ClockThứ Tư, 13/07/2016 10:07
GIỚI THIỆU NGHỆ THUẬT CUNG ĐÌNH HUẾ:

Thêm khả năng tiếp nhận cho công chúng

TTH - Tổ chức biểu diễn ở nhiều điểm, nhiều thời gian khác nhau trong Đại Nội; tranh thủ lồng ghép trong mọi sự kiện liên quan và thường xuyên luyện tập kỹ năng biểu diễn, bổ sung hoàn chỉnh nội dung… là những cách mà Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đang nỗ lực để giới thiệu nghệ thuật cung đình đến với du khách.

Du khách chụp ảnh cùng các nhạc công trước sân điện Thái Hòa 

Quảng bá là chính

Nếu trước đây, không ít người đã tiếc cho Huế khi chưa tổ chức được nhiều hoạt động phục dựng những sinh hoạt xưa trong không gian cổ kính của thành quách, cung điện, thì nay nội dung này được Trung tâm BTDTCĐ tổ chức ngày càng dày dặn và thu hút du khách.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm BTDTCĐ) là đơn vị đi đầu trong việc quảng bá Nhã nhạc nói riêng và và các loại hình nghệ thuật cung đình Huế nói chung đến với công chúng. Hiện nay, ngoài điểm biểu diễn tại Nhà hát cổ Duyệt Thị Đường có thu vé, đội ngũ nghệ sĩ, nhạc công còn được bố trí biểu diễn tại nhiều điểm khác nhau trong khu di sản Đại Nội. Đại Nội như một sân khấu khổng lồ; trong đó, du khách vừa thăm thú di sản văn hóa vật thể là các công trình di tích xưa, vừa thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể là các chương trình nghệ thuật được biểu diễn.

Bắt đầu từ Ngọ Môn, “đón khách” là lực lượng làm nhiệm vụ gác và canh tuần trong nghi lễ đổi gác được Trung tâm BTDTCĐ Huế phục dựng thích nghi. Ở đó, những vị “quan văn”, “quan võ” và “đội lính hoàng gia” nghiêm chỉnh trong trang phục xưa. Tất cả đều răm rắp làm theo hiệu lệnh của “quan” điều khiển đội hình, nhưng thi thoảng vẫn cười rất nhẹ nếu có du khách ghé sát để chụp hình.

Đi sâu hơn vào trong, qua sân điện Thái Hòa, nhiều du khách vẫn “đội nắng trên đầu” để đứng xem đội nhạc công trình tấu Tiểu nhạc (sử dụng các loại nhạc cụ: trống bản, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam, địch, tam âm, phách tiền) và chụp hình lưu niệm. Đến Thế Miếu, nơi không gian thiêng Thế Miếu (nơi thờ chung các vị vua Nguyễn), du khách tiếp tục được thưởng thức các nhạc phẩm trang trọng do các nhạc công dàn Đại nhạc trình tấu, với các nhạc cụ như: trống, kèn, mõ, bồng, xập xõa. Nếu còn thời gian cho Trường lang và sân điện Kiến Trung, du khách lại thêm một lần được xem các nghệ sĩ, nhạc công hòa tấu Nhã nhạc ở khu vực này.

Nhà hát Duyệt Thị Đường là nơi duy nhất được Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế tổ chức biểu diễn nghệ thuật cung đình có thu vé. Mỗi ngày, Duyệt Thị Đường có 2 suất diễn, thu hút nhiều du khách quốc tế.

Chúng tôi đến Nhà hát Duyệt Thị Đường vào đầu suất diễn buổi chiều. Khoảng 5-7 khách ngoại quốc vừa mua vé để vào trong. Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, nhân viên bán vé, vui vẻ: Khách quốc tế mua vé vào xem nhiều hơn khách nội địa. Nhiều người xem xong rất hài lòng. Thấy họ thân thiện cảm ơn, mình cũng vui lắm. Ở đây, chỉ cần 5 vé là tổ chức được suất diễn rồi. Quan trọng nhất là có người xem và chúng ta có thể quảng bá được nghệ thuật cung đình.

