ClockThứ Tư, 08/02/2017 08:15

Tâm thế lễ hội

TTH - Suy cho cùng, điều cơ bản nhất ở đây vẫn là nhận thức của người đi lễ hội.

Xả rác bừa bãi, không tôn trọng và vi phạm quy định nơi tôn nghiêm chỉ vì mong muốn được “check-in” của bạn trẻ tại chùa Linh Quy Pháp Ẩn (Lâm Đồng); hình ảnh cướp hoa tre tại Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội); những đoàn người đông nghịt chen chân đi lễ hội chùa Hương, những cánh tay giơ lên để đón nước lộc từ trần động Hương Tích với hy vọng sẽ được may mắn cả năm hay biển người dồn tắc đoạn qua cầu vượt Ngã Tư Sở (Hà Nội) những ngày đầu năm để dâng sao giải hạn ở tổ đình Phúc Khánh... tiếp tục được đánh giá là những hình ảnh phản cảm của mùa lễ hội năm nay. Đấy là chưa kể những thông tin bị “rò rỉ” trên mạng xã hội về việc treo trâu lên cây cho đến chết ở lễ hội đền Đông Cuông (Văn Yên – Yên Bái) từ năm cũ và đã được những người có trách nhiệm chấn chỉnh trước khi nó diễn ra vào những ngày sắp đến.

Không ít người đã tỏ ra quan ngại về những điều đã và đang xảy ra mỗi mùa lễ hội. Gần như chưa có ai giải thích được rằng, vì sao trình độ nhận thức, xã hội ngày một tiến bộ hơn, văn minh hơn nhưng những hủ tục mê tín, dị đoan vẫn còn được tái diễn, ngay cả khi đã có không ít chỉ thị, quy định, các đoàn thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương về việc tổ chức lễ hội văn hóa, nhân văn và tránh lãng phí như thế nào. Đây không phải là điều phổ biến, xảy ra ở một số địa phương nhất định nhưng tôi đoan chắc rằng, nó sẽ trở thành những hình ảnh không đẹp, thậm chí là không thể nào hiểu nổi của du khách khi đến Việt Nam.

Suy cho cùng, điều cơ bản nhất ở đây vẫn là nhận thức của người đi lễ hội. Từ những lệch chuẩn về mặt nhận thức, sẽ dẫn đến những lệch lạc về hành vi và nó quy định tâm thế của người đi lễ hội. Tất nhiên không thể quy nạp tất cả mọi người đi lễ hội đều có những hình ảnh, động thái phản cảm như đã nêu ở trên, song cảnh tượng đông đúc, những lời khấn vái không hề thì thầm mà khi nghe được, sẽ dễ thấy tâm thế cầu lợi, cầu lộc của một số đông. Đó cũng chính là mảnh đất và mùa làm ăn của những người lấy mùa lễ hội để trục lợi.

Trả lời phỏng vấn phóng viên VTV mới đây về vấn đề quản lý lễ hội, tránh những biến tướng lệch lạc và trục lợi như đã có trong mùa lễ hội năm nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, điều cơ bản nhất vẫn là phải nâng nhận thức của người dân. Bên cạnh đó là những giải pháp về phương diện quản lý để tập trung chấn chỉnh hoạt động, giảm dần và chấm dứt các lễ hội phản cảm, bạo lực trong năm 2017. Theo Bộ trưởng, ngay cả những lễ hội truyền thống, được tổ chức thường xuyên để quảng bá, thu hút khách du lịch và thu hút đầu tư cũng phải được giảm tần suất theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương...

Riêng tại Thừa Thiên Huế, dù vẫn còn đâu đó những hình thức mê tín nhưng trong một cách đánh giá chung, các lễ hội diễn ra từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh như lễ hội đu tiên ở Phong Hiền, vật Thủ Lễ (Quảng Điền); Hội vật Làng Sình, Lễ hội Đền Huyền Trân... đã diễn ra khá êm đềm, vui tươi và đúng không khí lễ hội. Cái thư thái của người dân khi đi lễ, đi đền, chùa hay tham gia các trò chơi của các lễ hội một phần cho thấy tâm thế bình an của một vùng đất văn hóa và cả cách ứng xử nhân văn với cuộc sống. Mặt khác cũng cho thấy công tác quản lý lễ hội cũng được triển khai tốt và được người dân đồng thuận hưởng ứng. Đây là điều đã có và cần tiếp tục phát huy trong các mùa lễ hội tới.

Nguyễn An Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ
Lễ hội & bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

Không chỉ đa dạng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều phản ánh được những ước vọng, sự cầu nguyện của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống ấm no. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra khi bàn về việc nhận diện giá trị và hướng bảo vệ các lễ hội nói chung và lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.

Lễ hội  bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số
Return to top