ClockThứ Năm, 26/05/2016 16:46

Quảng Điền: Tôm chết hàng loạt, người nuôi lao đao

TTH - Nuôi tôm xen ghép ở huyện Quảng Điền đang đối diện với một mùa vụ khó khăn khi có hàng trăm ha tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt, đẩy người nuôi vào tình cảnh khó khăn…

Trắng tay

Những ngày nắng nóng vừa qua, người nuôi tôm sú ở các địa phương như thị trấn Sịa, xã Quảng An, Quảng Công, đang “căng mình” đối phó với dịch bệnh trên tôm. Tại đồng tôm thôn An Gia (thị trấn Sịa), vốn trù phú giờ vắng bóng người.

Các hộ nuôi tôm ở thị trấn Sịa trắng tay do tôm chết hàng loạt

Ông Phan Trai (thôn An Gia) cho biết: “Mọi năm vào thời điểm này, dịch bệnh trên ao hồ nuôi xen ghép chỉ xảy ra rải rác một vài hồ. Năm nay, đầu vụ nuôi từ cuối tháng 2 đến nay, tôm chết liên tục, có hộ gia đình không còn hồ nào”. Hộ ông Trai nuôi 7 hồ (diện tích 10 sào), nuôi xen ghép các đối tượng tôm, cua, cá, thì có đến 6 hồ bị dịch bệnh chết, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

Hàng chục hộ nuôi tôm xen ghép ở đồng tôm An Gia cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như hộ ông Trai, các đối tượng nuôi như tôm giống, tôm thịt, cua đều lăn ra chết. Điển hình như các ông Phan Mau, nuôi 5 hồ (diện tích 6 sào), qua nhiều đợt tôm, cua bị dịch bệnh chết, chiều ngày 24/5, ông Mau ra hồ kéo lưới thu tôm được…13 kg tôm.

Hộ ông Nguyễn Lành (thôn An Gia) vụ này đưa vào nuôi 9 hồ, diện tích bình quân 4,3 sào/hồ. Ông Lành thả nuôi 7 vạn/hồ đối với tôm giống và 4 vạn/hồ đối với tôm thịt. “Việc lấy nước vào, ra mình luôn thận trọng nhưng cũng xảy ra dịch bệnh hàng loạt khi mới 1 tháng 20 ngày, 7 hồ nuôi của gia đình tôm chết gần hết, số còn lại cũng đang “ngắc ngư”, chưa biết xử lý thế nào nữa”, ông Lành nói như mếu.

Theo các hộ dân, đến giai đoạn tôm bị dịch bệnh mỗi hồ nuôi tính từ chi phí giống, thức ăn, công cán, tiền thuê hồ, bình quân từ 15-20 triệu đồng/hồ. Khi dịch bệnh xảy ra, số tôm còn sót lại trong hồ buộc bà con phải “bán non” thu hồi vốn nhưng chẳng được bao nhiêu!

Ông Nguyễn Đình Châu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sịa cho biết: “Tính đến thời điểm hiện nay đã có 70/100 hồ (49 ha) toàn thị trấn bị thiệt hại do dịch bệnh đốm trắng và bệnh môi trường, nhiều hộ nuôi trắng tay không còn hồ nào. Những diện tích còn lại tôm cũng đang “ngắc ngư” có biểu hiện dịch bệnh.

Tương tự, các địa phương Quảng An, Quảng Công, tình trạng tôm, cua nuôi xen ghép cũng chết với diện tích lên hàng chục ha.

Hạ tầng nuôi chưa đảm bảo

Theo thống kê, đến nay toàn huyện Quảng Điền đã có 80% trong tổng diện tích 500 ha tôm nuôi xen ghép bị thiệt hại do dịch bệnh. Các địa phương bị thiệt hại nặng như Sịa, Quảng Công, Quảng An với các loại bệnh liên quan đến môi trường và đốm trắng. “Ngày 24/5, phòng NN&PTNT đã cùng cán bộ địa phương về lấy mẫu tôm bị dịch bệnh kiểm tra. Trước đó, có 17 chủ hồ đã gửi mẫu tôm lên Trạm xá Thú y để test mần bệnh, tìm hiểu nguyên nhân. Thị trấn cũng đã phân bổ 5 tạ cloramin cho các hộ dân này xử lý ao hồ và tiến hành họp các hộ dân NTTS quán triệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên thủy sản”, ông Nguyễn Đình Châu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sịa, cho biết.

Theo ông Châu, ngoài yếu tố thời tiết, tôm dịch bệnh như hiện nay có nguyên nhân từ hạ tầng NTTS chưa đảm bảo. Cụ thể, tại vùng nuôi xen ghép An Gia, hệ thống xử lý nước thải, ao lắng nước đầu vào trên đầm phá chưa có. Các hộ dân chủ yếu dựa vào đường thủy đạo tự nhiên được dẫn từ cống thải ra và đưa nước vào. Gặp thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay nên dịch bệnh xảy ra thường xuyên. Các hộ nuôi khi xảy ra dịch bệnh thường “vớt vát” tôm non, xả thải ra môi trường, xử lý ao hồ không kỹ nên làm dịch bệnh lây lan.

Ông Hoàng Vọng, Phó phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho rằng, ngoài hạ tầng nuôi chưa đảm bảo, cái khó khăn nhất hiện nay là người nuôi giấu dịch. Do nuôi xen ghép, khi xảy ra dịch trên tôm, sợ ảnh hưởng các đối tượng nuôi khác nên người dân không thông báo. Các hồ nuôi dịch bệnh chủ hồ cứ xả ra môi trường làm dịch lây lan trên diện rộng”.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Hiện nay, chi cục đã cấp 15 tấn cloramin cho các địa phương để xử lý môi trường hồ nuôi. Dịch bệnh trên tôm thời điểm này qua kiểm tra chủ yếu là bệnh đốm trắng và môi trường do thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa. Nguyên nhân, tại vùng nuôi một số địa phương các hộ dân nuôi tôm chủ quan khi đưa nước vào ao không qua ao lắng, xử lý làm các chỉ tiêu, nguồn nước thay đổi đột ngột, gây “sốc” đối với các đối tượng thủy sản”.

“Các hộ nuôi cần thận trọng khi đưa nước vào hồ trong giai đoạn này, thường ngoài lắng lọc cần kiểm tra nguồn nước bằng cách cho vào xô chậu một thời gian, bỏ ngoài nắng, thả một số đối tượng thủy sản vào để kiểm tra trước. Người nuôi tôm phải đảm nguồn giống tốt, trong thời tiết giao mùa hiện nay cần tăng cường chăm sóc, lượng thức ăn phù hợp nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm”, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khuyến cáo.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Quảng Điền: 85,4% trường đạt chuẩn quốc gia

Ngày 11/4, Trường THCS Nguyễn Hữu Dật (huyện Quảng Điền) tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.

Quảng Điền 
85,4 trường đạt chuẩn quốc gia
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Sáng 5/4, Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 12 gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 20 của Huyện ủy về tiếp tực thực hiện Nghị quyết số 25 của Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

TIN MỚI

Return to top