ClockThứ Bảy, 05/06/2010 22:53

Một công trình tâm đắc của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân

TTH - Hơn 40 năm cầm bút với hơn 40 đầu sách viết về Triều Nguyễn và Huế xưa, trước thềm Festival Huế 2010 này, Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Đắc Xuân (NĐX) lại tiếp tục góp vào tủ sách nghiên cứu Huế một công trình nghiên cứu hết sức công phu-cuốn Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành.
Sách khổ 16x24 cm, dày 460 trang (không tính bìa), được trình bày trang nhã, in rõ đẹp, nhiều tư liệu quý hiếm lần đầu được công bố, xứng đáng có một vị trí trang trọng trong tủ sách của những người yêu Huế, yêu lịch sử...
 
Theo tác giả NĐX, sự thật thì cuốn sách đã được xuất bản cách đây đã 18 năm (1992). Tuy nhiên, vào lúc bấy giờ, phần quan trọng nhất của cuốn sách lại chưa thực hiện được. Đó là những hình ảnh liên quan đến lịch sử giai đoạn làm quan của Trần Tiễn Thành; 6 tập Văn Nghị Công niên biểu- bộ niên biểu mà theo nhận định của NĐX là “cuốn nhật ký hết sức quý hiếm ghi chép chuyện chung, chuyện riêng vừa có giá trị lịch sử (đặc biệt thời Tự Đức), vừa có giá trị về văn học cổ điển Việt Nam” - chưa chuyển ngữ được.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tại buổi giới thiệu sách PCĐT Trần Tiễn Thành
Không những thế, sách in năm 1992 kỹ thuật lạc hậu, chất liệu giấy, mực đều kém nên ít người tìm đọc. Cuốn Phụ chính đại thần (PCĐT) Trần Tiễn Thành tái bản lần này được bổ khuyết những phần thiếu sót trước đây và bổ sung thêm nhiều tư liệu, hình ảnh quý hiếm, trong đó, có nhiều tư liệu, hình ảnh mới được công bố lần đầu tiên như thư chúc thọ của vua Tự Đức khi Trần Tiễn Thành 70 tuổi; một số bài thơ của Trần Tiễn Thành...
 
Sách được chia làm 7 phần. Phần thứ nhất: “Đào Duy Anh, PCĐT Trần Tiễn Thành” là Tiểu sử đầy đủ PCĐT Trần Tiễn Thành do cụ Đào Duy Anh viết bằng Pháp ngữ, đăng trên BAVH (Tập san Đô thành hiếu cổ), được NĐX nhờ TS Bùi Trân Phượng-một người giỏi tiếng Pháp và am tường sử nhà Nguyễn - dịch giúp. Đây là bản dịch được NĐX cho là rất chuẩn, giới nghiên cứu có thể yên tâm tham khảo.
 
Phần thứ hai: “Quan hệ với các nhà duy tân”, là các tư liệu gốc thể hiện mối quan hệ của Trần Tiễn Thành với hai nhà duy tân Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch.
 
Phần thứ ba: “Tham luận về cái chết của Trần Tiễn Thành”. Các tham luận đều viết trước 1992, nhiều cách kiến giải nay đã cũ. Tuy nhiên, NĐX vẫn quyết định cho in để ghi lại nhận thức lịch sử của bản thân và giới nghiên cứu sử những năm 1990. Tác giả NĐX cũng bày tỏ mong muốn và hoan nghênh các nhà nghiên cứu trở lại vấn đề khi có tài liệu mới.
 
Phần thứ tư: “Trần Tiễn Thành qua sử sách” là phần tài liệu liên quan đến Trần Tiễn Thành do nhiều người viết với nhiều quan điểm khác nhau được NĐX sưu tập với mong muốn cung cấp cho các nhà nghiên cứu trẻ có tài liệu tham khảo, đỡ mất thời gian tìm kiếm mà có khi không tìm được.
 
Phần thứ năm: “Một vài mẩu chuyện” in lại một vài mẫu chuyện dời thường của Trần Tiễn Thành; những dấu tích liên quan đến quê hương của Trần Tiễn Thành...với những thông tin có khi gây bất ngờ cho giới nghiên cứu... NĐX dẫn chứng, như mảnh đất xây dựng nhà thờ họ Trần ngày nay vốn là nơi toạ lạc ngôi nhà của J.B. Chigneau thời Gia Long xưa...
 
