ClockChủ Nhật, 14/04/2024 06:42

Lòng biển

Ngọn hải đăng

1. “Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Hoàng hôn buông xuống. Bầu trời đỏ rực nhuốm lên mặt nước biển long lanh. Lúc này khách du lịch đã về hết, sự tĩnh lặng khiến người ta nghe rõ từng nhịp sóng xôn xao. Khôi thả hồn vào giai điệu của sóng, nấn ná không muốn về.

Khôi rảo bước nhanh trên mặt cát mát lạnh, anh thoăn thoắt nhặt từng loại rác nằm ngổn ngang trên cát trắng bỏ vào sọt, cứ thế cần mẫn đến quên lãng thời gian. Nhưng khi mà anh đã cố gắng dọn sạch chỗ này, thì cách đó không xa, sóng lại dập vào bờ, cuốn theo bao nhiêu rác. Nhìn rác lênh đênh theo sóng biển, anh khẽ thở dài.

 

Nhiều người bảo Khôi là đồ rỗi hơi. Kể cũng hơi chạnh lòng nhưng anh mỉm cười tự nhủ: “lòng mình muốn gì chỉ có mình mới hiểu”. Với Khôi tiếng sóng biển như hơi thở vậy, anh nghe tiếng sóng du dương mà lớn lên mỗi ngày. Nhà Khôi ba đời đi biển, nhưng sau trận bão năm ấy, bố đã không trở về. Biển đã giấu bố vào một góc nào đó để người ở lại cứ mãi đau đáu ngóng trông. Chiều lòng mẹ, Khôi không ra khơi. Nhưng nỗi nhớ biển cứ cồn cào, biết làm gì khi anh là kẻ đứng núi này nhưng lại trông núi nọ, làm việc gì cũng cảm thấy không hợp, không vui. Cuối cùng anh quyết định gia nhập đội cứu hộ ven biển, công việc này giúp anh được lang thang cả ngày trên biển, đắm mình trong sóng gió biển khơi. Và anh thỏa mãn.

2. Màn đêm buông xuống. Phố đã lên đèn, xa xa trên mặt biển ánh sáng từ thuyền đánh cá hắt ra lấp lánh như sao trời. Trên bãi biển chỉ còn tiếng sóng và tiếng gió rì rào. Khôi vẫn ngồi trên bãi cát, đưa mắt nhìn ra biển, hít lấy hương biển như một thói quen.`Chợt anh giật mình, theo phản xạ, anh lao tới phía bóng người đang vẫy vùng trong sóng.

- Cô làm gì thế, muốn chết phải không. Biển cảnh báo nguy hiểm đấy, không nhìn thấy à?

- Phải, tôi đang muốn chết đây. Cô gái nằm vật ra cát rồi òa khóc nức nở.

- Tôi xin lỗi. Nhưng trước khi làm gì thì tôi cũng mong cô hãy nghĩ đến những người sinh ra mình.

Khôi dịu giọng. Cô gái không trả lời, tiếng khóc mỗi lúc một to hơn. Khôi cảm thấy bối rối, định làm gì đó để an ủi cô, nhưng anh lại không thể.

- Nhà cô ở đâu, có cần tôi đưa về không?

- Tôi làm gì có nhà để mà về - Cô gái cười nhạt.

Hai bóng đen ngồi im lặng trong đêm tối. Thỉnh thoảng, Khôi liếc nhìn cô gái. Anh bỗng thấy ngột ngạt đè nén, không muốn làm phiền người ta, nhưng cũng lại không yên tâm để cô một mình mà ra về. Từ ngày gia nhập đội cứu hộ ven biển, anh đã cứu giúp bao người thoát nạn nhờ vào tài bơi lội của mình. Phần lớn, họ là khách du lịch, không chú ý nên rơi vào xoáy nước sâu, cũng có người không may đang tắm thì bị chuột rút hoặc bị cảm.

Nhưng cô gái này thì lạ lắm, có vẻ như cô đang muốn trút mọi bực dọc, tủi hờn lên biển mà không biết rằng điều đó rất có thể phải trả giá bằng cả mạng sống.

3. Khóc đúng là cách tốt nhất để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong lòng người. Nguyên ngồi một mình trong căn phòng lạ lẫm, cảm giác cô đơn bao trùm tâm trí cô. Phải, muốn chết đâu có dễ dàng. Nhìn vào vết lằn thâm nơi cổ tay mình cô chợt nghĩ nếu không có người thanh niên ấy, có lẽ giờ này mình đã nằm yên dưới lòng biển.

