Thế giới

Mỹ và Cuba chưa đạt được thỏa thuận mở đại sứ quán

ClockThứ Bảy, 23/05/2015 16:27
TTH.VN - Mỹ và Cuba tiến thêm một bước dài bình thường hóa quan hệ song phương sau 2 ngày đàm phán ở Washington, song vẫn chưa đi đến thỏa thuận mở đại sứ quán.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán Cuba, Vụ trưởng Vụ các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal và Trưởng đoàn đàm phán Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Tây Bán cầu Roberta Jacobson cùng cho biết, hai bên “rất lạc quan” về kết quả đàm phán khi đã tìm được tiếng nói chung và đạt được tiến triển lớn đối với nhiều vấn đề quan trọng.

Hai đoàn đại biểu Mỹ-Cuba trong cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington ngày 21.5 (Ảnh: AFP)

Bà Vidal cho rằng, so với cách đây 5 tháng, Washington và La Habana đang ngày càng tiến gần hơn tới việc mở lại các đại sứ quán sau 54 năm gián đoạn, dù vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết.

"Cả hai đoàn đại biểu nhất trí tiếp tục trao đổi về các khía cạnh liên quan đến các chức năng của cơ quan đại diện ngoại giao. Trong cuộc hội đàm, đoàn đại biểu Cuba nhấn mạnh đến việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự song phương bao gồm cả việc dỡ bỏ cấm vận, tiến tới việc bình thường hóa quan hệ song phương giữa Cuba và Mỹ trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và cùng có lợi”, bà Vidal nói.

Bà Vidal cho biết thêm, hai bên cũng nhất trí tổ chức vòng đàm phán tiếp theo trong vòng vài tuần tới.

Về phần mình, Trưởng đoàn Mỹ Jacobson đánh giá, cuộc đàm phán là “vô cùng hữu ích,” khẳng định hai bên đã ở rất gần mục tiêu mở lại các đại sứ quán sau hai ngày đàm phán: “Trong hai ngày qua, chúng tôi đã gặp gỡ với các quan chức Cuba để thảo luận về việc tái thiết lập quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Vòng đàm phán này, chúng tôi đề cập đến nhiều vấn đề và chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong vòng 5 tháng qua và càng tiến gần hơn đến việc tái thiết lập quan hệ và mở cửa trở lại đại sứ quán. Đây là những bước đầu tiên trong quá trình lâu dài để bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai bên”.

Vấn đề còn tranh luận hiện nay là, Mỹ và Cuba cần thống nhất về chức năng và hoạt động của các đại sứ quán sau khi quan hệ được khôi phục, cũng như cách ứng xử đối với các nhà ngoại giao.

Hiện nay, Mỹ quy định các nhà ngoại giao Cuba tại “Phái bộ Đại diện Quyền lợi” ở thủ đô Washington  và Phái bộ ngoại giao Cuba ở Liên Hợp Quốc phải xin phép nếu muốn đi ra ngoài bán kính 40 km.

Đoàn đàm phán Cuba cũng yêu cầu Washington phải đưa La Habana ra khỏi cái gọi “danh sách các nước bảo trợ khủng bố”, chấm dứt “các chương trình ủng hộ dân chủ” tại Đảo quốc Tự do, trong đó Mỹ đào tạo miễn phí báo chí, truyền thông và công nghệ thông tin cho người dân Cuba.

Cuba cáo buộc đó là những chương trình “trái phép” và vi phạm Công ước Viên về ngoại giao nhằm đào tạo các nhân vật chống đối chính quyền.

Kể từ khi mở vòng đàm phán đầu tiên hồi giữa tháng 1/2015 tới nay, hai bên đã thành công vượt qua nhiều rào cản như việc Washington quyết định đưa Cuba ra khỏi “danh sách các nước bảo trợ khủng bố”, nới lỏng các hạn chế về đi lại và thương mại, mở tuyến tàu thủy từ Florida tới Cuba và mới nhất là khôi phục quan hệ trong lĩnh vực ngân hàng.

Một khi hai bên đạt được thỏa thuận về việc mở lại các đại sứ quán, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ trình một bản thông cáo lên Quốc hội Mỹ 15 ngày trước khi mở đại sứ quán. Quốc hội Mỹ không thể ngăn chặn việc quyết định này vì đây là đặc quyền theo hiến định của tổng thống.

Vũ Anh Tuấn (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top