ClockThứ Hai, 20/02/2023 07:47

Tự tin vươn khơi

TTH - Toàn bộ tàu thuyền đã cập cảng, về bờ trước khi không khí lạnh, biển động mạnh đợt này xảy ra. Lượng hải sản chuyến biển đầu năm tuy không lớn, nhưng là lộc khởi đầu cho một năm suôn sẻ, bội thu.

Gian khó vươn khơiXăng dầu tăng giá, ngư dân gặp khóRa khơi ngày mưa, rét

Lộc biển của ngư dân Phú Thuận

Lộc biển đầu năm

Từ ngày 6 tết đến trước khi đợt không khí lạnh này xảy ra, điều kiện thời tiết biển rất thuận lợi cho tàu thuyền vươn khơi “hái lộc” đầu năm. Thuyền nan, gọ khai thác gần bờ ở các vùng bãi ngang liên tục bám biển, khai thác cá bạc má, cá khoai, ghẹ… Các địa phương như Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Lộc Trì… cũng tổ chức lễ xuất quân vươn khơi cho tàu đánh bắt xa bờ từ ngày mồng 10 tết.

Ông Trần Văn Chiến, chủ tàu vỏ thép ở xã Phú Thuận (Phú Vang) bảo, chuyến biển đầu năm chưa phải là chính vụ, tàu xuất quân chuyến này chủ yếu là để “lấy ngày”, làm lễ cầu ngư, cầu “mưa thuận gió hòa” cho một năm bám biển an toàn, bội thu. Sau khoảng một tuần vươn khơi, nhiều tàu đã trở về, trú tránh biển động, không khí lạnh. Lượng hải sản mỗi tàu xa bờ thu về trong chuyến biển này không lớn, song cũng đã có lộc đầu năm.

Trong khi tàu xa bờ mới có chuyến biển đầu tiên, thì các thuyền gần bờ, bãi ngang liên tục có nhiều chuyến biển khai thác vùng lộng kể từ những ngày sau tết. Ngư dân các xã Vinh Thanh (Phú Vang), Phong Hải, Điền Hòa (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)… khai thác một lượng hải sản tương đối lớn. Nhiều thuyền trúng cá khoai, bạc má, ghẹ… mỗi ngày thu nhập 1-2 triệu đồng.

Ông Võ Toản ở xã Phong Hải chia sẻ, thời tiết những ngày sau tết rất thuận lợi cho khai thác gần bờ. Dù vậy, thời điểm này chưa phải là chính vụ khai thác biển, lượng hải sản gần bờ xuất hiện chưa nhiều. Tuy nhiên, nhiều thuyền cũng có nguồn thu khá từ những chuyến biển đầu năm. Tính trong vòng 10 ngày qua, bình quân mỗi thuyền thu nhập 5-10 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu khẳng định, khai thác biển và nuôi trồng thủy sản được xác định là “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Số thuyền khai thác hiện nay tuy không còn nhiều như thời trước, nhưng là nghề chính của một bộ phận ngư dân. Điều quan tâm của địa phương là làm thế nào để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác biển.

Chính quyền địa phương luôn nắm bắt nguyện vọng và hỗ trợ ngư dân mua sắm đầy đủ ngư, lưới cụ, mở rộng quy mô chiều dài, chiều cao của lưới. Các loại lưới, câu đảm bảo khai thác quanh năm như lưới trích, nục, bạc má, ngừ, chủa, khoai, ghẹ… Người dân cũng đang từng bước khôi phục một số nghề truyền thống như “bủa xăm”, “kéo rồng”, “dạ” bủa các loại cá hố, cơm, nục, khuyết… gần bờ. Đặc biệt chú trọng khôi phục nghề “tre lói” để làm tổ, mồi nhử cá, tôm về trú ngụ, sinh sôi, vừa góp phần tái tạo, phục hồi nguồn lợi hải sản gần bờ, kết hợp tạo nguồn sinh kế cho ngư dân.

Phấn đấu khai thác biển đạt 37,5 ngàn tấn

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định, hoạt động tái tạo nguồn lợi hải sản luôn được ngành quan tâm và tổ chức hằng năm với nhiều đợt thả cá, tôm về biển. Tính riêng năm qua, hơn 4 triệu con cá, tôm, cua giống, bố mẹ các loại được thả xuống biển, đầm phá, kết hợp các biện pháp “làm tổ” trú ngụ, sinh sôi cho thủy, hải sản.

