ClockThứ Năm, 21/09/2017 13:31

Marie, ngày đầu tiên đi học

TTH - Chúng ta thường nói: “Giáo dục là trách nhiệm chung của nhà nước, nhà trường, gia đình và xã hội”, nhưng “trách nhiệm chung” đó thể hiện trong thực tế như thế nào? Marie, một bé gái 6 tuổi, sẽ kể cho chúng ta nghe ngày đầu tiên đi học của bé. Hy vọng qua câu chuyện của Marie, chúng ta sẽ hiểu “trách nhiệm chung” của bản thân hơn.

“Chú là bạn thân của cháu”

Con tên là Marie, con 6 tuổi. Con, cha và mẹ con sinh ra và lớn lên ở Đức. Chỉ có một chút xíu khác là ông bà nội con người Đức, ông bà ngoại con người Việt Nam. Khi xem ảnh con chụp chung với bạn bè trong lớp mẫu giáo, thầy cô khen rằng: “Marie! Da, mắt và tóc của con có màu sắc thật ấn tượng!”.

Thứ 7, ngày 9 tháng 9 năm 2017 là ngày đầu tiên con đi học lớp 1. Ở Đức, ngày này thật quan trọng vì từ lớp 2 cho tới lớp cao nhất, không còn được làm lễ nhập học nữa.

Gần tới ngày khai giảng, cha mẹ con đã tự tay làm Schultuete (Schul là trường/ tuete bao đựng). Mỗi chiều đi làm về cha mẹ thường cầm một chút quà rồi bí mật giấu vào Schultuete. Cả tháng trời con nuôi sự háo hức trong bụng, luôn mong đến ngày được mở Schultuete để biết cha mẹ đã tặng gì cho con trong đó.

Hôm nay là ngày đầu tiên con đi học, từ sáng sớm mẹ con đã nướng và trang trí xong hai chiếc bánh kem, một cái màu tim tím có chữ “Marie, ngày học đầu tiên” để gia đình con tiếp khách ở nhà, một cái màu hồng mẹ dành biếu cho trường của con. Mẹ mặc cho con bộ váy mới. Cha dạy con đeo ba lô. Cha con giải thích: “Ba lô của con và các bạn đeo đi học mỗi ngày được thiết kế sức nặng chịu vô hông, do vậy lưng sẽ không bị còng”.

Bà Hiệu trưởng, Marie và tác giả bài viết

Cha mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại đưa con đến trường; con thấy bạn bè con cũng có nhiều người lớn cùng đi. Trường con học có tên Käthe Kruse (1883-1968), một nữ doanh nhân Đức. Con đi học, cha mẹ không phải đóng tiền, vì trường học ở Đức không thu học phí. Khi bước vào khán phòng để làm lễ nhập học, gia đình con được nhiều người chào đón: Bác thị trưởng biếu con hộp nhựa sạch để đựng thức ăn buổi trưa trong trường. Chú cảnh sát ngồi xuống bắt tay con và giới thiệu: “Chú là bạn thân của con, cần gì gấp nhớ gọi chú”. Chú cảnh sát còn đưa cho cha con một tờ giấy có ảnh và chữ. Chú dặn về nhà cha phải đọc rồi giải thích kỹ cho con hiểu. Bà Hiệu trưởng cười với con và mẹ rồi giới thiệu cô giáo lớp con; cô giáo mặc bộ váy hồng xinh ơi là xinh.

Khán phòng tổ chức lễ khai giảng chứa khoảng 500 người. Năm hàng ghế đầu là của trẻ học lớp 1. Hai hàng ghế kế tiếp là của học sinh lớp 2, lớp 3; sau đó mới tới hàng ghế người lớn. Chỗ ngồi của người lớn không có ưu tiên, ai tới trước ngồi trước, ai tới sau ngồi sau, ai tới sau nữa thì đứng dọc theo tường hai bên của khán phòng. Con thấy chú cảnh sát đứng suốt buổi lễ, dù chú đi sớm. Còn bác thị trưởng đâu rồi? Bà Hiệu trưởng nói với phụ huynh rằng: “Bác phải chạy qua trường khác để kịp biếu quà cho nhiều bạn lớp 1”.

Marie, Schultuete và ba lô

Mở đầu buổi lễ là các anh chị lớp 2 đồng ca chào mừng các bạn lớp 1. Bài hát có lời như sau: “Không lo lắng! Không lo sợ! Bạn giống tôi, tôi giống bạn. Chúng ta cùng học, chúng ta cùng chơi, chúng ta cùng vui, chúng ta cùng hát... Bạn là tôi, tôi là bạn. Không lo lắng! Không lo sợ!”. Tiếp theo, bà Hiệu trưởng giới thiệu vở nhạc kịch do lớp 2 diễn chung với dàn nhạc của lớp 3.

Vở nhạc kịch kết thúc, tiếng vỗ tay vang dội khắp khán phòng, nhóm nhạc kịch cúi đầu chào tới 3 lần mà tiếng vỗ tay vẫn chưa dứt. Bà Hiệu trưởng bước ra nói lời cám ơn sâu sắc tới nhóm nhạc kịch đã tập dượt hơn 6 tháng để hôm nay biểu diễn đón lớp 1. Bà không quên cám ơn thầy, cô giáo và phụ huynh đã cộng tác với nhà trường xây dựng chương trình buổi lễ khai giảng này. Rồi bà Hiệu trưởng hướng về chúng con, dặn: “Vở nhạc kịch nhắc các con rằng, dù bạn da đen, tôi da trắng; bạn da đỏ, tôi da vàng; bạn nhỏ, tôi lớn; bạn thấp, tôi cao; bạn thông minh, tôi chậm chạp; bạn cũ, tôi mới, nhưng chúng ta đều giống nhau vì chúng ta là bạn của nhau”. Nghe vậy, con tự hứa sẽ kết thân với tất cả những người trong ngôi trường này.

