|
Các công trình xây dựng hiện nay đang có nhu cầu cần vật liệu "xanh" |
Theo thống kê của Viện VLXD (Bộ Xây dựng), các công trình xây dựng sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn xây dựng. Lượng chất thải kể trên đã tác động không nhỏ đối với môi trường, đòi hỏi cần phải có sự chuyển đổi.
Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định để khuyến khích, bắt buộc các ngành, lĩnh vực phải có lộ trình tham gia vào sản xuất xanh. Mục đích là để giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Ngành VLXD cũng có các kế hoạch, lộ trình tham gia vào sản xuất xanh, tuần hoàn để đáp ứng yêu cầu của ngành xây dựng xanh.
Theo một số chuyên gia về môi trường, gần đây, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng nhanh. Mỗi năm, tổng diện tích xây dựng từ 80-90 triệu m2/năm. Do đó nếu sử dụng VLXD truyền thống sẽ gây ô nhiễm môi trường, do tiêu hao nhiều tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tạo ra các chất thải độc hại, rác thải xây dựng khó tái chế. Đơn cử như sử dụng gạch đất nung cho các công trình, để có 1 tỷ viên gạch sẽ cần 75 hécta đất khai thác ở độ sâu 2m và 150 ngàn tấn than để nung. Quá trình sản xuất gạch nung sẽ thải ra môi trường gần 0,6 triệu tấn carbon.
Vì thế, tìm kiếm vật liệu "xanh" trong xây dựng để tạo ra các công trình xanh đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn để hướng đến phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là xu thế và là mục tiêu của ngành công nghiệp sản xuất VLXD Việt Nam.
Cũng theo Bộ Xây dựng, sử dụng VLXD xanh sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, như: giảm lượng điện tiêu thụ, giảm phát thải khí nhà kính, tài nguyên nước, góp phần cải thiện không gian sống. Tại Thừa Thiên Huế và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhiều nhà máy sản xuất VLXD đã đầu tư công nghệ và chuyển sang sản xuất vật liệu xanh để đáp ứng nhu cầu thị trường trong, ngoài nước. Trong đó, nhiều nhà máy sản xuất gạch không nung và nguyên liệu là từ nguồn chất thải của các ngành công nghiệp khác. Việc này giúp tiết kiệm được nhiều tài nguyên, khoáng sản và giảm chi phí xử lý chất thải công nghiệp.
Để “xanh hóa” trong ngành VLXD, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm VLXD xanh, thân thiện với môi trường, làm cơ sở cho các DN có căn cứ áp dụng trong quá trình sản xuất. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần có những biện pháp hành chính cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng những VLXD thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, cùng với cơ chế hỗ trợ chính sách từ Nhà nước thì cần sự thay đổi sớm của DN. Các DN phải chú trọng đến việc lựa chọn những công nghệ sản xuất VLXD theo hướng sử dụng được nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác. Đồng thời, các DN cần tìm ra các giải pháp để giảm giá thành với VLXD xanh để cạnh tranh tốt với các loại vật liệu truyền thống có tính năng tương tự…