ClockThứ Tư, 16/03/2016 15:25

“Tiếp lửa” vươn khơi

TTH - Nghị định 89 ra đời sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 của Chính phủ, mở ra cơ hội mới cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển.

Cập bến sau chuyến vươn khơi

Cơ hội mới

Nhờ có Nghị định 89, ngư dân Nguyễn Thanh Bình ở xã Phú Thuận (Phú Vang) có cơ hội đóng mới chiếc tàu công suất lớn để vươn khơi. Chiếc tàu 820 CV của ông Bình vừa xuất xưởng đã có những chuyến biển đầu tiên. Ông Bình chia sẻ: “Nghị định 89 mở ra nhiều cơ hội cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ, phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, góp phần bảo vệ biển đảo quê hương”.

Nghị định 89 đã gỡ được những “nút thắt” giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay đóng tàu xa bờ. Trước hết phải kể đến việc cho phép sử dụng máy cũ đã làm lợi, hạn chế chi phí đầu tư cho ngư dân đến 1-1,5 tỷ đồng. Bởi sau khi đóng mới, nâng cấp, ngư dân có thể dùng máy của chiếc tàu cũ để lắp sang tàu mới, hoặc mua máy cũ để sử dụng. Tuy nhiên máy cũ vẫn đảm bảo chất lượng và chi phí thấp hơn máy mới từ 1-1,5 tỷ đồng, tùy thuộc vào các loại máy.

Trúng mẻ cá lớn

Nếu như trước đây, mức cho vay đóng tàu vỏ sắt, vật liệu mới có công suất 800 CV trở lên chỉ 70% tổng giá trị tài sản, thì nay được nâng lên 95% với lãi suất 7%/năm. Người vay chỉ trả lãi suất 1%/năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ cấp bù đến 6%/năm. Riêng đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất từ 400 CV đến dưới 800 CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị tài sản với lãi suất 7%/năm, chủ tàu chỉ trả 2%, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 5%. Với mức cho vay và lãi suất ưu đãi như trên thì ngư dân chỉ cần có vốn đối ứng khoảng 1-1,5 tỷ đồng là có thể đóng được tàu vỏ thép, vật liệu mới để vươn khơi bền vững.

Điều mà ngư dân rất phấn khởi nữa là trước đây Nghị định 67 quy định thời hạn cho vay chỉ 10 năm, nay đối với đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới được kéo dài đến 16 năm, vỏ gỗ 11 năm. Sau khi được giải ngân, năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi và chưa trả nợ gốc, số lãi này do Nhà nước hỗ trợ và cấp bù cho ngân hàng. Đây là cơ chế thuận lợi cho ngư dân trong việc thu hồi vốn và trả nợ, có điều kiện tái sản xuất. Ngư dân Nguyễn Thanh Bình nhẩm tính: “Nếu vay khoảng 5-6 tỷ đồng, theo quy định thời hạn vay 10 năm trước đây, bình quân mỗi tháng trả cả gốc và lãi khoảng 45 triệu đồng, thì nay được kéo dài thời gian nên mỗi tháng chỉ trả khoảng 30 triệu đồng”.

Trở ngại cần tháo gỡ

TS Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, trong khi chỉ tiêu, mục tiêu của tỉnh là đóng mới 45 tàu đánh bắt xa bờ từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67, nhưng đến nay mới chỉ có 14 ngư dân (14 chiếc) đăng ký được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, có 6 chiếc đã đóng hoàn thành, đi vào hoạt động; 3 chiếc đang được triển khai đóng mới; số còn lại đang xúc tiến các thủ tục liên quan để được đóng mới.

“Không thể vui hơn khi Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi cho người dân vay vốn đóng tàu vỏ sắt để vươn khơi. Không riêng tôi và nhiều ngư dân đều có chung nguyện vọng được đóng tàu vỏ sắt. Nhưng ngặt nỗi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở đóng tàu vỏ sắt. Nếu đóng ở xa thì chi phí chắc chắn sẽ tăng cao, như thuê người trông coi, chi phí đi lại, di chuyển tàu… Các cảng biển, âu thuyền, luồng lạch phục vụ neo đậu, ra vào đối với các loại tàu nhỏ, tàu vỏ gỗ hiện nay đã khó, huống gì tàu vỏ sắt. Đó chính là lý do mà ngư dân chúng tôi chưa dám đóng tàu vỏ sắt”, ngư dân Trần Văn Chiến chia sẻ.