Bà Hiệu trưởng xin thêm vài phút để nói chuyện với cha mẹ chúng con: “Phụ huynh hãy rời máy vi tính và điện thoại để nói chuyện với con của mình. Hãy thường xuyên xem tập vở của trẻ, theo dõi tâm trạng, lắng nghe lời con tâm sự. Tuyệt đối không uống rượu, hút thuốc, nói tục, nói gay gắt với nhau trước mặt con trẻ. Và rằng, nhớ đừng để con của mình phải chịu cô đơn trong ngôi nhà của mình và người thân bên cạnh”.

Để học sinh lớp 1 bớt lo lắng trong ngày học đầu tiên, bà Hiệu trưởng đã phân công mỗi học sinh lớp 2 cầm tay một bạn lớp 1 đưa tới lớp, hướng dẫn chỗ cất giày, chỗ ngồi và chỗ để ba lô, sách vở. Khi chúng con đã có mặt đầy đủ, cô giáo bắt đầu giới thiệu về trường, lớp, nơi ăn, uống và nơi đi vệ sinh. Cô giáo còn dạy chúng con cách sống chung với nhau: “Luôn thân thiện và không bạo lực. Không làm thương tổn thân thể và tâm hồn của bạn. Mượn đồ của bạn phải xin phép, khi trả lại không hư hỏng. Phải bỏ rác đúng chỗ và phân loại rác chuyên nghiệp. Không đem theo điện thoại, vi tính vô lớp; nếu phải đem theo vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt thì khi gọi điện phải có cô giáo đứng nghe; nếu làm mất điện thoại, vi tính trong lớp không được khiếu nại...”.

Đồng ca chào mừng học sinh lớp 1

Tan lớp con và cha mẹ cùng đến căn-tin của nhà trường, nơi hiện đang có nhiều loại bánh do mỗi gia đình tự làm dành biếu nhà trường trong ngày khai giảng. Bánh được cắt nhỏ bằng bàn tay của con, mỗi phần giá 1 Euro kèm nước uống. Các anh chị lớp 3 thu tiền này bỏ vào quỹ, dành dùng vào việc lo cho chúng con sau này.

Con và gia đình ra về trong lúc trời mưa, tiễn phụ huynh bà Hiệu trưởng nói: “Mười hai năm nay mới có cơn mưa trùng ngày khai giảng”.

Chủ nhật, ngày 10 tháng 9 năm 2017, cha mẹ con mở tiệc trong vườn nhà mời hai bên nội ngoại, mời bạn bè thân thiết của con và cha mẹ tới mừng con vào lớp 1. Ai tới dự cũng cầm theo một món quà nhỏ cho con. Khi mọi người đông đủ, lúc này, con mới được khui Schultuete. Trong bụng Schultuete chứa đầy đủ sách vở và dụng cụ học sinh cho con dùng nguyên năm lớp 1. À, con thích nhất món quà hình đầu con thỏ màu xanh chuối lấp lánh và hình hoa hồng màu cam rực rỡ; cả hai đều có dây đeo. Cậu của con đã biếu cho con hai món quà này. Cậu dặn: Marie, đầu con thỏ con đeo vào ba lô. Hoa hồng con đeo trước ngực. Khi con di chuyển, 2 vật này phát sáng để xe tránh con và cha mẹ dễ thấy con giữa chốn đông người.

Sáng thứ hai, ngày 11 tháng 9 năm 2017, cha dắt con đi bộ đến trường. Con hỏi cha: “Tại sao không đi xe?”. Cha con nói: “Chú cảnh sát dặn cha phải dắt con đi bộ để chỉ cho con biết cách nhìn đèn giao thông; chỉ cho con cách băng qua đường; dặn con không dừng lại trước cổng nhà người khác vì xe trong nhà có thể chạy ra; lưu ý con đoạn đường có chỗ cao, chỗ thấp cho đến khi con quen đường đi học mới thôi”. Chú cảnh sát còn dặn thêm cha mẹ: “Mua sắm váy áo và ba lô cho con nên chọn màu sáng để gây sự chú ý cho người lái xe trên đường. Để tránh rủi ro cho học sinh, cha mẹ phải đậu xe xa trường rồi đi bộ vào đón con. Trước khi đón con, cha mẹ không được uống rượu, hút thuốc; không sử dụng điện thoại trong sân trường. Khi có con trẻ trên xe không được lái nhanh, không được làm gì khác ngoài chú ý lái xe cẩn thận...”.

Con và cha con đã tới sân trường, lúc này con lo lắng vì quên đường vô lớp học. Nỗi lo liền tan biến khi trước mặt con là chị lớp 2, người đã được bà Hiệu trưởng phân công hướng dẫn con ngày đầu tiên đi học. Trước khi đi vào lớp, con ôm ba nói nhỏ vô tai, rằng: “Ba ơi, con thích đi học lắm”.

Sau khi dự lễ ngày đầu tiên đi học của Marie, tôi ngộ ra:“Con người là sản phẩm của giáo dục. Giáo dục như thế nào, con người như thế ấy!”.

TẠ THỊ NGỌC THẢO

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục tài chính trong trường học

Giáo dục tài chính cho học sinh không chỉ giúp các em biết sống trách nhiệm, trân quý giá trị lao động, biết chia sẻ với ông bà, cha mẹ mà còn là nền tảng quan trọng giúp các bạn trẻ biết lập kế hoạch ngân sách cho cuộc sống tự chủ ở hiện tại và tương lai.

Giáo dục tài chính trong trường học
“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Return to top