Gần đây, vùng biển lộng đang có dấu hiệu hồi sinh, nhiều loài hải sản có giá trị như thu, ngừ, chủa, cam… bắt đầu xuất hiện trở lại. Một số địa phương như Vinh Thanh, Lộc Trì… làm nghề câu, rê, cản… mang lại hiệu quả, thu nhập khá. Tổng sản lượng thủy, hải sản năm qua đạt trên 60 ngàn tấn, tăng 2,6%; trong đó sản lượng khai thác đạt gần 41 ngàn tấn, tăng 1,69% so với năm trước. Đây là tín hiệu tốt trong hoạt động khai thác biển của tỉnh.

Nghề khai thác xa bờ hiệu quả còn thể hiện ở đội tàu xa bờ trong năm qua tăng khá cao. Theo đó, do đã hết hạn ngạch phát triển tàu xa bờ Trung ương giao (không thể đóng tàu xa bờ) nên ngư dân tỉnh nhà đầu tư, phát triển sản xuất tàu cá xa bờ bằng cách mua tàu cá (cùng hạn ngạch) của ngư dân tỉnh bạn. Năm 2022, ngư dân mua từ ngoại tỉnh 21 chiếc, tương đương tăng 5% năng lực đội tàu xa bờ.

Năm 2022, có 370 tàu cá đăng ký tham gia khai thác trên vùng biển xa và đến nay đã có hơn 1.330 chuyến biển tham gia khai thác vùng biển xa, số ngày hiện diện trên biển xa tăng 2,6 lần so với năm trước. Hoạt động vùng biển xa không chỉ nâng cao hiệu quả khai thác mà còn góp phần củng cố an ninh quốc phòng toàn dân ở vùng biển Hoàng Sa.

Với tổng số tàu cá đã đăng ký đưa vào sử dụng hiện có 613 chiếc, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên 417 chiếc; mục tiêu phấn đấu khai thác thủy sản năm nay (2023) toàn tỉnh đạt 41 ngàn tấn, trong đó khai thác biển 37,5 ngàn tấn là hoàn toàn có thể đạt được. 

Ông Bình lý giải, có thể thấy đội tàu dịch vụ hậu cần được ngư dân tỉnh nhà đầu tư quy mô với cỡ tàu lớn nhất, sau đó đến nghề lưới rê và vây. Các tàu ngày càng vươn khơi, vùng biển xa và thời gian khai thác kéo dài, mang lại hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, số lượng thuyền nan truyền thống công suất nhỏ hoạt động khai thác hải sản bãi ngang ven bờ khoảng 1.400 chiếc, tập trung ở 5 huyện, thành phố ven biển. Các thuyền nan này chủ yếu sử dụng lưới rê các loại đánh cá quy mô nhỏ, là sinh kế cho các làng chài bãi ngang.

Mục tiêu đặt ra trong năm nay đối với ngành nông nghiệp là tiếp tục tổ chức phát triển hiệu quả các nghề khai thác hải sản vùng biển khơi gắn với các vùng biển chủ quyền quốc gia. Đội tàu công suất lớn được duy trì, đầu tư phát triển với các trang thiết bị hiện đại, như máy dò cá, máy định vị, bảo quản đông lạnh, hoặc đầu tư hầm bảo quản PU... để tăng chất lượng sản phẩm trên tàu xa bờ.

Các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được triển khai đến tận từng chủ tàu, thuyền viên. Điều tra tổng thể trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Thừa Thiên Huế định kỳ 5 năm/lần, qua đó làm cơ sở xác định, điều chỉnh hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản phù hợp.

Công tác chống khai thác IUU được triển khai đồng bộ, quyết liệt, bám sát các kế hoạch, hành động của Trung ương và địa phương. Kết quả, năm qua, tàu cá Thừa Thiên Huế không vi phạm đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài; 100% (417) tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đúng quy định pháp luật. Việc nâng cấp, đầu tư trang, thiết bị hoàn chỉnh tại trạm bờ và Văn phòng Đại diện Kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Thuận An đã được quan tâm, đảm bảo cơ bản vận hành phục vụ công tác kiểm soát tàu cá chặt chẽ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Mang nụ cười tự tin cho trẻ thiệt thòi

Hơn 400 trẻ thiệt thòi ở các cơ sở trợ giúp xã hội có cơ hội kiểm tra, điều trị các bệnh liên quan đến răng miệng. Không chỉ thế, một số bệnh nhi có dị tật ở vùng hàm mặt, tứ chi cũng được lên danh sách tìm kiếm cơ hội phẫu thuật miễn phí…

Mang nụ cười tự tin cho trẻ thiệt thòi

TIN MỚI

Return to top