ClockThứ Bảy, 18/07/2015 16:08

Nuôi ong “chống” phá rừng

TTH - Khi những đàn ong theo chủ từ trong Nam di cư ra, lao xao trong những cánh rừng keo tràm ở vườn nhà, người dân xã Hương Hòa, Hương Phú (huyện Nam Đông) cũng đã học được nghề nuôi ong, giảm bớt cuộc việc dựa vào rừng để làm sinh kế.

Thay đổi tập quán sản xuất

Trò chuyện về nghề nuôi ong ở Hương Hòa, ông Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã bảo rằng: “Nuôi ong ở đây đầu tiên là những cán bộ trong xã sau rồi mới đến dân. Vào mùa hè, những bầy ong “di cư” theo người nuôi từ trong Nam ra gửi ở các vườn hoa lấy mật, một số anh em có người bà con bỏ lại cho vài đàn nuôi thử, không ngờ ong phát triển tốt nên giữ lại nuôi luôn.”
Nuôi ong góp phần thay đổi tập quán sản xuất cho người dân Hương Hòa, Hương Phú
Để khuyến khích người dân nuôi ong, ngày quay lấy mật đầu tiên, những cán bộ này phải “trình diễn” ở ngay UBND xã để cho bà con đến xem. Mật được “bán tươi” cho thương lái đến mua, người dân mới tin vào nghề nuôi ong có thể thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của họ. Cũng từ đó, họ lặng lẽ đến nhà cán bộ học cách nuôi ong, phát triển đàn ong ngay tại vườn tràm, keo nhà mình.
Nuôi ong mang lại thu nhập khá cho người dân Hương Hòa, Hương Phú
Từ nhiều năm nay, bà con Hương Hòa vốn quen với việc trồng rừng, cao su và khai thác lâm thổ sản phụ để sống. Việc sống dựa vào rừng, trồng rừng kinh tế nhiều lúc cũng gây “xung đột” với những diện tích rừng tự nhiên. Rồi khi bà con có nhu cầu sửa nhà, đóng chuồng lợn… cũng phải lên rừng kiếm gỗ, chặt cây. Khi có nghề nuôi ong, bà con hai thôn 9 và 10 Hương Hòa ít phụ thuộc vào rừng hơn, họ chú tâm phát triển đàn ong, quay lấy mật đều đặn bán cho thương lái.
Ông Lê Xuân Dương (thôn 10, xã Dương Hòa), một hộ nuôi ong cho biết: “Nếu tính lợi nhuận kinh tế khai thác lâm, thổ sản so với nghề nuôi ong lại không bằng mà còn vất vả, nguy hiểm hơn nhiều. Nhiều hộ dân bị chính quyền nhắc nhở. Trong khi nuôi ong, một năm có thể thu nhập bình quân trên dưới 1,2 triệu đồng/đàn, trừ chi phí lãi từ 500-700 nghìn/đàn. Chỉ cần vài chục đàn là bà con có thể ổn định sản xuất, không còn sống phụ thuộc vào rừng nữa.”        
Sau thời gian “bén rễ” trên vùng đất Hương Hòa, đến nay địa phương này đã có 15 hộ nuôi với tổng số 800 đàn ong, tập trung chủ yếu ở hai thôn 9 và 10.
 
Hạn chế phụ thuộc vào rừng
“Nuôi ong ở Nam Đông mới chỉ phát triển từ năm 2012, đến nay trên toàn huyện có 35 hộ dân nuôi với quy mô 1.500 đàn. Đây là nghề nuôi mới, tuy bà con vừa làm vừa học tập kinh nghiệm nhưng đã cho thu nhập khá ổn định. Cá biệt có những hộ như ông Phạm Tấn Son, Hoàng Trọng Nam, nuôi 200 đàn ong cho lãi ròng khoảng 150 triệu đồng/năm.”- ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông.
Hộ ông Nguyễn Văn Hòa (thôn 9) nuôi 120 đàn tại vườn tràm keo của gia đình, giá cả thị trường ổn định, ông thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/vụ nuôi. Theo ông Hòa, nuôi ong đòi hỏi nguồn vốn đầu tư vào thấp, khá ít rủi ro nhưng nguồn mật thương phẩm bán rất được giá (hiện giá mật 45 nghìn/kg). Cứ 1 đàn ong phát triển tốt, gặp điều kiện thuận lợi vào mùa nắng, 1 năm có thể tách làm nhiều đàn. Vì thế người nuôi nếu nắm vững kỹ thuật thì có thể dễ dàng phát triển đàn ong nuôi của mình.
Tại Hương Hòa, trong 15 hộ nuôi ong, có hộ nuôi từ 20-30 đàn nhưng cũng có hộ nuôi từ 100-120 đàn. Nuôi ong ở vùng đất Hương Hòa, Hương Phú nói riêng và Nam Đông nói chung một vụ nuôi chỉ được 6-7 tháng. Vào mùa mưa, các hộ nuôi phải gửi đàn ong đi các tỉnh khác để chăm sóc, lấy mật. Bởi thế, những hộ nuôi có đàn ong lớn đến vài trăm mới đủ điều kiện gửi đi khác tỉnh khác nuôi.
Ông Diệp Minh Khanh, một hộ dân nuôi ong ở thôn 10 nhẩm tính: “Với 40 đàn, chi phí thức ăn nuôi ong được tính cho một tuần gồm 4kg bột (giá 100 nghìn đồng), 8kg đường (giá 120 nghìn đồng), 1kg phấn hoa (giá 200 nghìn đồng), 1 lon sữa (giá 17 nghìn đồng), thuốc (giá 100 nghìn đồng). Một vụ nuôi tốn gần 20 triệu tiền thức ăn. Với sản lượng mật 1 đàn cho khoảng 25-30 lít/năm với giá mật như hiện nay thì người nuôi luôn có lãi.”
Ông Phan Gia Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Hòa khẳng định: “Từ việc nuôi tự phát nhưng giờ được đầu tư bài bản nên bà con nuôi ong ở địa phương đã có thu nhập ổn định, giảm bớt sự phụ thuộc vào rừng. Hàng năm, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Nam Đông cũng trích kinh phí từ ngân sách 35 triệu đồng để hỗ trợ cho bà con nuôi ong.”
Tại xã Hương Phú, mô hình nuôi ong cũng mới triển khai với 5 hộ nuôi khoảng 90 đàn ở thôn Đa Phú. Ông Trần Bảo Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết: “Mô hình nuôi ong không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giúp địa phương giảm bớt sự lấn chiếm đất rừng từ những gia đình mới tách hộ, không có việc làm ổn định, chủ yếu sống dựa vào rừng.”
 
Bài, ảnh: Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top