ClockThứ Sáu, 15/10/2010 19:10

Phong cách phê bình chân dung văn hóa – văn học của GS. Phong Lê

TTH - Tôi vinh dự được GS Phong Lê - người thầy yêu kính của tôi trao cho tập chân dung văn hóa - văn học gồm 20 tác giả lớn của Việt Nam thời hiện đại. Tập sách được cấu trúc và triển khai khoa học, thể hiện ý hướng tính trong cách tiếp cận tác giả, tác phẩm cũng như những chủ điểm văn hóa - học thuật cần thông điệp đến độc giả, nhằm khẳng định công lao to lớn của từng tác giả trong tiến trình văn hóa - văn chương - học thuật Việt Nam thế kỷ XX.
GS. Phong Lê

Cảm nhận đầu tiên của tôi, là sự đọc, sự tinh tế hiếm thấy của một người suốt đời vì văn chương - học thuật, suốt đời đi tìm những giá trị tinh túy, đích thực của những tài năng. Chính GS Phong Lê - trước hết, là một tài năng, một nhân cách và tri thức khoa học lịch lãm, một nghệ sĩ trong phê bình - tiếp nhận văn hóa, văn học với tư cách là người đồng sáng tạo mẫn cảm và sắc sảo.

Nhìn vào tên tuổi những nhà văn hóa, nhà văn được nghiên cứu đủ thấy sự đọc và sự nghiền ngẫm của GS Phong Lê là đáng trân trọng, đáng kính nể biết dường nào. Một danh sách các tác giả được đề cập trong tập sách phải nói là hùng hậu, uy tín: Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Đặng Thai Mai, Ngô Tất Tố, Tản Đà, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nam Cao, Vũ Đình Long, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Tô Hoài, Hoàng Ngọc Phách, Hoài Thanh, Hải Triều, Đinh Gia Trinh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Xuân Hãn. Tất cả được viết trong thời gian nghiền ngẫm, trải dài vài chục năm, chủ yếu là trong thập niên 90 của thế kỷ XX và hầu hết đã được công bố trên các tạp chí, báo và sách, giờ tập hợp lại vẫn thấy tính quá trình và tính chỉnh thể của nội dung ở cách thể hiện, tiếp cận vấn đề. Chừng ấy danh nhân, chừng ấy cuộc đời và sự nghiệp đồ sộ buộc GS Phong Lê phải đọc, suy tư, thẩm thấu và phải vận dụng những kiến thức liên ngành mới mong giải mã và tìm ra đáp số chính xác về họ. Phải nói là một công việc nặng nhọc và đầy vinh quang, không phải ai cũng đủ sức, đủ tài, đủ tâm để bỏ cả cuộc đời theo đuổi và tâm huyết như một trách nhiệm, đam mê và mệnh lệnh! Tôi yêu quí, nể trọng công sức, tâm hồn và thành tựu ấy của GS Phong Lê.
 
Nhưng như thế, cũng chỉ là điều kiện cần của một nhà phê bình, một học giả. Điều quan trọng tiếp theo để làm nên phong cách học thuật của GS Phong Lê, lại chính là ở thao tác tư duy và phương pháp tiếp cận khoa học nhất quán, nhưng có phá và thay để phù hợp với từng đối tượng (nhà văn và tác phẩm) và phù hợp với tầm đón nhận của độc giả, của mỹ học tiếp nhận hiện đại, và của chính tầm đón nhận riêng của GS Phong Lê. Phê bình chân dung văn hóa - văn học và phê bình mỹ học của GS Phong Lê, vì vậy, luôn là một quá trình tự nhận thức, là mỹ học đang vận động. Điều ấy, thể hiện ngay ở các tiêu đề của từng bài nghiên cứu, có khi ở các nhận xét khái quát, ở các câu đúc kết tài hoa, vừa ổn định như những bản chất, vừa có hướng mở cho những nhận định còn tiếp tục làm đầy, gọi mời cho liên chủ thể tiếp nhận. Tôi gọi kiểu phê bình ấy của GS Phong Lê là kiểu phê bình khách quan, khoa học và nghệ sĩ - kiểu siêu độc giả, siêu phê bình duy cảm và duy lý, cụ thể và hàm ngôn, gợi cho người đọc tiếp tục đồng sáng tạo.
 
Với danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh, GS Phong Lê đề cập đến “văn hóa nhân cách, văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống”, “Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, là danh nhân lịch sử, đó là điều hiển nhiên. Đồng thời, Hồ Chí Minh còn là danh nhân văn hóa, không phải chỉ ở cái khối lượng rộng lớn các kiến thức mà tác giả đã huy động để làm một nhà văn hóa phương Đông hoặc phương Tây, hoặc Đông - Tây kết hợp, mà là nhằm vào một sự nghiệp cao cả, với sự nghiệp đó, cả một dân tộc và cả một nền văn hóa dân tộc được phục hưng. Hồ Chí Minh còn là danh nhân văn hóa ở chỗ đã lĩnh sứ mệnh là người đầu tiên có quyết tâm và đủ sức đưa lên trên đôi vai mình một nhân dân được trang bị cơ bản để đón nhận dần dần, từng bước các tầng cao của văn hóa”.
 
Với Hải Triều - kiện tướng của nền văn hóa mới, GS Phong Lê chú ý đến khía cạnh “một ánh lửa Hải Triều trong sự tỏa sáng của nhiệt tình và trí tuệ”, “có thể nhận dạng về ông như một chiến sĩ văn hóa trước khi nói đến một nhà văn hóa, một tư thế chính trị hóa văn hóa trước khi nói đến văn hóa chính trị”. Đây là những nhận xét sâu sắc, thâu tóm cả cuộc đời và sự nghiệp của Hải Triều.
 
