ClockThứ Tư, 10/04/2024 06:40

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

TTH - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Sinh viên Đại học Huế lan tỏa “Ngày Chủ nhật xanh”1.000 học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu về tài chính

 Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành

Người học đánh giá giảng viên

Thông tư 01 về chuẩn cơ sở giáo dục đại học vừa có hiệu lực từ ngày 22/3/2024, bao gồm 6 tiêu chuẩn: Tổ chức và quản trị; giảng viên; cơ sở vật chất; tài chính; tuyển sinh và đào tạo; nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Chuẩn cơ sở đào tạo là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng…

Trong các tiêu chuẩn, tiêu chuẩn thứ 5 về “Tuyển sinh và đào tạo” được người học, lẫn người dạy quan tâm hơn cả vì trong tiêu chuẩn có tiêu chí: “Tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%”.

Như thế, người học không chỉ có việc đến trường, tiếp thu kiến thức mà còn là đánh giá chất lượng giảng viên và chất lượng đào tạo của các trường. Bởi chỉ khi 70% người học trở lên đánh giá hài lòng thì cơ sở đào tạo đó mới có thể đạt chuẩn. Với quy định này, sinh viên được phát huy quyền và lợi ích chính đáng.

 Môi trường học tập vui vẻ, tạo hứng khởi cho người học. Ảnh: MT

Một sinh viên chia sẻ, chúng em đã từng phản ánh về cơ sở vật chất trong nhà trường ít được đầu tư, nhiều trang thiết bị phục vụ học tập không sử dụng được, chưa đáp ứng nhu cầu học tập, cũng như nghiên cứu khoa học của sinh viên. Hay với một số giảng viên còn áp dụng phương pháp giảng dạy cũ, nặng về lý thuyết, chưa cập nhật kiến thức mới phù hợp với sự phát triển… Tuy nhiên, nhiều phản ánh chưa được giải quyết một cách đầy đủ, thậm chí không thay đổi. Hoặc những tồn tại đó, sinh viên chỉ trao đổi bên lề với nhau vì thiếu đi một kênh phản ánh đủ sức nặng để nhà trường tiếp nhận và thay đổi theo mong muốn chính đáng của người học.

Thông tư 01 nêu rõ, các cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học. Thời điểm chốt số liệu là ngày 31/12 hằng năm; đối với số liệu về tài chính, thời điểm chốt số liệu là ngày 31/3 của năm tiếp theo. Công bố kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30/6 hằng năm, bắt đầu áp dụng từ năm 2025.

Nâng chất lượng đào tạo

Theo các trường đại học, trên thực tế, để tăng chất lượng đào tạo, thu hút người học thì hằng năm, các trường luôn tiến hành khảo sát sự hài lòng của người học về chất lượng đào tạo. Tỷ lệ người học hài lòng luôn đạt trên 70%, mức tối thiểu của chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư 01. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là con số mang tính tham khảo. Bên cạnh đó, việc khảo sát sự hài lòng của người học về giảng viên ít khi được triển khai, nên chưa có những tác động đủ mạnh làm thay đổi phương pháp giảng dạy của các giảng viên.

TS. Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế đánh giá, chuẩn cơ sở giáo dục đại học phù hợp với thực tiễn phát triển giáo dục đại học hiện nay, nhằm hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng sự hài lòng của người học. Hay nói cách khác, cơ sở giáo dục đại học cần coi người học như “khách hàng đặc biệt”. Tiêu chí về sự hài lòng của người học thể hiện quan điểm coi người học là trung tâm; đồng thời phát huy quyền dân chủ và tôn trọng “tiếng nói” của người học. Đó cũng là cách để tăng tính chủ động, tập dần kỹ năng phản biện khi còn trong giảng đường của sinh viên.

TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế phân tích, phải khách quan rằng, lâu nay vẫn còn sự dễ dãi trong bình chọn, đánh giá giảng viên, viên chức cuối năm. Chưa tạo ra những áp lực đủ lớn để người dạy thay đổi. Chính vì vậy, thông qua các tiêu chí chấm điểm của người học, sẽ là kênh để đánh giá khách quan nhất về chất lượng đội ngũ quản lý, giảng viên nhà trường. Quan trọng hơn là từ đó thúc đẩy sự thay đổi, nâng chất lượng đào tạo. Đặc biệt, khi tự chủ giáo dục đại học được triển khai, sự thay đổi đầu tiên phải là phía cơ sở đào tạo, để tăng tính cạnh tranh thu hút người học từ chất lượng.

Thông tư 01 quy định, cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết để thường xuyên giám sát, cải tiến chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục đại học, bảo đảm đạt được tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, các bên có liên quan về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục đại học thông qua kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

TIN MỚI

Return to top