Ngoài cơ sở hạ tầng phục vụ đánh bắt xa bờ còn yếu kém, điều mà cơ quan chức năng băn khoăn là tư duy đánh bắt xa bờ của ngư dân vẫn còn lạc hậu. Qua tìm hiểu, phần lớn người dân cho rằng, nguồn vốn đóng tàu vỏ sắt quá lớn nên khả năng trả nợ, thu hồi vốn rất khó. Tư duy, cách nghĩ như vậy nên bà con không mạnh dạn đầu tư đóng tàu vỏ sắt, trang thiết bị, ngư cụ hiện đại. Điều này gây trở ngại trong thực hiện Nghị định 67 của tỉnh, cũng như yêu cầu phát huy tiềm năng, năng lực đánh bắt xa bờ của tỉnh.

Trong khi đó, theo nhiều ngư dân nghề đánh bắt xa bờ hiện nay mang lại hiệu quả kinh tế cao. Minh chứng là chỉ trong vòng một năm, trên địa bàn tỉnh có đến 60 chiếc tàu đánh bắt xa bờ được đóng mới, cải hoán có giá trị từ vài tỷ đến 8 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn vốn tích lũy quá trình đánh bắt xa bờ của ngư dân. Chủ nhân chiếc tàu “67” đầu tiên của tỉnh - ông Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An nhẩm tính: “Mỗi năm tàu ngư dân có đến trên dưới 10 chuyến biển, mỗi chuyến lãi từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng là chuyện thường. Có chuyến lãi từ 500 triệu đến cả tỷ đồng. Như vậy, khả năng trả nợ ngân hàng là không khó”. Theo ông Chinh, trả nợ vay không phải là vấn đề lớn, mà do người dân chưa thay đổi tư duy, nhận thức, thiếu mạnh dạn đầu tư đánh bắt xa bờ.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận-Nguyễn Quang Dân kiến nghị: “Các âu thuyền, bến cảng cần được nâng cấp, sửa chữa, nạo vét luồng lạch đảm bảo cho tàu thuyền ra vào an toàn”. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT –Lê Trần Nguyên Hùng, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng tàu xa bờ, đầu tư trang thiết bị, ngư cụ hiện đại. Các cấp, ngành cần sớm đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở đóng tàu vỏ sắt, hệ thống âu thuyền, bến cảng, nạo vét luồng lạch đáp ứng yêu cầu mới…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trăn trở giấc mơ vươn khơi

Khi những con sóng bạc đầu không còn xô bờ ồn ào cũng là lúc những con tàu rẽ sóng vươn khơi tìm luồng cá mới, chở theo niềm tin và hy vọng một mùa đánh bắt hải sản bội thu.

Trăn trở giấc mơ vươn khơi
Tự tin vươn khơi

Toàn bộ tàu thuyền đã cập cảng, về bờ trước khi không khí lạnh, biển động mạnh đợt này xảy ra. Lượng hải sản chuyến biển đầu năm tuy không lớn, nhưng là lộc khởi đầu cho một năm suôn sẻ, bội thu.

Tự tin vươn khơi
Gian khó vươn khơi

Giá nhiên liệu xăng, dầu tăng cao nhưng giá hải sản lại thấp, trong khi điều kiện khai thác xa bờ không mấy thuận lợi khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Gian khó vươn khơi
Trống giục vươn khơi

Qua cái giai đoạn những vàng lưới đắp chiếu giữa mùa rét buốt, sắp hàng dài trên bãi bờ. Và những ngày đông “trạo” chuyện, tu sửa ngư cụ… cũng qua. Họ bước vào một mùa biển mới với những khát vọng lớn lao.

Trống giục vươn khơi
Return to top