ClockThứ Sáu, 29/01/2016 20:06

Sang Nhật học trồng rau

TTH - Dù rau sạch, rau an toàn đang trở thành nhu cầu bức thiết, song vẫn chưa tìm ra được một mô hình trồng rau phù hợp cho người nông dân. Vì lẽ đó, TP Huế đã tổ chức một đoàn gồm cả nhà quản lý, người nông dân sang Nhật học trồng rau an toàn.

Là thành viên trong chuyến sang Nhật, ông Hoàng Trọng Phú (nông dân phường Thủy Biều) kể: “Điều tôi ngạc nhiên nhất đó là nước Nhật khuyến khích người nông dân trồng rau theo hình thức trồng trọt truyền thống. Do điều kiện đất đai hạn chế, số lượng người già làm nông nghiệp rất lớn, người Nhật không chỉ trồng rau theo hình thức công nghiệp với quy mô rộng lớn mà còn hướng về việc trồng theo mô hình các hộ nông dân, kết hợp giữa sản xuất thủ công truyền thống và khoa học kỹ thuật. So với nông dân Việt Nam, máy móc cơ giới của nông dân Nhật Bản không có nhiều khác biệt. Chỉ 20% công đoạn sản xuất nơi đây là cơ giới hóa, còn lại đều dựa vào sức người. Lao động trong nông nghiệp cũng làm việc thời vụ, họ cày xới bằng máy nhưng gieo hạt, bón phân, nhổ cỏ, thu hoạch bằng tay. Họ vẫn ưu tiên trồng các loại rau nguồn gốc bản địa, không dùng giống biến đổi gen, sử dụng phân hữu cơ, đặc biệt là không sử dụng các loài thuốc trừ sâu. Tuy vậy, cách ứng dụng công nghệ lại rất hiện đại, người nông dân Nhật Bản đặt những cột ăng ten ngoài trời với các thiết bị camera, đo độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa … để kiểm soát các điều kiện thời tiết trong quá trình trồng rau. Họ xem trọng quy trình phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Trao đổi kinh nghiệm trồng rau ở Nhật Bản (bên trái). Ảnh: Nông dân phường Thủy Biều cung cấp

Ông Đồng Sĩ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế cho biết, điều tâm đắc nhất của ông trong chuyến tham quan mô hình trồng rau ở Nhật Bản đó là, họ không chỉ chú trọng đến năng suất mà còn là chất lượng. Những sản phẩm rau thật sự sạch và an toàn để nâng cao giá trị bán ra trên thị trường và bảo vệ sức khỏe người dân. Nông dân Nhật Bản rất thật thà và luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu, họ cam kết và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những sản phẩm bán ra trên thị trường. Bên cạnh đó, họ đang hướng đến trở thành người nông dân kinh doanh, biết kết hợp giữa việc sản xuất nông nghiệp và du lịch nhuần nhuyễn. Để gần gũi hơn với thiên nhiên, nhiều người Nhật đã bỏ tiền để được trở về với những vùng sản xuất nông nghiệp, hít thở bầu không khí trong lành và xem đó như là cách giải tỏa những áp lực của cuộc sống đô thị, thậm chí họ còn thuê của nông dân để tự mình trồng trọt, canh tác, tạo ra những sản phẩm rau cho riêng mình.

Trăn trở với mô hình rau an toàn ở Huế

Trở lại với thực trạng trồng rau ở Huế. Theo thống kê, hiện toàn thành phố có tổng cộng 216 ha đất trồng rau, trong đó 3 phường có diện tích đất trồng rau lớn nhất là Hương Long (140 ha), An Hòa (10 ha) và Vỹ Dạ (11 ha). Tuy nhiên, ông Đồng Sĩ Toàn cho rằng, mô hình sản xuất rau hiện nay chỉ chú trọng đến số lượng trên quy mô diện tích chứ chưa đi vào chiều sâu. Vậy nên chưa đáp ứng được nhu cầu cả về sản lượng cũng như chất lượng rau trên thị trường. “Chúng ta cần thiết phải thay đổi cách đặt vấn đề. Ở đây không phải là diện tích bao nhiêu mà phải là bao nhiêu hộ nông dân trồng rau, bao nhiêu hộ nông dân hiểu và nhận thức đúng về cái lợi của việc trồng rau sạch” – ông Toàn trăn trở. 

