một trong ba vị cao niên chủ trì khôi phục lại ngôi đình. Họ đang bàn về việc làm một chi tiết quan trọng của ngôi đình, đó là con rồng. Ông K. phát biểu: “Đình làng được vua Nguyễn ban cho thờ Thành hoàng, nhưng ta nên làm con rồng thời Trần để thể hiện được khí phách “Hào khí Đông A” như bức hoành phi vua Trần ban treo trước hạ điện”.

Vào một đêm tôi lang thang qua chợ, nhìn vô ngôi đình, mấy cái bóng trên mươi oát hắt thứ ánh sáng vàng ệnh lên các vật dụng. Tôi bước vào và ấn tượng với mấy con rồng chưa thành hình, mỗi bộ phận nằm rời ra, vẫn tua tủa vây. Để đến giờ đi nhiều di tích đền đài, lăng tẩm, nơi đâu tôi cũng nhìn con rồng, nghĩ xem nó thuộc thời vua Nguyễn nào, đặc biệt chú ý đến móng và vây của nó.

Ở bên phải ngọn đồi Thiên An từng hình thành khu du lịch rất đẹp, với con rồng dựng ở hồ Thủy Tiên cao lớn như trong thần thoại, phim ảnh. Con rồng cũng là ngôi nhà, hay đó như “long cung” trong thân nó. Thực tế cũng do người ta tạo con rồng không mềm mại, mặt mày hơi thô. Nếu nó trông mềm mại, hiền hòa thì sẽ thu hút lắm. Tôi đến đây nhiều lần. Mấy chục năm rồi chỗ này không hoạt động. Nay những hạng mục mang dấu ấn thời thượng đang hòa vào thiên nhiên với rêu cỏ, cây cối, với hoang phế…, tất thảy tạo nên vẻ quyến rũ. Tôi trộm nghĩ nếu chỗ này hoạt động trở lại và cơ bản giữ nguyên vẻ hoang sơ như thế này, sẽ là điểm đến hấp dẫn. Vẫn biết đây chỉ là ý nghĩ vui, bởi các công trình trong khu vui chơi đều đang xuống cấp mạnh.

Rất nhiều lần vào ngày nắng tôi vẫn đến đây, lên chỗ cao nhất của con rồng đứng ngắm sông rất tuyệt. Lũ trẻ thì mê con rồng hết nói. Chúng leo trèo hớn hở, vuốt ve chưa hết cái mẩu đuôi của con rồng đã rất thích thú. Bởi trong chúng ít tính phân biệt hơn. Tôi chợt nghĩ, người lớn dĩ nhiên sân sắc khi phân biệt trắng đen, tuy giá như đã sâu sắc rồi thì nên nhẹ nhàng trong sự phán xét đối tượng, đó là chỗ cần đến chăng? Dẫu sao điều cuối cùng của ngôn ngữ và hành vi là giáo dục, cảm hóa để cùng vun bồi phước trí.

Lại nhớ hồi nhỏ từng chơi trò rồng rắn lên mây. Có chiều hôm mới ăn cơm xong, đang ngồi trên cái ghế dài giữa sân, nghe đanh một tiếng, thì ra cái tàu cau rơi dựng đứng. Cái tàu cau to ngoài sức tưởng. Tôi qua hàng xóm rủ thêm bạn, một thằng làm đầu rồng với cái đuôi lá tàu cau tua tủa như vây rồng, cứ thế thay nhau kéo dưới trăng. Chúng tôi lớn lên với hình ảnh đó. Cứ nghĩ có phải như bây giờ khoảnh khắc nào cũng được ghi lại. Nếu thời ấy chụp được những bức ảnh như vậy sẽ là của quý với thời gian. Nhớ nữa là hồi học cấp hai, ba tháng nghỉ hè tôi đi bán kem.

Chiều đạp xe lên thị trấn hơn mười cây số đến xưởng kem ngủ lại. 4 giờ sáng dậy sắp kem vô thùng và đạp về nhà ăn sáng rồi bắt đầu đi bán còn xa hơn, chưa tính quãng đường rong ruổi khắp sáng chiều. Có loại kem rất được ưa chuộng, hơn cả kem sữa đắt đỏ. Là kem rồng vàng, khuôn làm ba ngấn như hình ống tròn xẻ dọc, ngấn giữa to nhất. Hồi đó kem đá (nước lã hòa với đường cùng bột loãng) loại từ 50 đến 100 đồng; kem sữa từ 150 đến 200 đồng. Kem rồng vàng ngang tiền kem sữa, đôi khi đắt hơn song được ưa thích, bán chạy. Tôi nhớ cái bảng dắt phía sau thùng kem, tự tay kẻ viết rất đẹp chữ kem rồng vàng. Có đứa thì viết thêm kem sữa nữa. Đứa nào đi bán dẫu có cái kèn bọp tay rồi, đều phải rao. Cứ đến chỗ có người hoặc ngang nhà là rao: Ai kem rồng vàng, kem sữa; hoặc: Kem rồng vàng kem sữa đây. Tôi cứ nhớ mãi cái bảng sau thùng kem đến nay sao không thấy trong bức ảnh nào. Rõ ràng hơn, có đứa hoa tay hoặc nhờ ai còn vẽ con rồng rất đẹp lên bảng để quảng cáo cho loại kem rồng vàng đặc biệt này.

