ClockChủ Nhật, 12/05/2019 06:14

Streamer, dễ mà không dễ

TTH - Trực quan, gần như ngay lập tức, chức năng livestream trên mạng xã hội đã tạo ra một nghề mới. Đó là streamer (những người phát sóng trực tiếp).

Streamer là người quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng

Chín người mười ý

Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, song lúc phát trực tiếp, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Mỹ Phương, một streamer chia sẻ: “Em luôn ngạc nhiên vì tất cả sự cố đều có thể diễn ra mà mình không kiểm soát được. Dù trước đó em có chuẩn bị kỹ lưỡng từ trang phục, luyện giọng, thậm chí cả lời giới thiệu từng sản phẩm”. Là streamer chuyên về mảng thời trang, áo quần, Phương phải tiếp xúc với hàng trăm khách hàng đa dạng độ tuổi, giới tính, sở thích, quê quán. Cô nàng tự nhận mình đã trở thành “con dâu” trăm họ.

Liên tục để khách chọn lựa, streamer phải vừa khéo léo thay đồ, vừa đáp ứng những đòi hỏi của khách. Nhiều lúc vừa thay vừa nheo mắt đọc bình luận, vừa trả lời những thắc mắc về chất liệu vải, size trang phục. Chưa kể streamer phải khéo léo trả lời vô số câu hỏi khác để tăng tương tác cũng như “né” những câu hỏi nhạy cảm.

Gần một năm trong nghề, Phước Đạt, chàng trai sinh năm 1992, là streamer có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp cận khách hàng. Được đánh giá có phong cách live dí dỏm, Đạt chia sẻ: “Mỗi khách hàng có một gu riêng, song xem livestream cũng là cách để họ giải trí. Vì thế, lồng ghép với giới thiệu sản phẩm, trả lời các câu hỏi của khách hàng, mình phải làm chút hài để tăng độ tương tác”.

Chuẩn bị cho một buổi livestream

Có lẽ vì thế mà Đạt rất coi trọng ngoại hình khi “lên sóng”. Đạt nói: “Rất là mệt khi phải choàng lên mình những đồ để bán. Có hôm phải đội cả quả sầu riêng. Tuy vậy, mình chấp nhận sự “tưng tửng” đó để lôi cuốn khách hàng”.

Với ngoại hình ưa nhìn, đó là lợi thế rất lớn của Phương. Tuy nhiên, cô bạn cũng va vấp rất nhiều trước khi thật sự tự tin livestream. Điều Mỹ Phương rút kinh nghiệm đầu tiên là giọng nói: “Giọng em khá chuẩn, song lúc “lên sóng”, nhiều khách hàng ngoại tỉnh lại phàn nàn rằng nghe không rõ. Vì thế, em thường nhắc lại câu trả lời, thậm chí nói to hơn, và nhấn mạnh những dấu thanh để khách hàng nghe nắm được”.

Nhọc nhằn

Khung giờ “vàng” của nghề streamer là sau 20 giờ đêm. Đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của nhiều người sau ngày làm việc mệt mỏi. Livestream là nghề thu hút khách hàng. Vì thế, còn khách hàng theo dõi thì streamer còn làm việc. Vất vả vì đặc trưng nghề, Mỹ Phương tâm sự: “Ban đầu thời gian live của em tầm 2 tiếng. Sau này, do áp lực công việc, thời gian tăng dần lên. Có lúc em kiệt sức vì live quá lâu”.

Chứng kiến Đạt làm việc, chúng tôi mới thấu hiểu những lời Phương nói. Ăn vội vàng ổ mì, Đạt sửa soạn và live đồ bộ thể thao. Tiết trời nóng bức, sau 9 giờ đêm, mồ hôi vã đầy trán chàng trai 27 tuổi. Thế mà đến 10 giờ, Đạt vẫn ráng live vì hàng loạt khách vào hỏi. Lúc lúc, chàng trai quệt vội mồ hôi, nhấp ngụm nước, tiếp tục tương tác với khách hàng. Đạt phân trần: “Nhiều người cứ nghĩ streamer rất sướng, được ăn ngon, mặc đẹp, lại toàn là đồ xịn. Song nghề nào nghiệp ấy, vất vả là điều khó tránh khỏi”.

