Thể thao trong nước

Người thích… “vác tù và hàng tổng”

ClockChủ Nhật, 24/09/2017 14:26
TTH - Hiện đang là giáo viên dạy thể dục ở Trường THPT Nguyễn Sinh Cung, lương giáo viên chỉ đủ cho Lê Bá Thương và gia đình sống đắp đổi qua ngày...

Lê Bá Thương (thứ nhất từ phải sang) cùng với học trò của mình tại giải Vovinam học sinh toàn quốc lần thứ I - năm 2017

Ăn bánh mỳ, đi bộ

Chiều một ngày giữa tháng 9, tình cờ gặp Lê Bá Thương, HLV môn võ Vovinam, ở một quán nước trên đường Lê Huân. Trò chuyện được dăm câu, tôi nghe Thương báo tin vui: “Vừa rồi, Thương đưa đoàn Vovinam Thừa Thiên Huế với 12 võ sinh tham dự giải Vovinam học sinh toàn quốc lần I – cúp Milo năm 2017 tại Thanh Hóa và giành được 1 huy chương bạc, 6 huy chương đồng”.

Lê Bá Thương sinh năm 1981 tại xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy. Từ năm học lớp 7, Thương theo học võ cổ truyền, môn phái Thiếu Lâm Nam Sơn. Đến năm 2003, sau khi thi đậu vào Trường đại học Hồng Bàng chuyên ngành võ thuật, lúc đầu Thương không có ý định theo học Vovinam, nhưng rồi cơ duyên đã đưa Thương đến với môn võ này và anh gắn bó với Vovinam từ đó cho đến nay. Lê Bá Thương cho biết: “Gia đình có 12 người con, Thương là con trai út và chỉ có một mình Thương theo nghề võ”.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2007, ban đầu Thương có ý định ở lại TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, nhưng rồi anh quyết định ra Huế để được gần gia đình. Trong những ngày đầu trở về quê nhà, thấy Vovinam ở Huế chưa phát triển, Thương quyết tâm đem hết sức lực để góp phần giúp môn võ mà mình yêu thích phát triển mạnh trên quê nhà. Thương tự liên hệ với nhiều nơi để xin mở lớp dạy Vovinam. Những ngày đầu, việc mở lớp dạy Vovinam của Thương gặp rất nhiều khó khăn. Bằng quyết tâm của mình, Thương đã vượt qua và môn võ Vovinam mà Thương là người gieo mầm đã “đâm chồi nảy lộc” ở Huế.

Không chỉ chăm lo đào tạo cho học trò về chuyên môn, Thương còn lo cả việc quảng bá môn võ này đến với mọi người. Từ năm 2008 đến nay, Thương và các học trò đã tham gia các Hội diễn võ thuật cổ truyền tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm; tham gia biểu diễn võ thuật tại các kỳ Festival Huế và tại các lễ hội lớn của tỉnh. Thương rất chú trọng đến việc đầu tư cho học trò tham gia thi đấu các giải Vovinam trong nước để rèn luyện, cọ xát và tích lũy kinh nghiệm. Nhờ tích cực tham gia các hoạt động võ thuật của tỉnh nhà nên môn võ Vovinam cùng với tên tuổi Lê Bá Thương đã được nhiều người biết đến; số lượng người xin theo học Vovinam ở Huế ngày càng tăng. Cùng với đó, số lượng huy chương mà thầy trò Lê Bá Thương giành được tại các giải Vovinam cấp quốc gia cũng tăng dần theo năm tháng.

Một kỷ niệm khiến Thương nhớ mãi, đó là lần đầu tiên Vovinam Huế tham dự giải Vovinam trong khuôn khổ đại hội TDTT toàn quốc lần VI diễn ra ở TP. Cần Thơ. Chuyến đi của thầy trò Lê Bá Thương rất vất vả vì kinh phí hạn hẹp (Thương phải bỏ tiền túi để tài trợ cho 5 học trò của mình đi thi đấu – PV). Trong khi các đoàn khác từ khách sạn đến nơi thi đấu bằng ôtô thì thầy trò Lê Bá Thương phải đi bộ để tiết kiệm tiền. Các VĐV của những đoàn khác được ăn ở tại các khách sạn, nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi, còn các học trò của Thương phải nghỉ ở một nhà trọ rẻ tiền và ăn cơm bụi. “Nói ra thì xấu hổ, nhưng vào buổi sáng tôi chỉ ăn bánh mì vì còn dành tiền cho học trò của mình ăn uống đầy đủ để có sức để thi đấu. Tuy kham khổ, nhưng các học trò của tôi đã thi đấu rất nỗ lực và cả 5 em đều vượt qua vòng sơ loại. Riêng em Lê Minh Tuấn bước vào trận tranh huy chương đồng và chỉ thua VĐV của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do còn non kinh nghiệm” – Lê Bá Thương nhớ lại.