Phần thứ sáu: giới thiệu và trích dịch tập thơ Ứng chế di cấu tập của Trần Tiễn Thành do Ngô Thời Đôn phiên âm, dịch thơ và chú thích. Tập thơ được biết là do các con trai của cụ Trần Tiễn Thành sưu tập gồm 1 bài phú, 1 bài luận và 38 bài ngũ ngôn, thất ngôn được Trần Tiễn Thành sáng tác, ứng hoạ trong khoảng thời gian từ 1851-1882. Theo nhận xét của NĐX, ngoài giá trị văn chương, tập thơ giúp chúng ta hiểu thêm về những uẩn khúc của lịch sử trước và sau thời Việt Nam bị Pháp đô hộ.
 
Phần thứ bảy: “Niên biểu Ngài Văn Nghị (1813-1883)” được xem là quan trọng nhất và chiếm đến 249 trang, nghĩa là hơn 1/2 độ dày cuốn sách. Niên biểu Ngài Văn Nghị (Văn Nghị Công niên biểu 1813-1883) được một bằng hữu của NNC NĐX là Thái Trọng Lai (Ngô Văn Lại) dịch và đưa lên Internet xin ý kiến độc giả, sửa chữa trong suốt gần 10 năm qua.
 
Theo giới thiệu của NĐX, trên danh nghĩa, niên biểu do cụ Trần Tiễn Hối (con trai PCĐT Trần Tiễn Thành) biên soạn, nhưng thực chất phần chính có nội dung giống như một loại nhật ký của chính tác giả Trần Tiễn Thành. Qua niên biểu Ngài Văn Nghị, người đọc biết được cụ thể con người, tình cảm, đạo đức, trình độ trí thức, tư cách của Trần Tiễn Thành. Niên biểu cũng cho ta thấy hình ảnh thực của vua Tự Đức, một ông vua rất giỏi văn học; cho ta thấy nếp sinh hoạt, làm việc, những tâm trạng buồn vui, ưu tư, phẫn nộ...của triều đình Tự Đức-những điều mà chính sử không thể và không hề đề cập.
 
Bên cạnh các tư liệu thành văn vừa kể, trong Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành còn có một số lượng hình ảnh khá dày dặn được soạn giả NĐX tập hợp từ nhiều sách sử đã đăng tải và từ cuốn Les Grandossiers de L’ Illustration l’Indochine, Histoire d’un siècle 1843-1944, Le Livre de Paris, 1987 được NĐX mua tại Paris năm 1996. Tuy nhiên, theo NCC NĐX bộc bạch thì là có ảnh rồi, nhưng chú thích ảnh thế nào cho chính xác, đó mới cái khó nhất? Có những bức ảnh, NĐX phải mất đến 3 năm tìm hiểu mới có thể chú thích được để đưa vào sách phục vụ bạn đọc…
 
Còn rất nhiều “trầm tích”, nhiều sự việc lịch sử liên quan đến Trần Tiễn Thành ở làng Minh Hương vẫn còn chưa được khám phá. Do vậy, NĐX kỳ vọng, những nhà nghiên cứu trẻ sau này sẽ nối tiếp ông phát lộ những “trầm tích” đó để làm sáng tỏ về nhân vật lịch sử Trần Tiễn Thành, làm sáng tỏ thêm về một giai đoạn bi tráng của lịch sử dân tộc...
 
                                                                Diên Thống
 
Trần Tiễn Thành sinh ngày 14-12-1813 tại làng Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Lúc nhỏ được đặt tên là Dưỡng Độn. Năm 17 tuổi, được thầy giáo đổi tên là Thời Mẫn do ông học chăm và thông minh. Năm 25 tuổi, ông đỗ cử nhân thứ 14 ở khoa thi Hương năm Đinh Dậu (1837) tại trường thi Huế. Năm sau (Mậu Tuất-1838) ông đỗ Tiến sỹ thứ 5, đệ tam giáp .
 
Đến tháng 10 năm ấy ông bước vào quan trường với chức Hàn lâm viện Biên tu. Năm 50 tuổi làm Binh bộ Thượng thư. Năm Tự Đức thứ 32 (1879), được phong Văn Minh điện Đại học sĩ (Trụ cột thứ 2 của quốc gia). Năm 1883, ông nhận di chiếu của vua Tự Đức làm Phụ chính đại thần cùng với Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và thọ tử trong năm này.
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

TIN MỚI

Return to top