Thể thao trong nước

Nguyễn Hữu Thắng & ký ức 1995

ClockChủ Nhật, 23/07/2017 06:06
TTH - Còn đúng 1 tháng nữa, trái bóng của môn bóng đá nam SEA Games 29 sẽ lăn trên sân cỏ của Malaysia. Những người yêu bóng đá Việt Nam chắc vẫn còn nhớ, cách đây 12 năm, tại SEA Games 19 ở Thái Lan, Nguyễn Hữu Thắng (bây giờ là HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam) đã cùng đồng đội làm nên lịch sử khi lần đầu tiên - kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với khu vực - vào đến trận chung kết gặp chủ nhà Thái Lan…

 Liệu HLV Nguyễn Hữu Thắng có đổi được màu huy chương tại SEA Games 29? Ảnh: Internet

Ký ức 1995

Mùa đông 1995, tại Chieng Mai - Thái Lan, bóng đá Việt Nam đã đến với SEA Games với một thế hệ cầu thủ mới mà bây giờ người hâm mộ vẫn thường vinh danh là “Thế hệ vàng” - cho dù họ không bao giờ là nhà vô địch của Đông Nam Á. Thế hệ đó gồm Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Hữu Đang… Tất nhiên, một gương mặt không thể không nhắc đến đó là trung vệ số 4 điển trai người Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Thắng.

Nguyễn Hữu Thắng cũng là cầu thủ duy nhất của “lò” Sông Lam có mặt trong đội tuyển Việt Nam lúc đó. Anh được mệnh danh là “máy quét” ở hàng trung vệ bên cạnh trung vệ đội trưởng Nguyễn Mạnh Cường… Đội tuyển Việt Nam lúc đó là một ẩn số của SEA Games với lối chơi hừng hực lửa. Là một Nguyễn Hồng Sơn đầy chất ngẫu hứng, là một Lê Huỳnh Đức chính xác và lạnh lùng trong những cú dứt điểm, là một Võ Hoàng Bửu bình tĩnh, tự tin trong từng cú sút phạt 11m. Nhưng để có những chiến thắng và đi đến trận chung kết gặp Thái Lan, phải kể đến hàng phòng ngự chơi rất chặt chẽ gồm 3 trung vệ Nguyễn Mạnh Cường - Nguyễn Hữu Thắng - Nguyễn Hoàng Anh Dũng cùng hai hậu vệ cánh Lê Đức Anh Tuấn và Nguyễn Chí Bảo.

Hơn ai hết, bây giờ đang là kiến trúc sư cho đội tuyển U22 Việt Nam, HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ rất nhớ lần dự SEA Games đầu tiên của mình. Thật ngẫu nhiên, khi mà tại SEA Games 29 này, các học trò của HLV xứ Nghệ cũng ở chung bảng với hai đối thủ mạnh là Thái Lan và Indonesia. Nhiệm vụ của đội tuyển U22 Việt Nam trước hết là phải vào bán kết. Để đạt được mục tiêu này, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng phải vượt qua một trong hai đối thủ nói trên. Nói cụ thể hơn, trong 3 ứng cử viên cho chức vô địch thì U22 Thái Lan vẫn là số 1, vì vậy U22 Việt Nam chỉ còn một cửa, là vượt qua U22 Indonesia để vào bán kết. Và liệu, kết quả của SEA Games 19 sẽ lặp lại tại SEA Games 29 này?

Thử so sánh hai thế hệ

Thế hệ cầu thủ năm 1995 bây giờ đều đã là U50. Trong số họ có những người đang là HLV nổi tiếng như Nguyễn Hữu Thắng, Lê Huỳnh Đức; có những người gắn bó với công tác đào tạo bóng đá trẻ như Nguyễn Hồng Sơn, Trần Minh Chiến; lại có người đã xa hẳn sân cỏ như Lê Đức Anh Tuấn, Nguyễn Chí Bảo… Nhiều người hâm mộ vẫn nhận xét rằng đó là thế hệ cầu thủ tài năng nhất của bóng đá Việt Nam trong suốt 3 thập kỷ qua. Tất nhiên cũng có người không đồng ý với nhận xét này.

Nhưng có thể nhận thấy, lứa U22 bây giờ mà HLV Nguyễn Hữu Thắng có trong tay cũng là một lứa cầu thủ có nhiều tài năng. Liệu họ có làm được hơn những gì mà các bậc tiền bối của họ đã làm cách đây đúng 10 kỳ SEA Games?

Còn nhớ, khi các cầu thủ U19 Việt Nam mà nòng cốt là các cầu thủ trẻ của Hoàng Anh Gia Lai gây ấn tượng cách đây 2 năm, lúc đó, đã có nhiều ý kiến đánh giá rằng đây sẽ là lứa cầu thủ có nhiều tiềm năng để đưa bóng đá Việt Nam giành HCV SEA Games sau hơn cả nửa thế kỷ chờ đợi. Tuy nhiên, bóng đá trẻ luôn thay đổi từng mùa. U19 có thể đá rất hay nhưng bước qua lứa tuổi U20, U21 thì không còn hay như trước nữa. Nhiều cầu thủ tỏa sáng sớm, nếu không vượt qua được áp lực từ nhiều phía sẽ bị thui chột tài năng, mà tiền đạo Nguyễn Công Phượng đang là một dấu hỏi…

Nhưng như nhận định của giới chuyên môn, không có đội bóng nào tại SEA Games 29 sắp đến lại có lực lượng giàu kinh nghiệm, đồng đều như U22 Việt Nam. Trong đội hình của HLV Nguyễn Hữu Thắng đang có ít nhất 10 tuyển thủ quốc gia từng thi đấu tại vòng loại World Cup 2018, AFF Cup, vòng loại Asian Cup. Việt Nam cũng có ít nhất 20 cầu thủ từng thi đấu tại VCK U19 châu Á từ năm 2015 đến nay. Trong tay HLV Nguyễn Hữu Thắng là một dàn cầu thủ từng đá ít nhất 1 kỳ SEA Games, 1 kỳ World Cup U20, chưa tính VCK U23 châu Á. Điều quan trọng hơn cả mà không có đội nào có được, là đa số họ đều đang chơi bóng ở đội hình 1 của các CLB V-League.

Nếu so sánh giữa hai thế hệ, thì rõ ràng dù chỉ đang ở độ tuổi U22 thôi nhưng những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, Tiến Dũng… đã có quá nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế hơn thế hệ của thầy Nguyễn Hữu Thắng năm nào. Cũng cần nói thêm, khi đội tuyển Việt Nam giành HCB SEA Games 19 thì những ngôi sao của đội như Lê Huỳnh Đức cũng chỉ mới 22 tuổi, Trần Minh Chiến 21 tuổi và ngay cả Nguyễn Hữu Thắng lúc đó cũng mới 23 tuổi…

Rõ ràng, người hâm mộ bóng đá Việt Nam có cơ sở để đặt niềm hy vọng giành HCV SEA Games vào đội tuyển U22 Việt Nam khi nhìn vào lực lượng đang có. Vấn đề còn lại là tài cầm quân của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Liệu HLV xứ Nghệ sẽ đổi màu được chiếc huy chương mà ông đang có trong hành trang sân cỏ của mình?

Phi Tân

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa

Nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ Văn Cao được biết đến là một trong những nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ca khúc “Tiến quân ca” của ông được chọn là Quốc ca Việt Nam. Năm 2023 là tròn 100 năm ngày sinh của bậc tài danh ấy (15/11/1923 - 15/11/2023).

Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa
Return to top