Giả sử nếu cô chết thì sao nhỉ? Khi ấy, bố có hối hận không? Chắc gì bố đã bận tâm, từ chiều tới giờ bố có thèm hỏi han gì đâu. Có lẽ với bố, Nguyên mãi mãi là đứa con hư, hay gây chuyện. Nhớ năm lên bốn, Nguyên đi biển cùng gia đình, khi ấy cô bé ngây ngô vờn theo những con sóng bồng bềnh. Sóng vồ vập, cuộn lấy cô ngột ngạt, rồi nhấn chìm cô vào một nơi hun hút, cô chỉ biết vẫy vùng trong vô vọng. Đến khi tỉnh lại thì đau đớn biết rằng mẹ đã vì mình mà hy sinh cả mạng sống. Từ đó lòng Nguyên luôn dằn vặt khôn nguôi, cô tự thấy mình thật đáng ghét.

Bố lấy vợ khác. Nguyên có thêm một đứa em gái tên Thoa. Thoa luôn là tâm điểm chú ý của mọi người. Ai cũng hết lời khen ngợi Thoa mà chẳng để ý đến cảm xúc của Nguyên. Ngày nhỏ hai đứa hay tranh giành đồ chơi. Mỗi khi như vậy, người lớn lại bảo Nguyên phải nhường em. Nguyên cũng ngậm ngùi nhường dù trong lòng biết bao ấm ức.

Nhưng Khang lại khác. Khang là mối tình đầu của Nguyên. Yêu anh, cô đã nghĩ nhiều hơn về một ngôi nhà hạnh phúc và những đứa trẻ. Thế nhưng bằng một cách nào đó, Thoa đã khiến Khang rời xa cô. Nhìn Thoa và Khang quấn quýt bên nhau lòng cô dậy sóng. Hai chị em đã cãi vã một trận khủng khiếp. Bố biết chuyện mà vẫn im lặng. Nguyên tuyệt vọng nhận ra hình như trên thế gian này không một ai đứng về phía mình.

Cô chợt nghĩ đến bãi biển năm ấy. Bao lâu rồi cô không dám đi biển. Cô sợ những ký ức đau thương sẽ lại vồ vập lấy tâm trí khiến con người bức bí đến ngạt thở. Trong giây phút tuyệt vọng, tự dưng cô muốn được đắm chìm vào biển. Muốn được một lần không sợ hãi, muốn những mảnh ký ức vụn vỡ cứ thế nhẹ nhàng tan ra, êm đềm. Đúng, chết là cách giải thoát tốt nhất. Thế nhưng chính cái gã kia đã ngăn cô lại, hắn lại muốn cô sống, lại để cô tồn tại với bao bế tắc.

Nắng chói chang, xuyên qua ô cửa kính nhức nhối. Nguyên bừng mở mắt, gần trưa rồi, cô không biết mình đã thiếp đi từ lúc nào. Cô vùng dậy toàn thân đau mỏi, mái tóc rối bời, cái bụng đói đang réo lên từng hồi. Cô lục tìm điện thoại nhưng không thấy, lẽ nào đã mất rồi. Bỗng có tiếng gõ cửa. Người dọn phòng thốt lên:

- Đúng là cô rồi, lắm người gọi cô quá. Sáng cô ngủ, tôi gọi mãi không được, có người gửi điện thoại cho cô này.

Nguyên ngạc nhiên hỏi lại: - Là ai gửi thế?

- Bà bán nước đầu ngõ gửi cho cô đấy. Bà ấy bảo cô bỏ quên từ chiều qua nhưng không thấy quay lại nên mang gửi ở đây. May mà trên này có hình cô nên chúng tôi mới nhận ra.

Nguyên nhận lấy điện thoại, khẽ nói lời cảm ơn. Lòng cô lắng lại, thì ra trên đời này vẫn có những người tốt. Cô vô cùng bất ngờ bởi có đến mấy chục cuộc gọi nhỡ từ bố. Bố còn nhắn cả một tin nhắn thoại trên zalo khá dài. Nguyên bật khóc, thì ra bố vẫn rất yêu cô, quan tâm đến cô, chỉ là cô luôn tự dằn vặt và tìm cách đổ lỗi thôi. Mở zalo Nguyên nhắn tin cho bố trong nghẹn ngào: “Bố, con vẫn ổn mà, bố đừng lo cho con. Con đi chơi vài ngày rồi con về ạ!”. Nguyên bỗng thấy lòng nhẹ nhõm một cách kỳ lạ.

4. Chiều nay biển đẹp quá, trời xanh, nước xanh, bờ cát trắng lung linh trong nắng, khách đông nườm nượp, tiếng cười nói vang động cả khoảng trời.