Ngoại trừ trong hệ thống kinh điển, ngoài đời con rồng vẫn là loài truyền thuyết, tuy ai cũng xem như thần linh, nể trọng. Có lẽ do nó gắn với những địa chỉ linh thiêng, mà đình làng quê tôi ở trên là ví dụ. Song điều dễ nhận thấy là con rồng trong tâm thức nhân gian xưa thì nhẹ nhàng, thanh thoát, gần gũi, là vật bảo hộ cho sự an bình. Tôi thường chụp lại những bức ảnh rồng chầu nhật nguyệt, rồng trên tường, cổng, ở nóc, góc đình đền, ở trên các di tích và ở cả trên mây nữa. Nhớ như in hình ảnh mình thấy được từ hồi còn rất nhỏ. Ông K. đến nhà uống xong ngụm nước chè vừa om với ba tôi, mở cái cặp cũ rích đã bốn góc sờn lớp nhựa lòi bố, lỗ chỗ khâu vá. Ông lấy tập tài liệu bày ra giữa bàn, đẩy gọng kính sát mắt, nói: Anh xem, sắc phong các đời vua tui mới phô tô về. Phần dịch phía sau này, làng nhờ chuyên gia đấy”. Và những con rồng ẩn chìm dưới những chữ sắc phong bắt đầu hiện rõ hơn trong mắt tôi, rõ dần và như lộ nguyên hình hài vàng rực.

Tôi cũng từng chợt hiện câu hỏi: Trong vô số những gì gắn với chữ “long” chữ “rồng” thì cây xương rồng có liên quan gì đến con rồng. Hỏi, thời nay rất dễ có câu trả lời, và khi bắt đầu mở Google tra hỏi, thì tôi dừng. Tôi không muốn biết gì thêm, vậy thôi. Tôi nhiều lần xuống bãi biển Hòa Duân ngắm vạt xương rồng bên bờ biển, mùa trổ hoa đỏ thì mê mẩn. Bãi biển Hòa Duân gắn với sự kiện cơn lũ năm 1999 đã xé con đập, cuốn đi nhà của 64 hộ dân và thêm nỗi đau chất ngất. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền đã đưa 64 hộ đến nơi ở mới, và tên Làng Rồng ra đời từ đây.

Những cây xương rồng ở biển Hòa Duân lá bầu và lép với nhiều hình dáng lạ, đôi khi nó giống cả hình người, đang túm tụm tâm sự với nhau về nỗi mênh mông gì đó. Như cây cũng là nhánh là lá; đơn giản là một cái lá lớn dần rồi tỏa thêm những lá khác, khi hoa rụng, quả chính, ăn được nhưng cũng đầy gai nhỏ li ti dính sâu vào miệng lưỡi. Tôi đã chụp nhiều bức ảnh về cây xương rồng trên cát và hoa của nó. Xương rồng đầy gai, hoa cũng vậy song rất đẹp. Như con rồng mình đầy vây mà nó đẹp cũng nhờ vây, khiến mềm dẻo uốn lượn. Khi đã thấu suốt nhân gian, thấu suốt tốt xấu, thấu suốt thiên mệnh, con rồng để làm mang lợi cho người cũng tùy duyên mà biến hiện khôn lường từ hình hài đến bản chất vậy.

Nhụy Nguyên
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em

Chiều 27/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Tổ chức Blue Dragon International (Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh) tổ chức hội nghị trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, triển khai các hoạt động hỗ trợ cho trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và công tác phòng, chống mua bán người giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Hà Giang. Tham dự có bà Skye - Đồng Giám đốc Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh và lãnh đạo một số ban, ngành của hai tỉnh: Thừa Thiên Huế và Hà Giang. ​

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em
Giảm thiểu trẻ em di cư tự do bị lạm dụng sức lao động

Sáng 12/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị khởi động dự án “An toàn và lành mạnh: Ngăn chặn tình trạng trẻ em và thanh thiếu niên di cư tự do đi làm ăn xa và bị lạm dụng sức lao động và người bị mua bán tại tỉnh Thừa Thiên Huế” giai đoạn 2024 – 2028.

Giảm thiểu trẻ em di cư tự do bị lạm dụng sức lao động
Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
Ký ức một thời

Cứ đến tháng Ba, tháng Tư hằng năm là những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi lại có dịp ùa về trong mỗi người đã một thời “vào sinh ra tử”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những kỷ niệm một thời đạn bom, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Sự tự hào ấy của họ đã làm nên sức mạnh để góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Ký ức một thời
Return to top