Cần mở rộng giới thiệu nội dung

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế. Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đang làm khá tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cung đình Huế. Mặc dù không gian diễn xướng nguyên thủy không còn như trước, nhưng nhà hát đã tổ chức được nhiều hoạt động biểu diễn sinh động, tăng thêm sự hấp dẫn cho các điểm tham quan.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng Cương, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, cho biết: Kế thừa truyền thống lâu dài của các nghệ nhân đi trước, chúng tôi vừa bảo tồn vốn di sản đang có, tiếp tục sưu tầm những “mảnh vỡ” bị ẩn trong dân gian, đồng thời phục dựng những tác phẩm bảo tồn được để quảng bá và biểu diễn phục vụ công chúng. Ngoài những điểm biểu diễn trong Đại Nội, nhiều bài bản Nhã nhạc cũng được phục dựng trong các lễ hội cung đình do Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức. Những điểm nhấn này rất được du khách đón nhận.

Theo quan sát của chúng tôi, ngay tại các điểm biểu diễn nghệ thuật cung đình Huế trong Đại Nội, rất nhiều du khách đi qua dừng lại để xem. Người thì đợi các nhạc công trình tấu xong để cùng chụp hình lưu niệm, người thì tranh thủ ghé sát bên cạnh, người thì bấm máy lia lịa và người thì chỉ đứng xem, kết thúc bài rồi mới rời đi.

Tại điểm diễn ở trường lang, chị Trần Thị Thu Lương là một trong số du khách người Việt dừng lại xem lâu nhất. Chúng tôi bắt chuyện, chị vui vẻ: Tôi vốn thích nghe hòa tấu từ các nhạc cụ dân tộc trong bộ bát âm nên khi đến đây mà được xem các nghệ sĩ biểu diễn, cảm giác rất dễ chịu. Có điều hơi tiếc là tôi lại không hiểu gì về ý nghĩa của những bản nhạc này.

Người khách trẻ Anthony (đến từ Anh) chia sẻ: Mặc dù rất thích chương trình biểu diễn này nhưng chúng tôi lại không có nhiều thời gian để tìm hiểu về văn hóa của các bạn. Tôi nghĩ, nếu các bạn có thể có những thông tin giới thiệu bằng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, in trên những tờ gấp nhỏ gọn thì không chỉ chúng tôi dễ hiểu, dễ cảm nhận hơn mà qua đó, chúng tôi cũng có thể giúp các bạn kết nối, giới thiệu về nghệ thuật này đến với nhiều người hơn.

 Với những nỗ lực không mệt mỏi từ trước đến nay của những nghệ nhân, nghệ sĩ cung đình Huế, 2 ý kiến trên (và có thể nhiều hơn nữa) cũng có lý để thêm cách đưa nghệ thuật cung đình Huế đến gần và thấm sâu hơn trong lòng công chúng.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tàng Hồ Chí Minh: Gần công chúng hơn với Museum shop

Trong hai năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát triển gần 30 mẫu sản phẩm lưu niệm, trong đó nhiều mẫu đã được sản xuất phục vụ cho công tác tuyên truyền, phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh và từng bước hình thành Museum shop, góp phần tạo thêm nhiều tiện ích cho điểm đến tham quan du lịch. Sự ra đời của Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch” đã tạo cơ hội cho Bảo tàng phát triển các dòng sản phẩm lưu niệm phục vụ khách tham quan.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Gần công chúng hơn với Museum shop
Tăng cường giới thiệu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Chiều 22/11, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Trung tâm Gugak Quốc gia Hàn Quốc cùng ký kết ghi nhớ hợp tác và Giao lưu biễu diễn âm nhạc cung đình giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.

Tăng cường giới thiệu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc
"Gieo" và "gặt" từ lễ hội

Mỗi mùa Festival Huế, tôi thường nhận những cuộc gọi, những câu hỏi tựu trung với nội dung: “Năm ni có chi mới”? Vậy là công dân tôi của xứ sở festival bốn mùa hòa mình vào lễ hội…

Gieo và gặt từ lễ hội
Return to top