ClockThứ Ba, 04/04/2017 09:23

Quà quê

TTH - Mải mê với cuộc mưu sinh xứ người, Sài Gòn đô thị ngột ngạt nắng, bụi và hơi người cay xè sớm tối, chỉ mơ ước được về quê. Nhớ anh Long, người bạn vong niên 30 năm trước hay dẫn mình đi câu cá tràu (tên gọi của người Huế, còn người Nam gọi là cá lóc, người Bắc gọi là cá chuối) dọc theo con kênh vuông theo Thành nội Huế.

Xưa, con kênh này giữ vai trò phòng thủ hoàng cung và điều tiết mực nước ở Huế. Hồi ấy, vào những năm 80 thế kỷ trước, cá tràu ở kênh nhiều, có những chú tràu lớn và dữ đến độ phải câu bằng mồi vịt con. Anh Long nằm lòng những thủ thuật câu, nơi câu, nhất là những chỗ có cá tràu lớn. Còn nhớ, một lần theo anh đi câu, mình lững thững men theo bờ thành, còn anh ngồi trên chiếc thuyền câu bé tẻo. Chiếc thuyền trôi như không, còn anh, ngồi như bất động chỉ trừ hai tay nhấp cần lên xuống, xa gần, chú vịt con lát lát lại kêu chiêm chiếp, lúc vẫy đạp, lúc bơi bơi. Bỗng bụp một cái, mình hét lên còn anh Long lúc thả, lúc ghì, dìu con cá đến khi nó chịu thua và sau đó thành bữa nhậu của 4 người mà chỉ hết cái đầu và bộ lòng. Anh Long đưa mình cái bao tử con cá, ngon, dòn. Sau bữa nhậu, mình nhớ mãi lời anh, trong cuộc nhậu xứ trong, chỉ người lớn tuổi nhất với được “quyền” xơi bao tử cá, trẻ hơn không biết lớ xớ đụng vào dễ “ăn bã trầu”. Lại biết thịt cá tràu ngon nhất là miếng thịt ở hai bên má cá. Thế mới rõ, nghề câu sao lắm ngón nghề, đến cả văn hóa ẩm thực cũng nhập cùng các cần thủ.

Đó là chuyện hơn 30 năm hơn về trước, giờ tôi một mình lặng lẽ xách cần câu ra đầu cầu Bến Ngự tìm đến gốc cây sung già thả câu chỉ để tận hưởng, để chiêm nghiệm của một kẻ vong quê hơn 30 năm giờ tìm về với Huế. Nào đâu phải Huế tôi không có những quán bar, vũ trường hay những quán cà phê vườn rất Huế… và vẫn còn đó những khuôn mặt bạn bè một thuở cùng những lời mời ấm tình quê bên ly trà hay ly rượu làng Chuồn nổi tiếng. Sáng, trên cầu Bến Ngự vẫn đủ sắc hoa, bình dị trên từng ánh mắt, khuôn mặt của các mệ các o. Thì mẹ tôi đó, một bà giáo già về hưu đã gần 30 năm khi lẫn khi tỉnh. Lẫn thì trầm tư vô thức như pho tượng trên chiếc ghế trước hiên nhà, thèm có đứa cháu đứa con chịu ngồi nghe bà kể chuyện vài thập niên trước, thuở mình mẹ chống cái nghèo nuôi con đêm đêm bằng đôi que đan, đan áo len thuê để tay mẹ chai sần đôi chỗ khi đôi que đan cứ bóng nhẫy theo thời gian cùng mồ hôi mẹ. Tỉnh thì ra vô la rầy con cháu đến nghiêm khắc để giữ lấy nếp nhà hay thẫn thờ nán lại mỗi đêm, chứ riêng gì đêm Nguyên tiêu chờ tiếng gọi cửa của những đứa con chưa về kịp như tôi.

Gốc sung già nơi tôi ngồi câu là hậu duệ của những gốc sung thuở Ông già Bến Ngự - Phan Bội Châu neo thuyền do bị quản thúc vì yêu nước. Chỉ sự kiện này thôi cũng đủ để địa danh Bến Ngự thêm ngấm vào máu thịt của người Huế, mà thành nhạc, thành thơ với những “Đêm tàn Bến Ngự”. Bến Ngự còn là nơi xưa thuyền rồng của vua cập bến mỗi khi đi tế trời ở Đàn Nam Giao. Còn dòng sông tôi ngồi câu được vua Minh Mạng đổi từ sông An Cựu thành sông Lợi Nông chỉ vì rằng: “Đức Tiên Đế ta tốn mấy vạn vàng đào con sông ấy để lợi cho dân, nay thấy mùa màng tươi tốt, so với xưa hơn biết bao nhiêu, như thế mới biết rõ rằng bậc thánh nhân làm việc gì để đến muôn đời về sau, không phải như những hạng người muốn cho mau và chỉ thấy gần đã biết được”.

Sông An Cựu “nắng đục, mưa trong” có từ sự tích khi khơi dòng đào đã chạm vào hang động của một con thuồng luồng khổng lồ, nên khi trời nắng nó trở nên dữ tợn, vẫy vùng, khuấy đảo phù sa, làm đục ngầu cả dòng nước nguồn, chính vì vậy mà sông An Cựu trở nên đục vào những ngày nắng. Còn những ngày mùa thu, tiết trời mát mẻ, thuồng luồng nằm im trong hang động, dòng sông không bị khuấy đảo, nước sông An Cựu trở nên trong vắt như mặt nước sông Hương. Giờ tôi, đứa con của mẹ, của quê ngồi đây thả câu, gắng “câu” những ký ức xưa cũ vui nao lòng, gắng thả câu buông hết những muộn phiền mang vác suốt 30 năm hơn lỡ bước vào lòng sông quê.

Huế sạch và sông Huế cũng sạch là điều du khách nào cũng thấy, nhìn những chiếc thuyền của công nhân vệ sinh lâu lâu qua lại trước chỗ tôi ngồi để vớt rác chợt yêu người quê hơn. Nhìn vào gia tài vài chú cá rô, cá ngạnh sau 2 giờ câu tôi thấy mình hạnh phúc và được thật nhiều khi thả hết những muộn phiền xuôi theo dòng nước. Xin cảm ơn món quà quê vạn ngàn lần, Huế ơi!

Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Huế thương hoài

Có những người, tưởng như đã rất quen, đã thuộc nhau tới từng ánh mắt, nụ cười, bỗng chốc lại thấy có nét gì đó là lạ. Chính cái trạng thái lạ mà quen ấy khiến mối quan hệ càng thêm hấp dẫn, bền lâu. Với một vùng đất cũng vậy, như là Huế chẳng hạn.

Huế thương hoài
“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh
​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”

Buổi lễ diễn ra tối 2/12, tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của các quan khách và người dân tham gia làm tác phẩm. Bản đồ Việt Nam bằng nghệ thuật BOARC được xác lập kỷ lục với nhiều người tham gia thực hiện nhất qua ba miền Bắc, Trung, Nam.

​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”

TIN MỚI

Return to top