Thể thao trong nước

Thể thao, lễ hội & đời sống

ClockThứ Năm, 06/04/2017 14:50
TTH - Khác với thể thao thành tích cao thường trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, các môn thể thao dân tộc tại Thừa Thiên Huế luôn giữ được chỗ đứng nhờ gắn kết với lễ hội và trực tiếp phục vụ nhu cầu, đời sống Nhân dân.

Lễ hội đua trãi sông Vực trở thành món ăn tinh thần của người dân Thừa Thiên Huế. Ảnh: M.Tâm

Gắn kết

Như một thông lệ, sau những ngày Tết Nguyên đán, người dân Huế lại nhẩm tính đến các ngày hội thể thao trong dịp đầu xuân. Bên cạnh hoạt động biểu diễn võ cổ truyền tại công viên Thương Bạc (TP. Huế), khá nhiều người nhớ đến lịch trình: mùng 6 vật Thủ Lễ, đua ghe Lăng Cô; mùng 7 đua ghe Sịa, mùng 10 vật Sình, đua trãi Hương Thủy, tiếp đó là giải cờ tướng thành phố...

Không phải tự nhiên lịch trình thể thao của cả một năm được nhiều người nhớ. Trước đây, người ta căn cứ vào một số mốc thời gian chính để nhớ có lễ hội thể thao ở tỉnh, huyện, xã thường tổ chức vào dịp Tết hay lễ xuống đồng, xuống nước, cầu ngư. Ngày nay, các lễ hội thể thao được mở rộng trong các dịp mừng ngày giải phóng, Tết Độc lập, ngày đại đoàn kết toàn dân, Festival…

Các cao niên tham gia lễ hội vật Thủ Lễ. Ảnh: M.Tâm

Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý Thể dục Thể thao (TDTT), Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) cho biết, thể thao dân tộc có mặt từ vùng đồng bằng đến vùng cao, thành thị đến nông thôn, có thể kể như: vật, đua ghe, trãi, các môn võ cổ truyền, bắn nỏ, đẩy gậy… Một số môn chia ra nhiều hình thức thi đấu, phù hợp với từng địa phương, vì vậy mà tạo ra tính đa dạng. Chỉ riêng đua ghe, cũng có đến 3 loại: ghe 7 – 9 thường tổ chức tại xã, thị trấn; ghe 12 tổ chức tại huyện, thị, tỉnh. Hay như trãi 16, 22 được tổ chức tại vùng đầm phá, biển.

Hỏi lịch sử ra đời các môn thể thao dân tộc, không nhiều người nhớ rõ mốc thời gian chính xác, chỉ biết rằng có từ ngày xưa, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa giúp tự vệ, góp phần bảo vệ đất nước. Khó khăn trong việc lục lại lịch sử, nhưng cái hay là từng thôn, bản, làng, xã lại rất chú tâm trong việc gắn kết hoạt động thể thao với lễ hội để gìn giữ, phát triển thể thao dân tộc. “Ngày xưa, người dân dùng nỏ để săn bắn. Bây giờ, bắn nỏ trở thành môn thể thao cổ truyền trong ngày hội thể thao các đồng bào dân tộc thiểu số và đại hội thể dục thể thao các địa phương. Lưu giữ môn bắn nỏ để nhớ về đời sống ngày xưa và biến nó trở thành một hoạt động lễ hội phục vụ nhu cầu đời sống của người dân ngày nay”, chị Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện A Lưới nói.

Các đô vật trẻ tại hội vật làng Sình. Ảnh: Võ Nhân

Việc gắn kết lễ hội giúp các môn thể thao dân tộc có một vị trí vững chắc, thậm chí luôn có bước tiến. Các lễ hội đua, vật hằng năm luôn thu hút hàng ngàn người đến xem và cổ vũ. Không chỉ có hấp lực với đối tượng cao tuổi mà ngay cả tầng lớp thanh, thiếu niên hoặc nhỏ hơn cũng tỏ ra thích thú. Anh Nguyễn Văn Thành, người dân xã Thủy Thanh (Hương Thủy), khẳng định: “Dân quê tôi mê đua ghe, trãi hơn nửa xã. Người tham gia đua luôn có thế hệ kế cận tập luyện, còn người xem thì già trẻ, gái trai đều đủ mặt. Ngay cả đứa con tôi mới học mẫu giáo cũng nài nỉ ba mẹ cho đi xem đua”.

Bảo tồn

Ông Lê Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở VH&TT khẳng định, các môn thể thao dân tộc sẽ mãi tạo được hứng thú với mọi người. Nhờ tính gần gũi, gắn với đời sống người dân nên các môn thể thao dân tộc tại Thừa Thiên Huế có “đất sống”. Trong khi thể thao thành tích cao giúp phát triển “tiếng tăm” của địa phương thì thể thao dân tộc mang lại những giá trị truyền thống, gắn kết cộng đồng, thúc đẩy phong trào tập luyện thể thao phong trào. Cũng vì vậy, việc lưu giữ, gắn kết lễ hội đối với các môn thể thao dân tộc phải luôn được quan tâm bởi đó còn là vấn đề bảo tồn các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, tại các địa phương, khi đã gắn kết với lễ hội thì phải chú ý gìn giữ, tránh những vấn đề phát sinh: mất an ninh trật tự, thương mại hóa lễ hội, tiêu cực trong thi đấu…bởi thực tế, trong một số lần tổ chức, những vấn đề kể trên từng xảy ra, nhất là ở các hội đua ghe, trãi.

Thể thao dân tộc gánh trên vai hai nhiệm vụ, đó là giúp mọi người rèn luyện sức khỏe và lưu giữ những giá trị truyền thống có từ ngàn xưa. Và hiện, các môn thể thao dân tộc đang làm tốt nhiệm vụ của ngành thể thao là xây dựng phong trào TDTT trong Nhân dân, tạo ra sự hưởng ứng tích cực trong lời kêu gọi toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, vì vậy phát triển thể thao cũng phải song hành nhiệm vụ bảo tồn, gắn kết hiệu quả thể thao với lễ hội, bởi đó là hướng đi hiệu quả trong quá trình xây dựng phong trào thể thao quần chúng. Ngoài ra, thể thao giúp làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa lễ hội và ngược lại, chính các lễ hội đã thúc đẩy phong trào thể thao mạnh lên. Từ các hoạt động văn hóa lễ hội mà nhiều người tham gia tập luyện TDTT hơn, số lượng câu lạc bộ TDTT tăng mạnh.

Minh Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật

Ngày 20/4, tại xã Vinh Thanh (Phú Vang), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật. Tham dự tại có Đại diện văn phòng RCI cùng hơn 50 người khuyết tật và người chăm sóc trên địa bàn các xã Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Hà và Phú Gia.

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật
Chạy vì những ngôi trường xanh

Từ những bước chạy để rèn luyện sức khỏe gắn với ý tưởng phủ xanh bóng cây ở các ngôi trường, hàng ngàn cây xanh đã được trồng mới với chương trình “Chạy vì những ngôi trường xanh”.

Chạy vì những ngôi trường xanh
Return to top