ClockThứ Sáu, 09/11/2012 05:34

Mô hình nuôi xen ghép ở Hương Trà

TTH - Gần đây, mô hình nuôi xen ghép phát triển mạnh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Hải Dương và Hương Phong là hai xã của thị xã Hương Trà đưa vào nuôi thử nghiệm và bước dầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Thị xã Hương Trà có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy, hải sản. Trước đây, do nuôi độc canh tôm sú nên nhiều hộ lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất vì tôm chết hàng loạt. Nhờ chuyển dịch cơ cấu đối tượng nuôi nên ngành nuôi trồng thủy sản tại địa phương đã có những dấu hiệu đáng mừng. Năm 2010, người dân làm quen với mô hình nuôi xen canh tôm, cua, cá và bước đầu thu được hiệu quả kinh tế cao, nhờ đó những khoảng nợ từ việc nuôi tôm được trang trải và nhiều hộ vươn lên thành hộ khá giả. Hiện nay, thị xã Hương Trà có 290,1 ha nuôi thủy sản nước lợ, 120 ha nuôi thủy sản nước ngọt; tổng số lồng nuôi cá 885 lồng, trong đó có 560 lồng nuôi cá nước lợ; sản lượng trong 6 tháng đầu năm đạt 260 tấn. Trong đó, tập trung chủ yếu ở 2 xã Hương Phong và Hải Dương.

Ông La Tiềm giới thiệu hồ nuôi

Là hai xã có địa hình thấp trũng được bao bọc bởi sông và phá nên tác động của thiên tai lên đời sống và hoạt động sản xuất là rất lớn. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và khai thác nuôi trồng thủy sản nên thường xuyên chịu ảnh hưởng từ lụt, bão và xâm nhập mặn. Trước nhu cầu thực tế làm cơ sở cho việc định hướng phát triển nông nghiệp một cách bền vững Trung tâm phát triển Nông thôn bền vững phối hợp với phòng Kinh tế thị xã Hương Trà tiến hành thực hiện mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá ở thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong và thôn Thai Dương Thượng Tây, xã Hải Dương. Dự án giúp người dân, tận dụng tối đa diện tích hồ nuôi có sẵn phát triển nghề nuôi theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu; tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho nông dân góp phần xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Trần Hưng Hải, chuyên viên Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà: Hoạt động nuôi trồng thủy sản của thị xã tập trung nhiều nhất ở 2 xã là Hải Dương và Hương Phong. Từ năm 2010, được sự hỗ trợ từ dự án “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vào cộng đồng” (SRD) và Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM) giúp người dân thấy được hiệu quả từ việc nuôi xen ghép, từ đó họ bắt tay vào mở rộng mô hình nuôi. Đến nay, nhờ áp dụng mô hình mà nhiều hộ trên địa bàn có kinh tế ổn định, nhiều hồ nuôi trước đó bỏ hoang giờ cũng được cải tạo, góp phần vào việc tận dụng diện tích nuôi tránh lãng phí. Theo đánh giá chung, đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, khả năng rủi ro thấp, cần được nhân rộng”.

Hiệu quả từ mô hình nuôi xen ghép

Trên điạ bàn 2 xã Hương Phong và Hải Dương người dân chủ yếu phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi xen ghép các loại tôm, cua, cá. Đến nay, xã Hải Dương có 78,2 ha; xã Hương Phong có 206,8 ha nuôi trồng thủy sản. Theo ông Nguyễn Khắc Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Hải Dương: Do thất thu trong mô hình nuôi độc canh tôm sú nên từ những năm 2010 đến nay người dân trên địa bàn xã chuyển sang mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá. Mô hình này tuy hiệu quả kinh tế không cao bằng nuôi tôm sú nhưng đảm bảo các hộ nuôi không chịu thua lỗ do dịch bệnh. Thu nhập từ 1 ha nuôi xen ghép có thể đạt 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng/năm.

Ông Ngô Thế, Phó chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết: Dự án “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng” do Trung tâm phát triển Nông thôn bền vững hỗ trợ người dân xây dựng mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá. Đến nay dự án đã hỗ trợ cho 4 hộ trên địa bàn xã, trong đó có 2 hộ phát triển mô hình ươm cua giống và 2 mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá. Với diện tích mỗi hồ nuôi là 0,5 ha và mức hỗ trợ vật tư ban đầu là 5 triệu đồng/hộ. Dự án còn tiến hành tập huấn kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh cho các đối tượng nuôi, tập huấn kỹ thuật nuôi xen ghép cho 60 hộ ở hai thôn Vân Quật Đông và thôn Thuận Hòa.

Ông La Tiềm, thôn Vân Quật Đông là một trong 4 hộ của xã Hương Phong nhận hỗ trợ từ dự án, cho biết: “Ban đầu dự án hỗ trợ cho gia đình chúng tôi 5.000 con cua giống với mức giá 1.200 đồng/con, sau khoảng 1,5 tháng bán với giá 5.000 đồng/con, nếu cải tạo tốt tỷ lệ sống có thể đạt 60% đến 80%. Gia đình tôi cũng tận dụng con giống này để tiến hành nuôi xen ghép tôm, cua, cá, hiệu quả đạt được rất cao. Hiện với 2 ha mặt nước nuôi xen ghép cá dìa, cá kình, cá đối mục, tôm sú và cua trung bình mỗi năm thu nhập của gia đình tôi vào khoảng 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Nhờ nuôi xen ghép có hiệu quả chúng tôi mới có kinh tế ổn định, tận dụng được diện tích nuôi bỏ hoang trước đây”.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Return to top