GS Phong Lê có cách gọi tên từng nhà văn gắn với sự nghiệp và cuộc đời của họ một cách bản chất, gợi cho người đọc sự suy nghĩ, tìm tòi để hiểu sâu vấn đề. Ví như, ông gọi Vũ Đình Long là “người khai mạc kịch nói hiện đại”, Ngô Tất Tố - “nhà văn, nhà văn hóa lớn”, “Tản Đà và nhu cầu canh tân văn học”, Hoàng Ngọc Phách - “người khai mạc nền tiểu thuyết mới” và Phan Bội Châu - văn chương “đã trở thành lịch sử, nhưng là một lịch sử vẫn còn đang sôi nổi tính thời sự”, Nguyễn Khắc Viện - “kẻ sĩ hiện đại”, “người có trong mình cả 3 nền văn hóa: văn hóa Việt Nam, văn hóa Pháp và văn hóa Trung Hoa”, còn Hoàng Xuân Hãn là “một phu tử, một kẻ sĩ, một trí thức yêu nước và gắn bó thiết tha với nền văn hóa dân tộc, của thế kỷ XX”. Còn với Hoài Thanh lại đúng với cái định nghĩa: “Chân lý, kể cả chân lý trong văn chương - học thuật là cả một quá trình. Quá trình của khách quan, thông qua kinh nghiệm chủ quan. Một chủ quan không chút dễ dãi mà phải bao trăn trở kiếm tìm. Có điều cuối cùng, trong kiếm tìm, Hoài Thanh đã không tự đánh mất bản thân, và ông vẫn là ông”.
 
Vậy là, với chân dung nhà văn hóa, nhà văn nào, Phong Lê cũng đã nắm bắt được hồn cốt của họ một cách đúng mạch, đúng thời điểm và đúng quá trình. Sự tham chiếu và soi rọi trong nhau giữa cuộc đời và trang viết, giữa con người văn hóa và con người văn chương - học thuật đã hình thành nên ở GS Phong Lê một phong cách phê bình, một hướng đi riêng từ góc nhìn văn hóa - văn học, để cuối cùng tìm ra tư tưởng và giá trị của từng người. Có thể nói, GS Phong Lê là người đi từ thực tiễn - thực tiễn con người và tác phẩm để nâng lên thành phương pháp, nghệ thuật. Và cuối cùng, dừng lại ở việc chỉ ra cốt lõi tư tưởng của họ trong từng hành trình sáng tạo. Ông không chủ quan, cũng như mà luôn nhìn vấn đề ở tính sinh động, biện chứng và quá trình của chúng. Nhận xét về Xuân Diệu, GS viết: “Ông là người lớn nhất, và có thể là duy nhất, bao quát cả 4 khu vực sáng tạo trong hành trình nghề nghiệp của mình... Nhưng cao hơn sự uyên bác là cái tình của ông, là con mắt và tấm lòng ông. Còn bản thân Xuân Diệu, trong khả năng tận dụng đến triệt để thời gian sống hơn bất cứ ai khác, với những gì ông đã có, trên rất nhiều tư cách: là nhà thơ, người viết văn xuôi, người dịch thơ và người nghiên cứu - phê bình thơ, lĩnh vực nào, cũng dồn hết bút lực và tâm huyết, Xuân Diệu hiển nhiên xứng đáng là người tiếp tục nối dài và làm giàu cho di sản, để trở thành di sản...” Và với Vũ Trọng Phụng, chỉ cần khẳng định, chứ chưa nói đến sự bình luận cũng đã cho thấy sự đánh giá cực đúng của GS Phong Lê: “Vinh quang ấy, cho đến nay, đâu phải đã nhiều người nhận thức được, và rồi đây, nào dễ ai cũng vươn tới được”.
 
Với Đặng Thai Mai thì “quả hiếm có học giả nào đã in được dấu ấn phong cách riêng vào văn nghiên cứu như Đặng Thai Mai; kiến thức rộng mà uyên thâm, sâu mà sắc sảo, đĩnh đạc mà linh hoạt, trữ tình và hóm hỉnh... Bấy nhiêu điều, có lẽ còn chưa lột được hết vẻ riêng của Đặng Thai Mai, nó đưa lại cho người đọc vừa là những hứng thú trí tuệ vừa cả sự thỏa mãn các nhu cầu thẩm văn, tức là sự thống nhất giữa hồn và cốt, giữa ý và lời. Người thầy, nhà giáo dục, nhà học giả, nhà văn hóa, nhà văn Đặng Thai Mai - một phẩm chất tổng hợp như vậy hình như chưa có, hoặc khó có đủ trong các thế hệ đến sau”...
 
Có thể nói rằng, GS Phong Lê là nhà phê bình có phong cách - một phong cách rất riêng, không lẫn vào ai. Và cũng không chỉ nói suông như thế. Nhìn vào hệ bài viết phê bình chân dung văn hóa - văn học và phê bình văn học của ông, ta có thể khẳng định rằng, ở đây, phê bình nghệ thuật đã nâng lên thành nghệ thuật phê bình và ngược lại. Đó là nghề, là nghiệp, là sự sống chết của một đời mà ông tự nguyện theo đuổi, hiến dâng như chính ông đã thổ lộ: “Ở đời, như bất cứ ai, mỗi người đều phải chọn lấy cho mình một nghề, tùy theo ham thích và khả năng của mình, khi thấy nghề đó là một cần thiết của xã hội.
 
Cũng như mọi người, tôi đã chọn một nghề, và tôi đi cùng với nó”, (Nhà văn Việt Nam hiện đại, Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản, 2007).
 
Huế, 9/2008
PGS.TS Hồ Thế Hà
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

TIN MỚI

Return to top