“Đề nghị mọi người chú ý an toàn, không tắm quá xa bờ, không lại gần vùng nguy hiểm đã có biển cảnh báo. Và không vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm biển”. Một giọng nói trầm ấm vang lên giữa đám đông huyên náo. Người thanh niên vừa cầm loa nói vừa ra hiệu. Nguyên ngạc nhiên nhận ra anh chính là người cứu mình đêm qua. Bờ vai rắn chắc nâu bóng dưới nắng, nụ cười anh tươi tắn. Anh cứ đi từ đoạn này đến đoạn khác, thấy có nguy hiểm là nhắc nhở ngay. Nguyên cứ ngồi nhìn người thanh niên ấy mãi cho đến khi hoàng hôn buông xuống. Khi khách đã vãn, bà lão bán nước đon đả hỏi chuyện:

- Cháu này, cháu đi biển mà sao không xuống tắm?

Nguyên ngượng ngùng: Cháu sẽ về luôn đây ạ!

- Ấy, khoan hãy về. Cháu cứ ngồi đây, bà mang cho thằng Khôi cốc nước nó uống cho mát rồi bà quay lại. Nói rồi bà lão thoăn thoắt tiến về phía bãi biển. Nguyên dõi mắt nhìn theo.

- Bà ơi, anh chàng ấy tên Khôi ạ?

- Ừ, đúng rồi. Đó, thằng bé hiền lành, tử tế lắm. Nó là thành viên đội cứu hộ, tan ca làm mà cứ ở lại lượm rác, nó bảo rác làm bẩn biển. Cái thằng làm gì cũng đến là nhiệt tình.

Nguyên bỏ dép, đôi chân trần băng trên cát êm dịu. Lại gần Khôi, cô nhanh nhẹn bỏ rác mình lượm được vào trong sọt:

- Chào anh, tôi cũng muốn được làm sạch biển.

Anh mở to mắt vẻ kinh ngạc:

- Cô là ai?

- Tôi là cô gái bị điên đêm qua, may mắn được ai đó cứu.

Khôi bỗng thấy mặt mày nóng ran, tự dưng anh thấy hồi hộp.

- Sao, hôm nay anh cho tôi nhập đội với anh nhé. Kìa, hoan nghênh tôi đi!

Khôi bối rối:

- Tôi rất hoan nghênh, giá như có thêm thật nhiều người nữa có ý thức bảo vệ môi trường thì tốt quá. Cô nhìn xem, biển đẹp thế, vậy mà...

- Nhưng anh đâu thể nào nhặt hết được, có bao nhiêu rác nằm vĩnh viễn trong lòng biển.

- Đúng, nhiều khi tôi thấy bất lực.

- Vậy sao anh vẫn cần mẫn thế?

- Vì tôi yêu biển. Chỉ cần hiểu vậy thôi.

Nguyên nhìn Khôi. Dưới hoàng hôn ửng đỏ, cô thấy trong mắt anh lấp lánh bao niềm tin vào cuộc sống.

Một tuần sau Nguyên trở lại tìm gặp Khôi. Cô mở điện thoại ra khoe:

- Anh nhìn xem, bức ảnh em chụp anh đang lượm rác đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Hội những người yêu biển tôi lập ra đã thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên rồi. Chúng em quyết định cứ chiều thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần cả đội sẽ tập hợp ra biển thu gom rác. Đồng thời có thêm nhiều hành động tuyên truyền cho mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Anh thấy ổn không? - Nguyên phấn khởi nói về chiến công mà mình vừa lập được.

- Thật sao, cô không đùa tôi chứ?

- Thật. Anh xem này - Nói rồi, cô giơ màn hình điện thoại lên cho Khôi nhìn. Anh mỉm cười vui sướng.

Nụ cười hạnh phúc của Khôi làm lòng Nguyên thấy ấm lạ lùng. Thì ra, cuộc sống này vẫn luôn tồn tại những điều ý nghĩa.

Hai người cùng đi dọc bờ biển hồi lâu, lượm hết rác một đoạn dài. Khi màn đêm ập xuống, họ ngồi trước biển, kể cho nhau nghe những câu chuyện của chính mình. Khoảnh khắc đó, Nguyên chợt nhận ra chính lòng tốt là sợi dây kết nối những người xa lạ, giúp họ gần nhau hơn.

- Khôi này, anh có bao giờ nghĩ lòng biển rộng đến chừng nào không?

- Có. Nhưng nghĩ hoài không ra!

Giọng Nguyên đằm thắm:

- Em cũng chẳng biết lòng biển sâu rộng đến chừng nào. Chỉ biết rằng biển là nơi thấp nhất để nhận nước từ các con sông đổ về. Mỗi chúng ta hãy sống như biển vậy, là nơi thấp nhất để đón nhận mọi thứ. Lòng biển, lòng người có chăng chỉ là những khái niệm. Phải vậy không anh?

Khôi mỉm cười và bất chợt siết chặt bàn tay người con gái đang bên cạnh anh. Rất gần!

Trần Tú
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top