Có rất nhiều thứ để học ở Nhật, nhưng khả dĩ nhất là lời giải cho bài toán này. Theo ông Toàn, có thể chính là mô hình “cửa hàng nông dân”, một mô hình đang thịnh hành ở nhiều vùng của Nhật, và đó cũng chính là mô hình nhận được sự quan tâm của tất cả những thành viên trong chuyến đi Nhật Bản lần này. Ưu điểm nổi bật của mô hình là không cần diện tích lớn, người nông dân cũng có thể sản xuất rau an toàn. Vấn đề phân phối cũng được giải quyết khi người nông dân không quá lệ thuộc vào kênh siêu thị mà có thể kỷ gửi sản phẩm qua cửa hàng nông dân. Mua từ cửa hàng này, người tiêu dùng sẽ rất yên tâm khi chính họ có thể xác định được ai là người sản xuất ra những sản phẩm ấy. Qua đó, mối liên hệ giữa người nông dân và người tiêu dùng trở nên khăng khít hơn, người tiêu dùng có thể đến tận vườn của người nông dân để kiểm chứng chất lượng. Điều đáng mừng, mô hình này không còn quá xa lạ ở Huế, bởi hơn một năm qua được sự tài trợ của Tổ chức Cầu châu Á (BAJ) cửa hàng nông dân đã ra đời ở đường Hai Bà Trưng và bước đầu phát huy được hiệu quả, thu hút được một số lượng khách hàng thường xuyên đến mua rau ở đây.

Để nhân rộng mô hình, thời gian tới thành phố sẽ lựa chọn những hộ nông dân có đủ điều kiện để tập huấn và hình thành nên những hợp tác xã nông dân trồng rau an toàn. Hy vọng, từ mô hình thí điểm trồng rau an toàn đang triển khai hiệu quả sẽ có tác dụng lan tỏa và tạo nên hiệu ứng tốt để ngày càng nhiều  nông dân tham gia vào mô hình trồng rau này. “Đó là luật chơi chung, là xu thế tất yếu trong giai đoạn hội nhập quốc tế, nếu những người nông dân chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến cái lợi lâu dài, sản xuất không theo tiêu chuẩn thì chắc chắn những sản phẩm họ làm ra sẽ ngày càng khó có chỗ đứng trên thị trường”, ông Toàn nhấn mạnh.

Quang Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ phụ nữ liên kết trồng rau an toàn

Từ phong trào nhỏ của chị em một chi hội phụ nữ tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, mô hình liên kết trồng rau sạch đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hội viên và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện.

Tổ phụ nữ liên kết trồng rau an toàn
Thu hoạch rau đêm

Rau, nhất là rau màu cho thu hoạch quanh năm, nên với những người trồng rau, ngày mưa rét, ngày Tết hay ngày thường cũng như nhau. Họ luôn rời nhà tầm 11h đêm và trở về khoảng 2h sáng hôm sau với gương mặt thiếu ngủ cùng đôi tay chai sần bám đầy bùn đất.

Thu hoạch rau đêm
Hào “rau” ở xóm núi

Ngỡ ngàng và nể phục là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi được Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông - Lê Thanh Hồ dẫn đường đến thăm cơ ngơi của anh Trương Minh Hào (sinh năm 1980) ở thôn K4, xã Hương Phú (Nam Đông). Những khu nhà kính trồng rau sạch, hoa cảnh được anh “mang về” từ xứ ngàn hoa là mô hình nông nghiệp công nghệ cao “có một không hai”, mở ra hướng làm giàu nơi xóm núi heo hút này.

Hào “rau” ở xóm núi

TIN MỚI

Return to top