Đạt kể một chuyện cười ra nước mắt. Hôm đó live hoa quả, tập trung vào me. Vốn hảo chua, chàng trai trẻ tự tin bật máy, chào mọi người rồi cắn hết ½ trái. Nào ngờ, me Đạt giới thiệu là loại cực chua. Thế là rùng mình chịu đựng, chàng trai trẻ cố gắng nuốt trọn miếng me, và tập trung tương tác với khách hàng. Chốc chốc mới dám nhấm nháp tý chút.

Những va vấp như rơi điện thoại, nói “lố” cũng khiến Đạt nhiều phen khốn đốn, vì thế chàng trai sinh năm 1992 luôn dặn mình phải cẩn thận hơn. Mỗi buổi live mang về cho Đạt từ 300-500 nghìn đồng. Tuy nhiên, thanh quản hay đau rát do phải nói to, nói liên tục khiến Đạt không thể nhận nhiều việc.

Dẫu vất vả, song các streamer vẫn rất vui khi kể về nghề. Mỹ Phương chia sẻ: “Đôi lúc mệt quá mấy chị khách hàng nói em tắt live đi, hết hơi rồi kìa. Có chị khen nhỏ nhỏ mà giỏi. Thương nhất là có cô nhắc em đi ăn, và hẹn mai lại gặp nhau”. Những câu nói dù qua thế giới ảo song cũng đủ tiếp thêm sức mạnh cho cô gái nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Lý, chủ shop trên đường Phùng Khắc Khoan đã thuê Phước Đạt làm streamer. Chị cho biết: “Mục tiêu của mình là tiếp cận, quảng bá sản phẩm đến nhiều khách hàng. Lúc thuê streamer, sự hài hước, dí dỏm của Đạt đã được nhiều khách hàng chú ý. Mình thấy rất hiệu quả, đơn hàng cũng nhiều hơn”.

Một điều may cho các streamer, đó là hầu hết các chủ shop đều không áp đặt doanh số, đơn hàng hay lượt xem. Vì thế, áp lực của công việc chỉ chủ yếu đến từ khách hàng. Vẫn có những bình luận bất nhã, nhất là với các streamer nữ có ngoại hình ưa nhìn dù họ là người kết nối, giúp khách hàng tiếp cận với những sản phẩm. Streamer cũng là một nghề, cần sự đầu tư, rèn giũa và cũng là công việc chính đáng như bao nghề khác.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp
Tăng mắt livestream facebook giá rẻ và chất lượng tại Vnfame

Bạn có muốn biến mỗi buổi livestream của mình thành một sự kiện đặc biệt, thu hút hàng nghìn ánh nhìn và tạo ra cơ hội không ngờ? Cùng Chúng tôi khám phá bí quyết tăng mắt Livestream Facebook giá rẻ và chất lượng. Đằng sau mỗi con số là sức mạnh, đằng sau mỗi mắt là một cơ hội mới. Hãy đặt chân đến thế giới đầy màu sắc của livestream và hãy để chúng tôi chỉ dẫn bạn đến sự thành công, ngay tại đây!

Tăng mắt livestream facebook giá rẻ và chất lượng tại Vnfame
Mạng xã hội tác động đến xu hướng du lịch của giới trẻ

Theo các nghiên cứu xu hướng du lịch năm 2024 của các nền tảng và công ty du lịch, mạng xã hội (MXH) ngày càng trở thành nguồn cảm hứng quan trọng, tác động vào sự thay đổi xu hướng du lịch trong tương lai, đặc biệt là với thế hệ Z và thế hệ Millennials (sinh từ 1981 đến 1996).

Mạng xã hội tác động đến xu hướng du lịch của giới trẻ
Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội

Tiếp cận, sử dụng mạng xã hội (MXH) là quyền và nhu cầu chính đáng của người dân, trong đó có cán bộ, đảng viên, công chức. Tuy nhiên, MXH là “mạng ảo” bên cạnh những thông tin chính thống, tích cực là các luồng thông tin xấu độc, phản cảm, vi phạm pháp luật đòi hỏi mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên cần có ý thức trách nhiệm chuẩn mực, đấu tranh phản biện tích cực khi tham gia MXH.

Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội
Return to top