Khát vọng vẫn luôn cháy bỏng

Không chỉ lần đó mà những lần sau này, khi cùng học trò của mình tham dự các giải Vovinam khác, chuyện tiền nong cũng khiến Thương rất vất vả. Anh phải liên hệ, vận động các mạnh thường quân tài trợ. Đồng thời “chạy đôn, chạy đáo” đến các cơ quan chức năng xin hỗ trợ thêm chút kinh phí. “Từ khi thành lập cho đến nay, chưa khi nào học trò tôi đi thi đấu mà không có thành tích. Thế nhưng việc xin kinh phí và xin tham gia các giải đấu luôn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khi nản quá, định buông  xuôi, nhưng thấy học trò của mình rất quyết tâm cộng với đam mê trong người chưa nguội lạnh, tôi lại nỗ lực, cố gắng để chứng tỏ thương hiệu Vovinam Huế với làng võ trên cả nước” – Lê Bá Thương trải lòng.

Rất may, vợ của Thương biết cảm thông và chia sẻ niềm đam mê của chồng. Chị Mai Thị Cẩm Quyên, vợ của Lê Bá Thương, cho biết: “Tôi vẫn hay gọi đùa chồng tôi là người thích vác tù và hàng tổng bởi vì nhiều lúc anh lo việc thiên hạ hơn lo việc nhà. Tiếng là dạy võ ở nhiều nơi, nhưng số tiền thu nhập từ việc dạy võ của anh ấy rất ít. Hễ thấy học trò có hoàn cảnh khó khăn là anh ấy không thu tiền dạy”.

Tuy phong trào tập luyện Vovinam ở Thừa Thiên Huế đã phát triển, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng đất này. Hiểu rõ điều này, Lê Bá Thương vẫn không ngừng nỗ lực trong việc đẩy mạnh phong trào tập luyện Vovinam ở Cố đô Huế. Bên cạnh mở thêm các lớp dạy Vovinam phong trào, Lê Bá Thương còn tích cực tìm kiếm và đào tạo các VĐV Vovinam trẻ có triển vọng làm lực lượng nòng cốt ở các giải đấu Vovinam tầm quốc gia trong tương lai. Anh cho biết, thông qua các lớp võ do anh giảng dạy và qua nguồn ở các trường tiểu học, THCS anh đã "chấm" được nhiều em có tố chất để trở thành những VĐV Vovinam giỏi. Mục tiêu trước mắt là huấn luyện và đào tạo các em để những năm tới có thể tham gia các giải Vovinam trẻ ở khu vực và toàn quốc.

Khát vọng và mơ ước vẫn luôn cháy bỏng trong Lê Bá Thương, nhưng để biến ước mơ thành hiện thực vẫn là một quãng đường dài mà Thương đang phải nỗ lực vượt qua. Trước khi chia tay, Lê Bá Thương cho biết vào cuối tháng 10 tới ở Bình Dương sẽ diễn ra giải vô địch Vovinam toàn quốc lần thứ 25, Thương và các học trò của mình rất muốn tham dự nhưng chưa biết lấy đâu ra tiền để làm lộ phí...

Bài, ảnh: HÀO VŨ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Tết muộn

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển quanh năm đượm mùi tôm cá. Tết của những làng chài ven biển cũng không khác gì ở những nơi khác, có chăng chỉ là tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến đi biển xa biền biệt của ba. Vì thời gian tết về thì ở chỗ chúng tôi cũng là lúc bắt đầu mùa cá. Khi ấy những người đàn ông sẽ dong thuyền ra khơi và có khi đi cả tháng trời mới về. Tết của chúng tôi khi ấy vừa là hòa vào không khí chung của ngày lễ cổ truyền, vừa là sự chờ đợi và cầu bình an cho những người chủ gia đình đang lênh đênh trên sóng.

Tết muộn
Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng

Vòng xe chúng tôi lăn bánh từ Nghệ An rồi trở lại Huế, chưa có chuyến đi nào đầy cảm xúc như chuyến đi này. Mỗi gia đình người hiến mô/tạng là một câu chuyện khác nhau, song tựu trung vẫn là cái nhìn vị nhân sinh, sự cho đi nặng trĩu tình người…

Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng
Return to top