ClockThứ Bảy, 20/04/2024 06:45

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

TTH - Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Thành lập tổ công tác cấp huyện chỉ đạo trồng rừng gỗ lớnChuyển hóa rừng gỗ lớn, FSCTrồng rừng bền vững

 Nhiều chủ rừng tham gia phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh

Nhiều chủ rừng tham gia

Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 12 đơn vị chủ rừng nhà nước, bao gồm 6 Ban Quản lý rừng phòng hộ; 3 Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp và 2 Khu bảo tồn và Vườn quốc gia Bạch Mã đã xây dựng, được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững (QLRBV) với tổng diện tích hơn 203.522ha.

Đến hết quý I/2024, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn toàn tỉnh đạt 12.420ha, gồm: diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn và chuyển hóa gỗ nhỏ sang gỗ lớn các loài keo là 11.742ha, trong đó chủ rừng nhà nước là 3.466ha, hộ gia đình cá nhân là 8.275ha; diện tích rừng trồng sản xuất các loài cây bản địa là 681ha, trong đó diện tích của các đơn vị chủ rừng nhà nước là hơn 550ha, diện tích của các chủ rừng khác là 130ha.

Tổng diện tích rừng trên địa bàn được cấp chứng chỉ QLRBV đến quý I/2024 là 11.924ha, trong đó chủ rừng là tổ chức nhà nước (Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong) 3.117ha; chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác 8.807ha. Trong năm 2023, đã đánh giá cấp chứng chỉ cho nhóm hộ 1.060ha; trong đó, có hơn 942ha rừng tự nhiên và 117ha là rừng trồng.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhìn chung, các đơn vị đã tổ chức thực hiện phương án QLRBV theo đúng nội dung được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay đã có sự thay đổi những quy định pháp luật nên sở đang chỉ đạo các ban quản lý rừng rà soát, cập nhật, đối chiếu với các quy định hiện hành để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp.

Hiện Sở NN&PTNT đã tham mưu văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP. Huế thành lập tổ công tác cấp huyện để phối hợp triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo chi cục kiểm lâm thành lập tổ công tác cấp tỉnh thực hiện kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn, gắn với chứng chỉ QLRBV, với sự tham gia của các đơn vị như chi cục kiểm lâm, chi cục phát triển nông thôn, liên minh hợp tác xã tỉnh và các hạt kiểm lâm địa phương liên quan.

Có giải pháp lâu dài

Theo kế hoạch tỉnh đặt ra, phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh xây dựng được 14.000ha rừng trồng sản xuất các loài keo gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho cưa xẻ chế biến. Trong đó, có khoảng 11.500ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài keo do hộ gia đình, cá nhân quản lý và 2.500ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài keo do các chủ rừng nhà nước quản lý. Phấn đấu có khoảng 1.200ha rừng trồng keo đạt tiêu chuẩn rừng trồng gỗ lớn.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn đang còn gặp một số tồn tại, hạn chế như thị trường thu mua còn thất thường. Các chủ rừng vẫn còn tâm lý sợ gãy đổ khi gặp bão, lốc. Diện tích rừng trồng của hộ gia đình còn nhỏ, manh mún. Việc tìm kiếm và liên kết các doanh nghiệp thu mua sản phẩm từ gỗ có chứng chỉ rừng FSC còn hạn chế và người dân khó khăn khi tiếp cận với cây giống...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, hiện tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính nghiên cứu cơ chế chính sách để hỗ trợ nguồn lực trong phạm vi thực hiện. Tập trung ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án vào nhiệm vụ phát triển rừng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ QLRBV FSC nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm phát thải.

Xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Quản lý chặt chẽ, có hiệu quả các nguồn giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, ưu tiên lựa chọn các giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Rà soát quy hoạch quỹ đất trồng rừng sản xuất gỗ lớn các loài cây trồng rừng kinh tế phù hợp với điều kiện lập địa theo từng vùng sinh thái.

“Tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất và thị trường. Nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất gỗ lớn tập trung. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả của trồng rừng sản xuất gỗ lớn, phối hợp với các địa phương vận động chủ rừng tham gia thực hiện trồng rừng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ QLRBV FSC một cách có hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh khẳng định.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024)
Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

TIN MỚI

Return to top